MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm 2 trùm khí đốt tham gia cuộc đua xuất khẩu LNG đến châu Á, Mỹ thêm đối thủ cạnh tranh tại khu vực 'màu mỡ' nhất thế giới

18-09-2024 - 05:15 AM | Thị trường

Châu Á đang trở thành khu vực nhập khẩu LNG lớn nhất và quan trọng nhất thế giới.

Thêm 2 trùm khí đốt tham gia cuộc đua xuất khẩu LNG đến châu Á, Mỹ thêm đối thủ cạnh tranh tại khu vực 'màu mỡ' nhất thế giới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Oilprice, Canada và Mexico đang nổi lên là những đối thủ cạnh tranh mới nhất của Mỹ trong cuộc đua vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Á - khu vực nhập khẩu LNG lớn nhất và quan trọng nhất thế giới.

Các nhà phân tích cho biết rằng trong khi hoạt động phát triển LNG của Mỹ vốn đã gặp phải hàng loạt trở ngại trong những tháng gần đây thì Canada và Mexico đang tìm cách khai thác thị trường châu Á, nơi đang phát triển về nhiên liệu siêu lạnh.

Canada và Mexico đều có một số dự án xuất khẩu LNG đang được xây dựng và phát triển. Những cảng này nằm ở bờ biển phía tây, do đó giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường châu Á qua Thái Bình Dương và không cần phải đi qua Kênh đào Panama, điểm nghẽn hàng hóa LNG trong những năm gần đây.

Canada có khả năng cung cấp 36,2 triệu tấn LNG mỗi năm vào năm 2040 và Mexico có khả năng cung cấp 36,7 triệu tấn theo ước tính của Wood Mackenzie.

Tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh rằng nguồn cung tiềm năng từ Canada và Mexico – những quốc gia vẫn chưa vận chuyển LNG ra thị trường nước ngoài nhỏ hơn nhiều so với ước tính 325,83 triệu tấn hàng năm có thể đến từ Mỹ vào năm 2040.

Năm 2023, xuất khẩu LNG của Mỹ đạt 88 triệu tấn.

Canada đã chứng kiến sự chậm trễ khoảng một thập kỷ trong một số dự án xuất khẩu LNG, chủ yếu là do vấn đề cấp phép. Nhưng hiện tại, công ty đã đặt mục tiêu thâm nhập vào thị trường châu Á với một số dự án, trong đó dự án đầu tiên là LNG Canada do Shell dẫn đầu, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

Vào tháng 6, Tập đoàn Đường ống Haisla Nation và Pembina đã quyết định tiến hành dự án Cedar LNG, một cơ sở xuất khẩu LNG nổi ở Bờ Tây Canada và là dự án LNG do người bản địa sở hữu đầu tiên trên thế giới.

Chi phí cấp phép và tăng vọt đã cản trở khả năng xuất khẩu LNG của Canada và Mexico. Nhưng Mỹ cũng đã chứng kiến những bước thụt lùi trong ngành này. Chi phí lao động và xây dựng tăng cao đang cản trở một số dự án xuất khẩu LNG lớn, trong khi những trở ngại về quy định cũng đã xuất hiện.

Tháng trước, một tòa phúc thẩm Mỹ đã hủy bỏ việc cấp phép cho dự án xuất khẩu LNG Rio Grande của NextDecade Corporation tại Texas với lý do Ủy ban Năng lượng liên bang đáng lẽ phải ban hành Báo cáo tác động môi trường bổ sung (EIS).

Dữ liệu của Kpler cho thấy, trong khi nhập khẩu của Châu Á được thiết lập ở mức cao nhất trong 6 tháng vào tháng 7, thì nhập khẩu vào châu Âu đang trên đà ở mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2021. Giá cao hơn ở Châu Á đang thu hút nhiều hàng nhập khẩu vào khu vực này, trong khi nhu cầu ở Châu Âu yếu và giá thấp hơn mức châu Á.

Các chiến lược gia của ING cho biết, vào cuối thập kỷ này, nhu cầu LNG toàn cầu sẽ tăng khoảng 35%, dẫn đầu là tăng trưởng ở khu vực Châu Á.

Theo Oilprice

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên