Thị trường bất động sản tiếp tục 'vượt dốc'
Theo Hội Môi giới bất động sản (VARS), thị trường bất động sản dù chưa đủ lực để “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi trạng thái “mất phanh”.
Đại diện Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản (BĐS) của VARS cho rằng, trong bức tranh tổng thể của thị trường đã xuất hiện điểm sáng. Cùng đó, doanh nghiệp (DN) BĐS cũng có dấu hiệu cải thiện. Điều này thể hiện ở số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động tăng. Tính chung 3 quý năm 2023, số lượng DN thành lập thuộc lĩnh vực BĐS tăng gấp 3,5 lần so số lượng DN giải thể, với khoảng 3.000 DN.
Đặc biệt, khi thông tin về hàng trăm dự án tái khởi động trở lại càng tạo niềm tin, sức mạnh cho thị trường và chủ thể tham gia, giúp thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Lượng giao dịch trên toàn thị trường đã tăng dần. Nếu quý II/2023 ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 1.000 giao dịch so với 2.700 ở quý I thì sang quý III, thị trường ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I/2023.
Tương tự, ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes cho rằng, thị trường BĐS nhà ở tại các thành phố lớn đã có dấu hiệu vượt đáy, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng thuộc khu vực lõi trung tâm. Ngoài ra, phân khúc đất nền dù chưa có tín hiệu tích cực nhưng đã có dấu hiệu vượt đáy ở loại hình đất đấu giá tại khu vực xung quanh Hà Nội; mức giá quanh 2 tỷ đồng đạt tỷ lệ hấp thụ 70% - 80% với giá đấu cao hơn khoảng 5% so với giá khởi điểm, có thể chuyển nhượng ngay kèm chênh lệch 30 - 50 triệu đồng/nền.
Còn theo ông Trần Văn Bình - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch VARS thì, cùng với việc gỡ nút thắt pháp lý thì rất cần nguồn vốn để thị trường BĐS thực sự trở về trạng thái bình thường. Ông Bình cũng cho rằng, thị trường BĐS quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024.
Ở một góc nhìn khác, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng đóng băng do đang có “khủng hoảng niềm tin” giữa ngân hàng và DN. DN cần vốn nhưng không thể chứng minh khả năng trả nợ, lại không có tài sản đảm bảo. “Việc đòi hỏi tài sản đảm bảo ít hay nhiều phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro từng ngân hàng, vào đặc điểm mỗi dự án, uy tín từng khách hàng cụ thể. Theo các ngân hàng, DN BĐS luôn muốn ngân hàng đặt niềm tin, song bản thân nhiều DN lại chưa sòng phẳng, chưa tạo được niềm tin với ngân hàng” - ông Nghĩa nói.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, cần hiểu mối quan hệ giữa các ngân hàng thương mại với DN là cộng sinh. Tuy nhiên, việc ngân hàng không thể cho vay khi thiếu tài sản đảm bảo là do có những điều kiện chưa đạt chuẩn. Pháp lý phải thông thì ngân hàng mới có thể “xuống tiền”.
Đáng chú ý, ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho rằng, bản thân DN cần nhìn lại và thay đổi chính mình xem đã hoạt động lành mạnh, minh bạch thông tin chưa. Theo ông Vinh, các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án BĐS đầy đủ pháp lý, song cũng rất sợ các DN “ôm khư khư” cùng lúc 30 - 40 dự án không thể triển khai, mà cũng không chịu bán bớt để trả nợ, chỉ ngồi chờ ngân hàng hỗ trợ, gia hạn.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay rất cần giải pháp quyết liệt “cởi trói, mở đường” cho các dự án BĐS, để thị trường sớm hồi phục.
Đại đoàn kết