Thép SMC "kiếm tiền nhiều năm, thiêu 9 tháng" tính thu hẹp sản xuất, nhân sự, chuyển nhượng tài sản
Nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến SMC thua lỗ nặng nề trong 9 tháng đầu năm, quét sạch lợi nhuận chưa phân phối hơn 300 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán trước đó.
- 15-11-2023Tỉnh Bình Định lên phương án bán 25% vốn tại doanh nghiệp từng có thị giá cổ phiếu gần 1 triệu đồng, "đắt đỏ" nhất TTCK Việt Nam trong quá khứ
- 15-11-2023Cổ phiếu GMD bứt phá lên đỉnh lịch sử, “gã khổng lồ” ngành cảng biển Gemadept “gõ cửa” câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa
Ngày 14/11, HĐQT CTCP đầu tư thương mại SMC (mã SMC) đã ra Nghị quyết về việc thống nhất chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương - Khu CN Đồng An. Thửa đất có diện tích 6.197 m2, giá bán dự kiến 49 tỷ đồng.
Đây được xem là hành động cụ thể hoá Nghị quyết đã được HĐQT thông qua hồi tháng 10 về việc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.
Trong đó, giao trách nhiệm cho Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng ban liên quan, các Công ty thành viên về việc triển khai kế hoạch thu hẹp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cắt giảm nhân sự.
Quý III năm nay, SMC đạt 3.141 tỷ doanh thu thuần hợp nhất, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến SMC lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 219 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ lỗ sau thuế 164 tỷ đồng.
Công ty cho biết, mặc dù quý III là mùa thấp điểm của ngành thép, nhưng đặc biệt năm nay sản lượng và giá bán đều giảm mạnh so với các năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm SMC lỗ 586 tỷ đồng, quét sạch lợi nhuận chưa phân phối hơn 343 tỷ đồng tích luỹ được tại thời điểm đầu năm, để lại con số lỗ luỹ kế lên tới 205,8 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán thời điểm 30/9/2023.
Ngoài việc biên lợi nhuận thu hẹp do giá thép liên tục giảm, gánh nặng chi phí tài chính thì nợ xấu là một trong những nguyên nhân gây ra kết quả thua lỗ nặng nề của SMC. Cụ thể, chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi trong 9 tháng là 202 tỷ đồng.
Đặc thù là kinh doanh thương mại thép nên các khoản phải thu khách hàng của SMC thường có tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, cũng là nơi phát sinh rủi ro khi các đối tác là chủ đầu tư BĐS gặp khó khăn.
Đầu năm 2023, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 2.705 tỷ, chiếm 43% trong tổng tài sản ngắn hạn của SMC. Đến hết tháng 6, theo số liệu đã được kiểm toán, các khoản phải thu giảm về còn 2.263 tỷ đồng và giá trị dự phòng phải thu SMC đã trích lập tương ứng là 252 tỷ đồng, tăng mạnh so với hồi đầu năm 50,3 tỷ đồng.
Đến 30/9/2023, dự phòng phải thu khách hàng đã được trích lập 273 tỷ đồng. Trong đó các khoản trích lập lớn nhất thuộc về CTTNHH Delta Valley Bình Thuận (77,6 tỷ), BĐS Đà Lạt Valley (25 tỷ đồng).
Nhìn vào chi tiết Nợ xấu của SMC tại 30/6 có thể thấy nhiều doanh nghiệp lớn trong nhóm bất động sản.
Tuy lỗ nặng, nhưng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của SMC, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm dương 1.164 tỷ đồng. Nguyên nhân chính nhờ giảm các khoản phải thu (981 tỷ đồng), tồn kho (382 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do trả nợ vay lớn hơn nhận nợ trong kỳ nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 1.182 tỷ đồng, là nguyên nhân chính khiến dòng tiền âm hơn 400 tỷ đồng trong kỳ.
An ninh Tiền tệ