Thí điểm dùng cát biển làm cao tốc: Nhiều lợi ích từ một ứng dụng
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh tiến độ thí điểm dùng cát biển san nền các dự án.
- 16-09-2023Tỉnh thu hút thành công dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc
- 16-09-2023Thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam
- 16-09-2023Những chủ nhân của 11 biển số ô tô "siêu đẹp" vừa trúng đấu giá bao giờ phải nộp tiền?
Trước nay, ngoài các chuyên gia trong ngành xây dựng, tài nguyên môi trường, có lẽ không nhiều người biết rằng Việt Nam lại thiếu cát xây dựng, bao gồm xây dựng dân dụng và các công trình giao thông lớn - ở tất cả các hạng mục như sản xuất bê tông, xây trát, san lấp mặt bằng... Cách đây hơn 10 năm, nhiều ý kiến đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước ta sẽ phải nhập khẩu cát xây dựng do cạn kiệt nguồn cát sông.
Và trên thực tế thì việc nhập khẩu cát sông cũng đã có. Nhưng khối lượng nhập khẩu cũng không được là bao so với nhu cầu. Bên cạnh đó, các quốc gia có nguồn tài nguyên này, ví dụ như Campuchia cũng siết chặt việc quản lý xuất khẩu cát sông.
Theo số liệu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện cả nước có khoảng 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng 2,3 tỷ m3. Chỉ tính riêng, nhu cầu sử dụng cát cốt liệu xây dựng (cát chế tạo vữa và bê tông) là vào khoảng 130 triệu m3/năm; trong khi nhu cầu cát san lấp bình quân mỗi năm trên 550 triệu m3.
Với sự chênh lệch cung - cầu như vậy, trong khi nhu cầu xây dựng, san lấp, đặc biệt là những công trình lớn như các tuyến cao tốc, chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ... đang ngày một tăng cao thì có thể thấy trữ lượng cát sông rất thiếu. Trong khi việc khai thác các mỏ cát sông cũng đã và đang để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là nguy cơ sụt lún, xói lở, thay đổi dòng chảy, chưa kể những vấn đề đối với hệ sinh thái động, thực vật trong lòng sông và hai bên bờ.
Vậy giải pháp để vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững là sử dụng cát biển.
Với bờ biển dài hơn 3.200 km, tiềm năng cát biển của Việt Nam được ước tính có trữ lượng khoảng 190 tỷ m3. Tuy nhiên, nếu so sánh thì cát sông khai thác xong có thể sử dụng ngay, không cần qua quá trình xử lý trong khi cát biển nhiều tạp chất và đặc biệt bị nhiễm mặn, có một số thành phần hóa học có hại, gây ăn mòn kim loại.
Trên thế giới, từ rất lâu, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, Singapore... đã ứng dụng hiệu quả công nghệ xử lý cát biển để dùng trong xây dựng, san lấp, thậm chí là sản xuất bê tông.
Với Việt Nam, cách đây hơn 10 năm đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nghiên cứu, sử dụng cát biển thay thế cát sông. Một số công trình nghiên cứu bước đầu cho thấy có thể sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn lực, công nghệ, hệ thống tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực và quan trọng nhất là quy hoạch, khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện nên sử dụng cát biển thay thế cát sông trong san lấp, xây dựng chưa được triển khai vào thực tế.
Trong những năm gần đây, việc thiếu cát sông phục vụ xây dựng, san lấp đã và đang gây ra nạn "cát tặc" ở nhiều nơi trên cả nước. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng chính vì nhu cầu thị trường quá lớn, lợi nhuận cao nên tình trạng vi phạm pháp luật vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn.
Chính vì vậy, Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy sự cấp bách trong việc khẩn trương áp dụng thí điểm việc sử dụng cát biển vào đắp nền đường. Bên cạnh đó, từ một vấn đề cụ thể cũng thể hiện rõ quan điểm giải quyết khó khăn, vướng mắc mà Thủ tướng đã nhiều lần đề cập là vấn đề gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn và không nóng vội.
Được biết, mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sớm báo cáo về căn cứ pháp lý, hướng dẫn thủ tục điều tra, thăm dò, khai thác, đánh giá trữ lượng, kết quả đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực thăm dò khai thác cát biển...
Từ sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng và cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, chắc chắn việc từng bước ứng dụng công nghệ để đưa cát biển vào các công trình xây dựng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần vào chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Công Thương