Thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất lọt top 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất Việt Nam trong quý I/2023
Với tăng trưởng GRDP quý I/2023 ước tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước, đây là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất lọt top 5 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.
- 07-04-2023Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thu nhập của lao động ở "đầu tàu" kinh tế TP.HCM thay đổi ra sao trong quý I/2023?
- 04-04-2023GDP quý 1 tăng thấp nhất trong 12 năm, chuyên gia ADB chỉ ra 3 đột phá Việt Nam cần làm để tăng trưởng GDP 2023 đạt mục tiêu 6,5%
- 03-04-2023Đóng bảo hiểm xã hội dưới 1 năm, người lao động được hưởng quyền lợi gì?
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước gồm Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.
Đáng chú ý, trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phỏng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất lọt top 5 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.
Kinh tế Hải Phòng đã đạt được những kết quả gì sau 3 tháng đầu năm?
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Hải Phòng cho biết, trong quý I/2023, GRDP của thành phố ước tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 9,51% của quý I/2022; xếp thứ ba cả nước và thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,49%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,09%, đóng góp 5,71 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 10,21% đóng góp 3,56 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,59%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Về tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước, trong quý I/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 23.977,9 tỷ đồng, đạt 20,59% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 8.187,7 tỷ đồng, đạt 19,27% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 86,03% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14.504,6 tỷ đồng, đạt 20,75% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 91,56% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương 3 tháng đầu năm đạt 6.162,3 tỷ đồng, đạt 15,58% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 145,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 3.235,6 tỷ đồng, đạt 15,66% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 288,96% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 2.740,9 tỷ đồng, đạt 18,87% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 105,94% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), báo cáo cho hay, từ đầu năm đến 15/3/2023, toàn thành phố có 17 dự án cấp mới đến từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 114,87 triệu USD. Trong đó, cấp mới trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) đạt 53,43 triệu USD (chiếm 46,51%); cấp mới ngoài KCN, KKT đạt 61,44 triệu USD (chiếm 53,49%). Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 9 dự án, với số vốn tăng là 262,78 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 26 dự án, vốn đầu tư đạt 377,65 triệu USD.
Tính riêng từ nửa cuối tháng 2 đến 15/3/2023, có 11 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 42,74 triệu USD. Các dự án chủ yếu có vốn đầu tư nhỏ. Cũng từ đầu năm đến 15/3/2023, có 06 chấm dứt hoạt động dự án. Trong đó có 02 dự án trong KCN và 04 dự án ngoài KCN.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung quý I/2023, toàn thành phố có 844 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký ước đạt 4.695,3 tỷ đồng, tăng 16,41% về số doanh nghiệp và giảm 37,99% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 5,56 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 471 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 1.146 đơn vị.
Liên quan đến tình hình sản xuất công nghiệp, Cục Thống kê Hải Phòng đánh giá, những tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp thành phố phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ thị trường trong nước và quốc tế như sụt giảm đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, lượng tồn kho tăng cao...
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp quý I/2023 đạt mức tăng khá, tăng 13,12% so cùng kỳ, đây là kết quả tích cực tạo đà cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong những tháng tiếp theo của năm 2023.
Tại Hội nghị lần thứ 10 tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, Hải Phòng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 tăng khoảng 12,7% - 13% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 8.150 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 116.181,187 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 42.500 tỷ đồng. Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 185 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD. Thu hút trên 7,3 triệu lượt du khách. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 2 - 2,5 tỷ USD...
Nhịp sống kinh tế