MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới đang sử dụng nhiều dầu hơn chúng ta nghĩ

14-02-2022 - 12:04 PM | Thị trường

Tồn trữ dầu toàn cầu luôn thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó.

Tháng trước, Bloomberg từng đề cập về việc 200 triệu thùng dầu biến mất. Sự khác biệt giữa kho dự trữ và khối lượng tiêu thụ thực tế đã được đo lường chênh nhau đến 200 triệu thùng và một số giả thiết đã được đặt ra.

Tuy nhiên, đến nay 200 triệu thùng đó đã không còn nữa. Đúng như nhiều người lo sợ, chúng đã được sử dụng hết – trong các nhà máy lọc và hoá dầu của Trung Quốc và Ả rập Xê Út. Điều đó có nghĩa là cân đối dầu mỏ đang "chặt" hơn nhiều so với ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trước đây.

Cơ quan này đã công bố báo cáo hàng tháng mới nhất hôm 11/2, điều chỉnh lại nhu cầu dầu mỏ của thị trường kể từ năm 2007. Như vậy, trong 15 năm qua, thế giới đã sử dụng nhiều dầu hơn so với các cơ quan giám sát ước tính.

Thế giới đang sử dụng nhiều dầu hơn chúng ta nghĩ - Ảnh 1.

IEA đã điều chỉnh lại nhu cầu dầu toàn cầu cho 15 năm qua.

Và sự chênh lệch này không hề nhỏ. Con số 2,9 tỷ thùng mà họ vừa bổ sung nhiều gấp 5 lần Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ hoặc có giá trị tiêu thụ tương đương một năm sử dụng tại Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Mexico.

Không ngạc nhiên khi động thái sửa đổi lần này được thực hiện với các sản phẩm dầu và trong lĩnh vực kém minh bạch nhất – ngành công nghiệp hoá dầu ở Ả rập Xê Út và Trung Quốc.

Hoá dầu là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong các dự báo nhu cầu trung hạn. Lĩnh vực này lại mở rộng nhanh chóng trong đại dịch Covid-19 do nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân hay bao bì tăng cao khi mua hàng trực tuyến bùng nổ.

Tác động của nó đến ước tính về dự trữ dầu toàn cầu là rất lớn.

Khoảng dư thừa 660 triệu thùng mà IEA nhìn thấy cách đây một tháng đã bốc hơi. Sau điều chỉnh, IEA dự báo dự trữ đầu toàn cầu vào đầu năm 2022 đã thấp hơn cả mức cuối 2019.

Việc thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn so với dự báo được thể hiện bằng việc giá dầu đã tăng mạnh trong 2 năm qua. Đáng chú ý, biểu đồ giá dầu Brent giai đoạn sau đại dịch gần như khớp chính xác với đợt tăng-giảm giá dầu năm 2007-2008.

Thế giới đang sử dụng nhiều dầu hơn chúng ta nghĩ - Ảnh 2.

Biểu đồ giá dầu giai đoạn sau đại dịch đang có xu hướng lặp lại giai đoạn 2007-2008.

Sự khác biệt diễn ra trong giai đoạn Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ giải phóng kho dự trữ chiến lược khi nhóm OPEC+ từ chối tăng sản lượng. Động thái này diễn ra trong ngắn hạn và đến cuối tháng 1, giá dầu đã trở lại "đúng quy trình".

Việc giá dầu có tiếp tục đi theo lộ trình 2007-2008 hay không có thể phụ thuộc vào việc Mỹ có gia tăng khai thác dầu đá phiến hay không hoặc thoả thuận hạt nhân của Iran có đạt kết quả gì hay không.

Có một điểm chắc chắn, trong nhiều tháng qua OPEC+ không thể bổ sung nguồn cung như đã hứa hẹn. Phân tích mới nhất từ BloombergNEF cho thấy 15 trong tổng số 19 quốc gia không đạt được sản lượng mục tiêu trong tháng 1. Sản lượng của 13 nước OPEC chỉ tăng 65.000 thùng/ngày trong tháng 1, bằng 1/4 mức tăng dự kiến.

Vì vậy, thị trường có thể sẽ phải tìm nguồn cung ở nơi khác. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đang ngày càng lạc quan hơn về lĩnh vực dầu đá phiến. Đầu tháng này, họ nâng dự báo sản lượng trong nước lên 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối 2022 và 2023. Hiện tại, cơ quan này dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ mức đỉnh trước đại dịch vào cuối năm 2023.

https://cafef.vn/the-gioi-dang-su-dung-nhieu-dau-hon-chung-ta-nghi-20220214105520816.chn

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên