Thị trường BĐS “chạy nước rút” trước Tết Nguyên đán
Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Tròn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, thị trường BĐS đang ở giai đoạn "về đích". Hoạt động mua bán đầu tư vẫn khá rục rịch ở một số khu vực. Mặc dù tâm lý vào thị trường đã ổn định tuy nhiên theo ghi nhận, giao dịch chưa đột phá ở tất cả các phân khúc.
Theo một số chuyên gia, điểm nghịch lý dễ thấy trên thị trường là tuy người bán đưa ra mặt bằng giá mới, nhưng giao dịch thanh khoản rất chậm. Lý do : Người bán thì tính thêm phần "trượt giá", "phát triển hạ tầng" và "lợi nhuận" vào giá trị tài sản, Người mua lại kỳ vọng giá giảm nhờ dịch bệnh và chờ mua với giá bằng hoặc thấp 5% - 10% so với quý 2/2021. Do đó, người bán nếu không áp lực vay sẽ không giảm giá, giữ luôn giá bán kỳ vọng làm mặt bằng giá mới. Giao dịch chỉ xuất hiện nhiều ở người bán bị áp lực ngân hàng hoặc muốn thanh khoản nhanh nên chấp nhận bán bằng thời điểm quý 2/2021, hoặc giảm tối đa 5% để có giao dịch.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp BĐS đang chạy đua với doanh số cuối năm, môi giới tăng tốc tìm kiếm khách hàng, các sàn giao dịch cũng rộn ràng hoạt động ở giai đoạn này.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam, nhiều chủ đầu tư đang "chạy nước rút" cuối năm, vượt thử thách do dịch bệnh. Khách hàng cũng đang tận dụng thời điểm này để tìm kiếm được BĐS vị trí đẹp, chính sách kích cầu cuối năm từ các CĐT để gia tăng lợi nhuận. Thị trường hiện đã sôi động cảnh người bán – kẻ mua, các sàn môi giới, chuyên viên bán hàng cũng tăng tốc về đích cuối năm. Theo ông Thắng, thị trường BĐS sẽ tăng trưởng nếu dịch được kiểm soát tốt, hoặc ít nhất là duy trì trạng thái như hiện nay.
Theo các chuyên gia, ngay sau thời điểm nới giãn cách, thị trường BĐS đã phục hồi mạnh mẽ ngoài dự đoán. Riêng tháng 11/2021, thị trường tích cực cả nguồn cung lẫn sức cầu ở hầu hết các phân khúc. Nguồn cung tăng mạnh so với tháng đầu tiên nới giãn cách (tháng 10/2021), nhưng so với cùng kì năm ngoái còn khiêm tốn.
Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn. Tuy nhiên, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục hạn chế, chủ yếu là những dự án đã có sự chuẩn bị từ trước.
Dự báo của DKRA Vietnm, nguồn cung mới Quý 4, toàn bộ khu vực Tp.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, Tp.HCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn, tuỳ điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp. Dự kiến, nguồn cung căn hộ của Tp.HCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ Quý 1/2021 (lạm phát, chi phí VLXD tăng, chi phí đầu vào tăng). Đặc biệt, từ Quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.
Theo chuyên gia DKRA Vietnam, các dự báo về thị trường bất động sản năm 2022 đều phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố và khó lường trước những diễn biến vĩ mô, đặc biệt là tình hình phức tạp của đại dịch với biến thể mới. Năm 2022, nhiều dự báo cho rằng GDP của Việt Nam có thể lên đến 6.5%, gần tương đương mức của năm 2019 trở về trước. Từ đó, thị trường bất động sản sẽ có thể diễn biến theo hướng khả quan hơn.
Có thể thấy Quý 4/2021 đang tăng tốc lấy lại phần nào những gì đã mất của Quý 2 – Quý 3/2021. Đây vừa là cơ sở, vừa là sự tiếp nối cho hoạt động của thị trường trong năm 2022 khi chúng ta đã xác định sống chung với dịch.
Nếu tình hình không có những biến động nghiêm trọng về dịch, dự báo thị trường bất động sản năm 2022 sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Cụ thể như sau: Nguồn cung mới có thể sẽ tăng hơn so với năm 2021 và có thể tương đương như năm 2019 cho tất cả các phân khúc từ căn hộ đến nhà phố/biệt thự. Riêng đất nền có thể sẽ không tăng do các dự án phân lô đang ngày càng bị siết thủ tục.
Trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như Quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ. Trong nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua.
Bất động sản hạng sang và siêu sang vẫn sẽ chiếm tỉ lệ lớn trong khi loại hình nhà ở vừa túi tiền đang ngày càng khan hiếm. Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch.
Ngoài vấn đề về nguồn cung, sức cầu, giá cả, một số dự báo về xu hướng chung của thị trường cũng rất đáng chú ý như: Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu. Người mua chú trọng yêu cầu chất lượng sản phẩm, môi trường sống. Xu hướng áp dụng công nghệ trong giới thiệu và bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển. Nở rộ hình thức đầu tư chia nhỏ sản phẩm và áp dụng công nghệ,…