Thấy gì từ biến động bất ngờ của tỷ phú Việt Nam trên bảng xếp hạng Forbes?
Người đứng đầu tiếp tục tăng bậc, người đứng chót bị rớt khỏi danh sách. Nữ tỷ phú Việt duy nhất trong danh sách Forbes bị giảm tài sản do diễn biến giảm điểm chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.
- 08-10-2018Thăng trầm xếp hạng Forbes của các tỷ phú thế giới người Việt
- 14-09-2018Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và những giấc mơ bỏ ngỏ cho người trẻ
- 11-09-2018Đâu là nghịch lý của một khu vực có nhiều tỷ phú hơn bất cứ nơi nào trên thế giới?
Năm 2018 là một năm đầy biến động về danh sách tỷ phú USD của Việt Nam. Đầu năm, Forbes ghi nhận thêm 2 tỷ phú người Việt lọt top những người giàu nhất hành tinh. Đến tháng 10 vừa qua, tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều đã chính thức bị loại khỏi danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ và tụt gần 600 bậc trên bảng xếp hạng tỷ phút thế giới.
Mới đây, giới siêu giàu Việt Nam lại nhận thêm một tin buồn khi ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát không còn nằm trong danh sách tỷ phú thế giới.
Sự sụt giảm tài sản của ông Long bắt nguồn từ chủ trương tăng thuế nhập khẩu thép của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước của Mỹ. Thuế nhập khẩu thép tăng đã trở thành rào cản cho các thị trường xuất khẩu thép, trong đó có Việt Nam và cụ thể là tập đoàn Hòa Phát.
Giá cổ phiếu HPG đã giảm mạnh, tụt sâu xuống còn 33.200 đồng/cổ (ngày 30/11). Giá này thậm chí còn thấp hơn mức đáy thiết lập hồi tháng 7 năm nay là 33.750 đồng/cổ phiếu. Biến động này đã làm "bay hơi" khối tài sản lên tới hơn 6.000 tỷ VND – tương đương 257 triệu USD (so với thời điểm gần nhất cập nhật tài sản cá nhân của ông Long trên Forbes).
Bạn của ông Trần Đình Long, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải –vẫn trụ tại danh sách những người giàu nhất hành tinh. Tài sản của ông Dương ước tính là 1,7 tỷ USD và đang tạm đứng ở vị trí 1.334 trong danh sách.
Còn tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 22 bậc trên bảng xếp hạng và hiện giữ vị trí thứ 221, nhờ có màn ra mắt vô cùng ấn tượng của VinFast – hãng ô tô mới của Tập đoàn Vingroup. Điều thú vị là trước đó, Vingroup còn bị hạ bậc tín nhiệm vì tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô.
Và dù sản xuất ô tô chỉ là lĩnh vực mới và là lĩnh vực khiến Vingroup bị hạ bậc tín nhiệm, VinFast vẫn góp phần giúp khối tài sản 6,7 tỷ USD của ông Vượng vượt qua cả những ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô thế giới: ông chủ tập đoàn Huyndai Chung Mong-Koo (xếp thứ 534), ông Piero Ferrari (xếp thứ 931).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet – Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank hiện là tỷ phú giàu thứ 2 Việt Nam (trên danh sách Forbes). Bà Thảo là nữ tỷ phú Forbes duy nhất của Việt Nam và là tỷ phú nữ tự thân đầu tiên của Đông Nam Á.
Nằm trong Top 1.000 Người giàu nhất thế giới, Top 100 Phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Thảo là một hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ hiện đại. Dưới sự quản lý của bà Thảo, Vietjet và HDBank vẫn đang hoạt động tích cực và gặt hái được nhiều thành quả.
Tuy nhiên, trong tháng 11/2018, cùng với nhịp giảm điểm của VN-Index, diễn biến giá cổ phiếu VJC và HDB có nhiều biến động khiến tài sản bà Thảo giảm khoảng 600 triệu USD trong vòng 1 tháng. Tổng tài sản của bà đã tụt khá sâu so với mức 3,1 tỷ USD trước đó, khi bà giàu thứ 820 thế giới. Bà Thảo tụt 60 bậc và hiện đứng thứ 880 trong danh sách tỷ phú của Forbes với tài sản ước tính 2,6 tỷ USD.
Một nhân vật nữa là tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều. Kể từ khi rớt khỏi top 400 người giàu nhất nước Mỹ hồi tháng 10 năm 2018 – xếp thứ 1.432 vào thời điểm đó, đến nay thứ hạng của ông Kiều đã tụt một bậc xuống 1.433 và chưa có dấu hiệu phục hồi.