Tháo nút thắt "con đường đắt nhất hành tinh"
TP Hà Nội lại một lần nữa quyết tâm tháo nút thắt giải phóng mặt bằng (GPMB) để có thể hoàn thành dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục trong năm 2024.
- 15-11-2023Toàn cảnh con đường được đầu tư hơn 2.000 tỷ nâng cấp ở cửa ngõ phía Đông TPHCM
- 15-11-2023Con đường vành đai 86.000 tỷ đồng hứa hẹn thay đổi cuộc sống của hàng triệu dân ngoại thành Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đang triển khai đến đâu?
- 01-11-2023Khu vực quy tụ 13 con đường siêu ngắn, đặt tên theo các loài hoa tại TP.HCM
Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng ở Hà Nội nhằm góp phần giải tỏa ách tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông ở khu vực thuộc vùng lõi của thủ đô. Có lẽ chưa có dự án giao thông nào mà triển khai thực hiện lại khó khăn và kéo dài như dự án đường Vành đai 1 ở Hà Nội.
Cách đây khoảng 20 năm, vào những năm 2000, TP Hà Nội đã có chủ trương xây dựng, mở rộng nhằm khép kín đường Vành đai 1 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành, chủ yếu do vướng mắc trong GPMB. Tuyến đường giao thông vòng tròn này có từ thời Pháp thuộc, chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Khu vực Hà Nội phía trong đường Vành đai 1 được xác định là khu vực bảo tồn và hạn chế phát triển, được chia một cách không chính thức thành khu phố cổ và khu phố cũ, là vùng lõi của thủ đô có mật độ cư dân và giao thông cao. Vì thế, dự án đường Vành đai 1 có ý nghĩa rất quan trọng với không chỉ giao thông mà cả phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Sau nhiều năm xây dựng, dự án Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Xã Đàn được thông xe vào tháng 2-2008 sau gần 10 năm phê duyệt. Tuyến đường dài 550 m này có tổng mức đầu tư 773 tỉ đồng, tính ra chi phí trung bình 1,41 tỉ đồng cho mỗi mét đường. Ba năm sau, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu dài 547 m cũng được khánh thành với tổng mức khoảng 800 tỉ đồng, chi phí mỗi mét đường tăng lên khoảng 1,5 tỉ đồng. Đến tháng 7-2016, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái dài 570 m thông xe với chi phí 1.139 tỉ đồng, trung bình suýt soát 2 tỉ đồng mỗi mét đường.
Tất nhiên, chi phí chủ yếu trong xây dựng các đoạn đường trên là dành cho GPMB, chi phí trực tiếp làm đường chỉ chiếm số nhỏ. Nhưng nhìn từ tổng mức đầu tư, đường Vành đai 1 các đoạn trên được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh".
Nút thắt cuối cùng để khép kín đường Vành đai 1 là đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2.274 m, tổng mức đầu tư gần 7.800 tỉ đồng (tính ra chi phí tới 3,4 tỉ đồng cho mỗi mét đường), trong đó chi phí xây dựng chỉ 785 tỉ đồng, còn lại là chi phí GPMB. Đến nay, dự án khởi động từ năm 2017 này mới giải ngân 20,1% kế hoạch vốn.
6 năm mới giải ngân được 1/5 vốn đầu tư, vậy dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có về đích trong năm 2024 như quyết tâm của TP Hà Nội? Trở ngại lớn nhất của đoạn cuối cùng đường Vành đai 1 này vẫn là GPMB. TP Hà Nội trong 6 năm chưa thể GPMB để thi công tuyến đường thì liệu trong vòng 1 năm có làm được điều này?
Tháo nút thắt cuối cùng của tuyến đường Vành đai 1 huyết mạch, vì thế, rất cần sự nỗ lực cao độ, thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn song cũng cần thấu tình đạt lý để sớm hoàn tất tuyến giao thông quan trọng ở thủ đô.
Người lao động