MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP.HCM để chống dịch

Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP.HCM để chống dịch

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng chống dịch Covid-19. Nội dung gồm các chỉ đạo định hướng hoạt động phòng chống dịch trong giai đoạn mới.

Nghị quyết nêu rõ: Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16/CT-TTg (chỉ thị 16) tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Song, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định, hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách với các địa phương khác vẫn thiếu hụt và ách tắc cục bộ.

Bên cạnh đó, việc cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách có nơi, có lúc vẫn còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ; một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với TP.HCM và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương; với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP.HCM để chống dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ

Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác "đặc biệt" của Chính phủ, đặt tại TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Tổ công tác gồm các đồng chí thứ trưởng các bộ: Quốc phòng (tổ trưởng), Công an, Y tế (tổ phó); Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin và truyền thông, Lao động - thương binh và xã hội, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải; chủ tịch UBND TP.HCM (thành viên).

Các thành viên là thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ mình và phối hợp với các thành viên tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ giao Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 - trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ công tác theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quy chế hoạt động của tổ công tác thực hiện theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Giao thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng tổ công tác, khẩn trương thống nhất với các thành viên của tổ về quy chế tạm thời hoạt động của tổ công tác để kịp thời triển khai nghị quyết này, báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia.

Mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, được áp dụng điều 22, 26 Luật đấu thầu

Nghị quyết nêu rõ: Giao bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.

Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các điều 22 và điều 26 Luật đấu thầu.

Bộ Y tế chủ trì, cùng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tư pháp... dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Khắc phục tình trạng giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả

Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.

Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả.

Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó có lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể nhân dân, các tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chỉ thị 16.

Rà soát ngay và đề xuất cụ thể yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, nhất là bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế...; các địa phương khác cũng phải rà soát, thông báo về số lượng nhân lực, các loại phương tiện, thiết bị có thể chi viện, hỗ trợ.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp và điều phối chung, bảo đảm không để thiếu, hụt cho các địa phương đang thực hiện giãn cách và không để chồng chéo, lãng phí.

Chủ động rà soát, nắm chắc về số lượng, năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác...; trên cơ sở đó sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực cách ly trong trường hợp dịch bùng phát, làm khu cách ly cho công nhân của các cơ sở sản xuất an toàn, quản lý công nhân đi về theo phương châm "một cung đường, hai điểm đến".

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên