Đầu tư chứng khoán: Dòng vốn ngoại vẫn chuyển dịch ngầm
Năm 2015 được đánh dấu là năm thành công với sự dịch chuyển dòng vốn ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng này được giới chuyên môn dự báo sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2016.
- 31-12-2015Chứng khoán Việt Nam thuộc top 5 tăng trưởng mạnh nhất Châu Á năm 2015
- 30-12-201510 doanh nhân bất động sản giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Trong những tháng còn lại của năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài liên tục xả một lượng lớn cổ phiếu trên HOSE. Cụ thể, chỉ trong 7 phiên giao dịch đầu tháng 12, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã bán ra trên 8,3 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 2.006 tỷ đồng.
Xu hướng bán ròng ngày càng tăng mạnh, có phiên khối ngoại bán ròng lên tới 300 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 11, khối ngoại cũng bán ròng gần 500 tỷ đồng.
Trước xu hướng bán mạnh của khối ngoại, nhiều NĐT trong nước cảm thấy hoang mang. Thị trường cũng vì thế mà giảm thanh khoản, chỉ số lao dốc.
Tuy nhiên, đứng ở góc nhìn khác, khi nói về chiến lược của khối ngoại, một giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Vietnam cho rằng, những điều NĐT thấy trên sàn chưa phải là tất cả.
Có thể việc tháo chạy trong năm 2015 chỉ là bề nổi, khối ngoại đang có những chiến lược khó đoán hơn và tận dụng cơ hội mua vào cổ phiếu giá rẻ để đón sóng đầu năm 2016.
Bởi vì, sau một thời gian bán ròng, đến lúc này, thị trường được giải tỏa dần áp lực bán của khối ngoại. Sau phiên mua ròng, khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ trên cả hai sàn.
Lực bán ròng giảm có được cũng do Quỹ VNM ETF đã dần hoàn thành mục tiêu tiền mặt phục vụ việc chi trả cổ tức. Cụ thể, quỹ VNM ETF sẽ trả cổ tức 0,499 USD/chứng chỉ quỹ vào ngày 28/12.
Với số lượng chứng chỉ quỹ tính đến trước ngày giao dịch không hưởng quyền (21/12/2015) là 25,65 triệu đơn vị thì VNM ETF sẽ sử dụng khoảng 12,83 triệu USD để trả cổ tức, trong khi số tiền mặt hiện tại của quỹ chỉ khoảng 303 ngàn USD.
Như vậy, ước tính VNM ETF cần thêm 12,5 triệu USD, tương đương khoảng 288 tỷ đồng. Do đó, VNM ETF sẽ bán một phần số cổ phiếu đang nắm giữ để thu về tiền mặt phục vụ cho việc trả cổ tức này.
Với đặc thù giao dịch T+3 hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam cộng thêm một khoảng thời gian để chuyển tiền về nước sở tại thì VNM ETF đã thực hiện việc bán ra trong những ngày vừa qua.
Do đó, NĐT trong nước nên bình tĩnh nhìn lại chiến lược của khối ngoại để có lựa chọn mua bán thích hợp hơn. Thậm chí, nên tin tằng áp lực bán từ Quỹ VNM ETF không còn là vấn đề gây sức ép lên thị trường trong thời gian còn lại của năm 2015.
Trong năm 2016, khi được hỏi về quốc gia đầu tư, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhận định Việt Nam tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn để rót vốn.
Bởi Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Chẳng hạn, nói riêng về thị trường Việt Nam, đại diện Bank Invest nêu quan điểm với các dòng vốn đầu tư tư nhân (Private Equity- PE) hàng tiêu dùng vẫn là địa hạt đầu tư hấp dẫn.
Vị này nêu dẫn chứng trước đây người tiêu dùng Việt Nam không mấy quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, thì nay mức độ nhận biết thương hiệu đã tốt hơn trước rất nhiều.
Tầng lớp trung lưu trong xã hội quan tâm nhiều hơn đến xuất xứ của sản phẩm - cơ hội để các quỹ đầu tư PE góp vốn và chia sẻ lợi ích khi công ty nhỏ và trung bình trong ngành tiêu dùng lớn mạnh và bứt phá.
Khá đồng thuận với quan điểm trên về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư mở Vinawealth chia sẻ thêm rằng, rất nhiều NĐT nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam trong năm tới.
Ví dụ, với giới đầu tư Nhật Bản - nhân tố năng động nhất về đầu tư vào Việt Nam hai năm trở lại đây, rất quan tâm đến các lĩnh vực khác như y tế, chăm sóc sức khỏe.
Trong đó, hiện nay đang nổi bật là các NĐT chiến lược Nhật Bản. Họ sẵn sàng trở thành NĐT chiến lược trong các công ty Việt Nam được quản lý và vận hành tốt, định hướng phát triển rõ ràng.
Nhiều dự báo được đưa ra rằng, nếu vào quý 2/2016, kinh tế Việt Nam có lực phát triển mới, cũng như nhà đầu tư tại Mỹ phục hồi, thì có thể xuất hiện một luồng vốn FII mới vào Việt Nam.
Còn khi đi vào chi tiết, giao dịch của khối ngoại sắp tới sẽ tập trung, hướng vào doanh nghiệp niêm yết đang kinh doanh hiệu quả, giữ các thế mạnh về thương hiệu, mạng lưới ở những ngành hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục, công nghệ...
Thậm chí, cuộc chạy đua tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại không dừng lại khiến kịch bản không mong muốn một số thương hiệu Việt lọt vào tay NĐT nước ngoài xảy ra ngày một nhiều.
Trong đó, người ta nhớ nhất là Nawaplastic Industry - một công ty nhựa lớn của Thái Lan đã thâu tóm cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh.
Hiện tại, Nawaplastic là công ty con của Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC), công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC. Không chỉ BMP, công ty Thái cũng đang nắm giữ cổ phần của Nhựa Tiền Phong (NTP).
Lãnh đạo của TPC đã không giấu tham vọng khi muốn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty Việt Nam lên mức 49%, tối đa theo luật cho phép...
Doanh nhân Sài Gòn