Thành phố trên núi và hệ thống đường sắt nội đô “viễn tưởng” ở Trung Quốc
Trùng Khánh nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, vừa vượt qua Quảng Châu, trở thành thành phố có nền kinh tế lớn thứ 4 nước này. Do địa hình đồi núi, ngoài hệ thống giao thông phức tạp, Trùng Khánh còn có một mạng lưới đường sắt nội đô như đến từ tương lai.
- 24-04-2023Xuất hiện “dấu hiệu của sự sống” trên thị trường IPO ngay cả khi nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn trực chờ
- 24-04-2023Hãng bán lẻ hơn 50 năm tuổi của Mỹ đệ đơn phá sản sau 50 năm, tương lai 14.000 nhân viên vô định
- 24-04-2023Lý giải khoản đầu tư 'độc lạ' của Warren Buffett vào 1 quốc gia châu Á: Nhìn qua tưởng ảm đạm nhưng thực chất là 'cỗ máy in tiền' ai cũng muốn 'chen chân'
Ở Trùng Khánh, nếu bạn hỏi điểm du lịch nào thu hút nhiều khách tham quan nhất? Câu trả lời rất có thể là đoàn tàu đâm qua tòa nhà tại ga Lý Tử Bá (Li Ziba) ở quận Du Trung. Đây là đoàn tàu một ray tuyến số 2 có thể đi xuyên qua tòa nhà 19 tầng mà không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tòa nhà được thiết kế làm cửa hàng từ tầng 1-5, còn từ tầng 9-19 là nhà dân, khu vực tàu điện chạy qua từ tầng 6-8, trong đó bến tàu được đặt ở tầng 8.
Vào mùa du lịch cao điểm, các đoàn xe đưa khách đến đây tấp nập. Du khách hào hứng chụp những bức ảnh ghi lại khoảng khắc độc đáo đoàn tàu như đâm thủng tòa nhà hoặc được nhả ra từ lòng tòa chung cư xây sát vách núi.
Ông Tôn Tài Dũng, quan chức một khu dân cư thuộc quận Du Trung, nơi có ga tàu độc đáo này cho biết: “Khách du lịch đến Trùng Khánh hầu như không ai không đến nhà ga này, do vậy có thể nói lượng khách đến đây là đông nhất. Sự nổi tiếng của đoàn tàu đã kéo theo cơ hội phát triển cho các ngành nghề khác, như các quán cà phê, nhà hàng bán đồ ăn vặt hay du lịch home-stay.”
Mọi thứ không chỉ có vậy, ở đây, đường sắt nội đô không phân biệt tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao. Người ta có thể chứng kiến cảnh những đoàn tàu chạy ngược nhau ngay trên đầu, tấp nập qua lại trên các tầng làn đường cao thấp, hay bất chợt chui lên từ dưới lòng đất như trong những bộ phim viễn tưởng tương lai.
Theo ông Tiết Thắng Siêu, Giám đốc Trung tâm Quản lý Vận hành của Tập đoàn Giao thông Đường sắt Trùng Khánh, là một thành phố trên núi, điều kiện địa hình đặc biệt do “hai sông chia cắt, bốn núi cách trở” và không gian siêu đô thị tương đối phân tán đã tạo cho giao thông đường sắt Trùng Khánh nhiều đặc điểm riêng có.
“Khác với các thành phố đồng bằng, các tuyến giao thông đường sắt của Trùng Khánh có nhiều khúc cua, độ dốc lớn, băng qua núi vượt qua sông, nhiều cầu và hầm, một số nhà ga được xây dựng trên sườn núi, giữa các tòa nhà và trên cầu. Việc xây dựng công trình rất khó khăn, điều này làm cho giao thông đường sắt của chúng tôi phức tạp và ảo diệu”
Cũng theo quan chức này, năm nay, tổng chiều dài đường sắt được đưa vào vận hành của Trùng Khánh đã đạt trên 500 km, đánh dấu việc thành phố này có mạng lưới vận hành đường sắt nội đô miền núi lớn nhất thế giới, cũng là thành phố có luồng giao thông đường sắt bắc qua sông nhiều nhất và đường hầm đường sắt xuyên núi dài nhất Trung Quốc.
Sẽ không hề quá khi nói Trùng Khánh là thành phố có nhiều tuyến đường sắt trên cao nhất Trung Quốc. Hệ thống tàu nhằng nhịt, ngược xuôi lên xuống giờ đã trở thành một đặc sản du lịch của thành phố này.
Ông Tiết Thắng Siêu khẳng định: “Có thể nói, giao thông đường sắt của Trùng Khánh không chỉ là phương tiện giao thông quan trọng để người dân đi lại, mà còn là nơi để quảng bá hình ảnh của Trùng Khánh ra bên ngoài, thực hiện được việc ‘kết hợp giữa giao thông với du lịch’ trên thực tiễn và trở thành tấm danh thiếp mới tươi đẹp của thành phố”.
Hiện nay, đường sắt nội đô đã phủ khắp các điểm nút chức năng quan trọng ở Trùng Khánh như sân bay, ga tàu cao tốc, các khu thương mại, lưu lượng đi lại cao nhất đạt hơn 4.000.000 lượt người/ngày, chiếm 40% trong các phương thức giao thông công cộng.
Với phương châm thông qua xây dựng giao thông đường sắt, thúc đẩy phát triển chất lượng cao và tạo dựng cuộc sống chất lượng cao, tận dụng các đại dự án xây dựng giao thông đường sắt thúc đẩy tiến trình đô thị hóa và điều chỉnh bố trí công nghiệp các khu vực dọc tuyến, theo kế hoạch mới nhất, đến năm 2035, tổng chiều dài các tuyến đường sắt nội đô được xây dựng ở thành phố này sẽ đạt khoảng 6.059 km, tương đương độ dài 32 vòng đường cao tốc vành đai quanh Trùng Khánh và 3 vòng cả đi lẫn về từ Trùng Khánh đến Quảng Châu./.
VOV