Thị phần bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm: Bảo Việt, Manulife, Prudential, Dai-ichi Life và AIA bỏ xa các doanh nghiệp còn lại
5 doanh nghiệp bảo hiểm này đang chiếm hơn 77% thị phần toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
- 11-11-2022Gửi cả trăm nghìn tỷ vào ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhận được bao nhiêu tiền lãi?
- 31-10-2022Làm gì khi bị ngân hàng ép mua bảo hiểm?
- 20-10-2022Số hóa ngành bảo hiểm: Chuyển từ nỗ lực bắt kịp sang đón đầu nhu cầu khách hàng
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường ước đạt 37.677 tỷ đồng tăng 6,35 % so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỷ đồng, Prudential với 6.678 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 3.985 tỷ đồng và MB Ageas với 2.847 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,5%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,7%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 20,0%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,3%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,58%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (24.457 tỷ đồng và 19,25%), Manulife (22.790 tỷ đồng và 17,94%), Prudential (21.484 tỷ đồng và 16,91%), Dai-ichi Life (15.694 tỷ đồng và 12,35%), AIA (13.678 tỷ đồng và 10,76%), MB Ageas (4.795 tỷ đồng và 3,77% ), FWD (4.035 tỷ đồng và 3,18%), Sun Life (3.635 tỷ đồng và 2,86%), Generali (3.521 tỷ đồng và 2,77%), Chubb Life (3.412 tỷ đồng và 2,68%), Hanwha Life (3.183 tỷ đồng và 2,5%), Cathay Life (2.111 tỷ đồng và 1,66%), MVI (1.956 tỷ đồng và 1,54%), BIDV MetLife (1.253 tỷ đồng và 0,99%), các doanh nghiệp bảo hiểm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life (1.509 tỷ đồng và 1,19%).
Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,5%), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đơn vị (20,0%).
Về số lượng hợp đồng khai thác mới 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2.385.235 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,21% giảm 0,15% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 38,6% giảm 22,08% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 22,6% tăng 91,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 26,6% giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,9% giảm 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 11,24%, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 11,2%; sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,03%; sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,0003%.
Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.559.473 hợp đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (24,4%).
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả ước đạt 34.552 tỷ đồng, tăng 57,35% với cùng kỳ năm trước.
Nhịp sống Thị trường