Thấy gì từ động thái tăng lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước?
Ngân hàng Nhà nước vừa nâng lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) lên 0,25 điểm % trong nỗ lực giảm chênh lệch lãi suất USD và VNĐ, giảm sức ép tỉ giá.
- 23-05-2024Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Mở tài khoản ngân hàng trực tuyến sẽ phải sử dụng căn cước công dân gắn chip
- 23-05-2024Vì sao cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng?
- 23-05-2024Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra đột xuất 49 tiệm vàng, tất cả đều vi phạm
Ngày 23-5, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo về kết quả đấu thầu thị trường mở với lãi suất 4,5%/năm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho 8 thành viên vay tổng cộng hơn 40.000 tỉ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với lãi suất 4,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Lãi suất cho vay tăng 0,25 điểm % so với trước và đây là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua.
Chia sẻ tại tại bàn tròn "Triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư Ngân hàng UOB Việt Nam" ngày 23-5, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích động thái của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở OMO không chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm % mà còn có cả hoạt động phát hành tín phiếu, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng. Đây là hoạt động bình thường và hiện thanh khoản của thị trường vẫn đang rất ổn.
"Vài tuần gần đây, một số ngân hàng thương mại có tăng lãi suất huy động nhưng không quá cao, phần lớn là ở các kỳ hạn ngắn thêm từ 0,2-0,3 điểm %. Sau khi tăng, mặt bằng lãi suất hiện tại như tiền gửi kỳ hạn 12 tháng quanh 5%/năm vẫn thấp hơn trước COVID-19" - ông Quang nói.
Về động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia của Công ty chứng khoán Maybank nhận định đây là một trong những nghiệp vụ của cơ quan quản lý dùng để kéo lãi suất tiền đồng VNĐ trên thị trường liên ngân hàng lên, giảm chênh lệch lãi suất USD và VNĐ, từ đó giảm áp lực đầu cơ USD và giảm áp lực tỉ giá USD/VNĐ.
Cùng với nghiệp vụ trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước cũng đang bán ngoại tệ can thiệp để hạn chế đà giảm của đồng VNĐ so với đồng USD.
Về tỉ giá, ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB, cho biết quan điểm của UOB là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Dự báo Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Vì vậy, sức mạnh của USD được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong những tháng tới, tác động tích cực tới VNĐ.
Báo cáo của UOB cho thấy dự báo VNĐ và các đồng tiền khác trong khu vực có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong cuối năm 2024. Nhận định này trong bối cảnh FED có thể cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới, trong khi lãi suất VNĐ hầu như không giảm thêm mà dự báo sẽ tăng trở lại.
Người lao động