MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, tập dụng ưu đãi thuế quan từ các cam kết của Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, chính là cách hiệu quả nhất và cũng là việc ưu tiên cần làm nhất lúc này, để thúc đẩy và tạo thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam bứt phá.

Chú thích ảnh
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số đông doanh nghiệp đều đánh giá rằng, các FTA đã đem lại nhiều giá trị đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, có gần 62% ý kiến đồng tình rằng, đó là những tác động tương đối tích cực và 76% doanh nghiệp cho rằng, những tác động tích cực này sẽ kéo dài từ nay tới 3 năm tiếp theo. Nếu khắc phục được những lực cản còn tồn tại sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dễ dàng tận dụng được nhiều lợi thế hơn từ các FTA để thu về nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Một số lực cản đã được bà Trang điểm danh như: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng, quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi FTA còn khó đáp ứng. Ngoài ra, có một số lực cản khách quan khác như bất cập trong tổ chức thực thi các FTA của cơ quan Nhà nước; cùng với yếu tố biến động và bất định của thị trường.

Muốn tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA, theo bà Trang, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các nghị định về biểu thuế ưu đãi theo từng FTA. Trong các nghị định về biểu thuế ưu đãi cần quy định trực tiếp các điều kiện cơ bản hưởng ưu đãi thuế và quy trình hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi theo hướng cho hưởng ngay chứ không chờ hoàn thuế. Cùng với đó, các thông tư xác định xuất xứ hàng xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng về tên gọi, có cấu trúc là những quy trình, quy định thống nhất. Hoặc, bổ sung quy định riêng và nội dung cần phải chi tiết về điều kiện quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế; bỏ quy định về buộc khai chậm nộp chứng nhận xuất xứ trong tờ khai nhập khẩu và sửa các quy định về thời hạn, điều kiện chậm nộp chứng nhận xuất xứ theo đúng cam kết FTA.

Bà Trang cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động tìm kiếm đối tác và thúc đẩy giao dịch; điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và hoàn thiện các yêu cầu khác về giấy tờ thủ tục, về vận chuyển... để được hưởng ưu đãi thuế quan như cam kết tại các FTA.  Tại địa phương, lợi ích của các FTA với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên, để nhận được những ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, lao động, cũng như xuất xứ trong sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfort tại Cụm công nghiệp Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho hay, công ty hiện có hai nhà máy sản xuất. Cụ thể, nhà máy 1 hoạt động vào năm 2018 và nhà máy 2 mới đi vào sản xuất năm nay với 350 công nhân. Từ đầu năm đến nay, công ty gặp không ít khó khăn, cả về sản xuất lẫn kinh doanh và đặc biệt, thị trường thế giới biến động ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nhưng, công ty đã nỗ lực để bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Khó khăn của doanh nghiệp là lượng đơn hàng, sản lượng giảm cùng với nguyên liệu đầu vào 100% là nhập khẩu, thị trường tiêu thụ 90% là xuất khẩu nhưng chi phí vận chuyển lại tăng cao nên càng tạo áp lực cho công ty, bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Để khắc phục các khó khăn trên, công ty đã cải tiến kỹ thuật để phát triển theo hướng sản xuất xanh, bền vững. Đồng thời, đầu tư tìm hiểu kỹ về những thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp hướng tới, nhất là những thị trường có ký kết hợp tác FTA với Việt Nam.

Hiện nay, thông qua kết nối của Sở Công Thương tỉnh Thái Bình với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các Thương vụ Việt Nam tại một số nước như: Mỹ, Chi Lê, Canada, doanh nghiệp đang xúc tiến hợp tác với một số đối tác Canada để mở rộng thị trường. Qua đó, tranh thủ tận dụng một số ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm bù đắp cho giai đoạn khó khăn trước đó.

Cũng là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của các cam kết hợp tác quốc tế, ngành xi măng đã và đang không ngừng hiện đại hóa công nghệ sản xuất, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, điện năng để tối ưu hóa hiệu qua kinh doanh. Theo PGS.TS Lương Đức Long, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho các năm theo từng mốc từ nay tới năm 2030 và 2050 về mức độ hiện đại hóa công nghệ cũng như giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính... để có thể tiến tới thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động xuất khẩu.

Tới đây, Liên minh châu Âu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, clanke, xi măng Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ chịu mức thuế carbon rất lớn do suất phát thải cao, vì chi phí năng lượng sản xuất cao và tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo thấp hơn so với EU. Do đó, việc cần làm lúc này là đẩy nhanh các thành tựu đã đạt được để giảm suất phát thải trong sản xuất clanke và xi măng; xây dựng cơ chế tính bù mức phát thải carbon khi sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, đặc biệt khi sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế nung clanke/xi măng để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tại. Cuối cùng là hình thành carbon trong nước và sự trợ giá từ Nhà nước cho các doanh nghiệp xi măng sử dụng chất thải trong sản xuất. Điều này sẽ góp phần không nhỏ cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Ngọc Quỳnh

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên