MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy rõ dấu hiệu nghi ngờ nhưng bác sĩ liên tục chẩn đoán sai, người phụ nữ 35 tuổi quyết tâm làm một việc giúp mình chiến thắng bệnh ung thư vú

26-08-2020 - 15:37 PM | Sống

Bác sĩ của Elizabeth Vines liên tục khẳng định: “Ung thư không phát triển như vậy” bất chấp sự nghi ngờ của cô. Một thời gian sau, người phụ nữ này được thông báo mắc ung thư vú giai đoạn 3 ở tuổi 35.

Vào tháng 2 năm 2014, Elizabeth Vines phát hiện một khối u nhỏ bằng hạt đậu ở vú, gần với với vùng nách. Một tháng sau đó, cô đi khám bác sĩ vì một lý do khác và tiện thể hỏi luôn về hiện tượng bất thường này. Đây cũng là thời điểm cuộc sống của Elizabeth bắt đầu đảo lộn.

Dưới đây là những chia sẻ của cô sau khi biết mình bị ung thư vú ở tuổi 35 và từng bị bác sĩ chẩn đoán sai:

Lời khẳng định

Thấy rõ dấu hiệu nghi ngờ nhưng bác sĩ liên tục chẩn đoán sai, người phụ nữ 35 tuổi quyết tâm làm một việc giúp mình chiến thắng bệnh ung thư vú - Ảnh 1.

Nếu sờ hay cảm nhận thấy khối u, ung thư rất có thể đã tồn tại trong cơ thể bạn từ trước đó 1-2 năm.

Sau khi nghe tôi kể về hiện tượng bất thường này, bác sĩ thậm chí còn không quan tâm. Ông ấy nói: “Chẳng có gì phải lo lắng cả. Cô còn trẻ và gia đình không có tiền sử mắc ung thư”. Dù nghi ngờ về kết luận này, tôi trở về nhà và tiếp tục theo dõi. Đến tháng 9, khối u ở vú bắt đầu phát triển nhanh chóng.

Thời điểm đó, cả gia đình tôi đang đi nghỉ mát ở Maui, Hawaii. Chồng tôi cảm thấy rất lo lắng và khăng khăng muốn đưa tôi đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra. Vì sự hối thúc của anh ấy, tôi gọi điện tới văn phòng bác sĩ và đặt lịch hẹn.

Lần thứ hai tôi trở lại phòng khám, ông ấy xem xét kỹ hơn nhưng vẫn khẳng định: “Đây không phải là ung thư. Ung thư không phát triển như vậy. Đây chỉ là một khối u nang”. Tôi hỏi bác sĩ cần làm gì tiếp theo và nhận được câu trả lời: “Cô có thể đi siêu âm”. Ông ấy thực sự không nghĩ tôi nên xét nghiệm để tìm ra bệnh. Cuối cùng, tôi rời khỏi phòng khám trong sự nghi ngờ.

Vài ngày sau, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Khối “u nang” phát triển nhanh chóng đến mức có kích thước bằng một nửa quả chanh. Tôi cố gắng tin tưởng những gì bác sĩ nói nhưng đồng thời linh tính lại mách bảo có một điều gì đó không ổn.

Tôi quyết tâm gọi đến phòng khám lần nữa để hẹn lịch siêu âm. Bác sĩ và nhân viên phục vụ trả lời với thái độ cứ như thể tôi đang làm lãng phí thời gian của họ. Tôi phải đợi khoảng 3-4 tuần và kết quả cho thấy khối u được tạo thành từ các nang và đây không phải là ung thư. Bác sĩ nói: “Tôi sẽ giới thiệu cô tới gặp một số bác sĩ phẫu thuật vú để loại bỏ khối u nang này”.

Chẩn đoán bất ngờ

Thấy rõ dấu hiệu nghi ngờ nhưng bác sĩ liên tục chẩn đoán sai, người phụ nữ 35 tuổi quyết tâm làm một việc giúp mình chiến thắng bệnh ung thư vú - Ảnh 2.

Nếu khối u phát triển lớn, kích cỡ tăng gấp đôi so với ban đầu, mọi người đừng ngại ngần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ngày 24 tháng 11, tôi tới một phòng khám được bác sĩ giới thiệu. Họ tiến hành kiểm tra nhanh trước khi đưa tôi đi chụp quang tuyến vú. Đột nhiên, các bác sĩ trông rất lo lắng.

Họ nói tôi bị ung thư sau khi xem kết quả chụp quang tuyến vú. Tôi cố gắng tranh luận với bác sĩ: “Sao bác sĩ biết tôi mắc ung thư nếu không làm sinh thiết?” và nhận được câu trả lời: “Chúng tôi có thể biết được thông qua hình dạng của các tế bào. Đó là một khối u dài 12cm”.

Sau đó, tôi chờ làm sinh thiết để xác định loại ung thư vú. Hai ngày tiếp theo, bác sĩ tiến hành chụp xương và cộng hưởng từ.

Chồng tôi khuyên nên đến các bệnh viện lớn hoặc những trung tâm có uy tín để điều trị. Cuối cùng, tôi quyết định lựa chọn Viện Mayo ở Arizona. Trước khi chuyển nơi điều trị, một bác sĩ chuyên khoa ung thư nói rằng tôi có thể chỉ còn sống được khoảng 2 năm nữa.

Tìm kiếm hi vọng

Sau khi về nhà, tôi đi thẳng vào phòng ngủ và cuộn mình trên giường. Tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn. Nếu không có sự động viên từ chồng và các con, có lẽ tôi đã không thể vượt qua được giai đoạn khủng khiếp này.

Bác sĩ phẫu thuật ung thư kết luận tôi không còn nhiều thời gian và cần làm hóa trị ngay. Ông ấy khuyên: “Cô vẫn có hi vọng dù sẽ phải trải qua một năm đầy khó khăn”.

Kế hoạch lúc đầu là thực hiện hai lần hóa trị liệu trong ba tuần, kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên, xét nghiệm HER2 lại cho thấy kết quả dương tính nên bác sĩ tăng thêm liệu pháp điều trị chống HER2.

Kết quả tốt đẹp

Sau khi thảo luận với các bác sĩ, tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ vú rồi tiến hành xạ trị trong 6 tuần trước khi trở về nhà. Do dương tính với HER2, tôi tiếp tục điều trị bằng thuốc khoảng một năm nữa.

Dần dần mọi chuyện chuyển biến tích cực một cách rõ rệt. Tóc của tôi mọc trở lại và bác sĩ cho biết ung thư ít có khả năng tái phát. Nói cách khác, tôi đã chiến thắng căn bệnh này.

Bác sĩ chẩn đoán sai cho tôi nay đã nghỉ hưu. Tôi từng đặt nhiều niềm tin vào bác sĩ nhưng những gì trải qua đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ này. Nếu cảm thấy nghi ngờ về kết luận của bác sĩ, bạn đừng bao giờ bỏ qua mà hãy tìm đến những chuyên gia khác để được tư vấn. Suy cho cùng, không ai hiểu bạn bằng chính bạn.

Theo Health

Theo Mai Nhung

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên