MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đường bằng chất ngọt nhân tạo, nguy cơ mắc tiểu đường type 2 vẫn tăng như thường

28-07-2016 - 18:48 PM | Sống

Hành động này có thể lợi bất cập hại.

Thay thế đường trong chế độ ăn uống của bạn với chất ngọt nhân tạo có thể không đem lại lợi ích sức khỏe như bạn nghĩ. Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, trong khi chuyển sang chất ngọt nhân tạo đúng là giúp chúng ta giảm lượng calo và cả cân nặng, nó lại có thể gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 .

Tham gia vào nghiên cứu, hai nhà khoa học đến từ Đại học York, Canada nói rằng: chất tạo ngọt nhân tạo (aspartame và saccharin) có thể làm thay đổi hệ sinh vật đường ruột và tạo ra tình trạng không dung nạp glucose. Điều này khiến mức đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Người sử dụng có nguy cơ mắc tiền tiểu đường cho đến tiểu đường thực sự.

Đáng nói, aspartame, chất ngọt nhân tạo gây hại nghiêm trọng nhất theo nghiên cứu, đang có mặt trong hơn 6.000 sản phẩm ăn uống và dược phẩm trên toàn thế giới. Với mã phụ gia thực phẩm E951, aspartame có mặt trong nhiều loại bánh kẹo, nước ép trái cây, trong các sản phẩm dán nhãn “không đường” như kẹo cao su, nước ngọt không đường, nước ngọt cho người ăn kiêng... và ngay cả trong một số thuốc, sản phẩm bổ sung vitamin.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những bệnh nhân béo phì, người đã tiêu thụ chất ngọt nhân tạo, đặc biệt là aspartame, có khả năng quản lý lượng đường tệ hơn những người không thay thế đường bởi chúng”, giáo sư Jennifer Kuk nhận xét.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hơn 2.500 người Mỹ trưởng thành tham gia một cuộc điều tra dinh dưỡng quốc gia. Mỗi người sẽ báo cáo chế độ ăn của họ trong 24 giờ và được phân loại theo hai nhóm: người tiêu thụ các chất ngọt nhân tạo và người tiêu thụ mức cao hoặc thấp của đường.

Sử dụng một thử nghiệm dung nạp glucose theo đường uống, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra được nguy cơ mắc tiểu đường của hai nhóm tham gia, dựa trên khả năng quản lý lượng đường trong máu của họ.

Theo đó, những người thường xuyên tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo lại có khả năng thấp hơn trong việc kiểm soát tự nhiên lượng đường trong máu. “Chúng tôi không tìm thấy ảnh hưởng bất lợi này trong nhóm người tiêu thụ đường saccharin hay đường tự nhiên”, giáo sư Kuk nói.

Hiện nay, có rất nhiều loại chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng để thay thế trong các loại thực phẩm. Trong đó aspartame từ lâu đã nổi tiếng, vì gây tranh cãi liệu có phải là tác nhân gây ung thư hay không. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Canada đã khẳng định thêm một lần nữa nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của chất ngọt nhân tạo này. Nó đã được sử dụng trong gần 30 năm qua để thay thế đường.

Ngoài ra, vẫn còn hàng tá các loại chất ngọt nhân tạo khác. Các nhà khoa học lưu ý rằng nghiên cứu thêm là cần thiết để xác định xem liệu có bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe nào của việc sử dụng các chất ngọt nhân tạo này không. Biết đâu được việc thay thế đường bằng chất tạo ngọt nhân tạo lại là một hành động lợi bất cập hại.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Sức khỏe Canada và công bố trên tạp chí Applied Physiology, Nutrition and Metabolism .

Theo Zknight

Trí Thức Trẻ/ Genk

Trở lên trên