MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều cần lưu ý khi đầu tư vào JVC

Với KQKD tích cực trong năm 2014 cùng những lĩnh vực kinh doanh mới sắp triển khai, JVC đã có nhịp tăng giá khá mạnh trong giai đoạn đầu năm 2015.

Kể từ đầu năm 2015 tới nay, cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đã có những giao dịch khá tích cực trên thị trường.

Khối lượng giao dịch những phiên gần đây của JVC đạt trung bình 2,2 triệu đơn vị/phiên, cao hơn đáng kể so với trước cho thấy khá nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới cổ phiếu này.

Dưới đây là những thông tin đáng lưu ý đối với nhà đầu tư về cổ phiếu JVC:

1. Tiềm năng ngành thiết bị y tế

Quá tải bệnh viện hiện đang là vấn đề nhức nhối trong hệ thống y tế ở Việt Nam. Theo thống kê, bệnh viện công tại các đô thị hiện đang quá tải từ 150%- 250% so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Cùng với đó, chi tiêu bình quân cho thiết bị y tế ở Việt Nam luôn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Năm 2014, chi tiêu bình quân cho thiết bị y tế ở Việt Nam chỉ ở mức 8 USD/người, trong khi đó, Singapore là 96 USD/người, Nhật Bản 245 USD/ người.

2. KQKD 2013 sụt giảm

KQKD năm 2013 của JVC bất ngờ sụt giảm sau giai đoạn tăng trưởng ổn định trước đó. Nguyên nhân bởi các dự án mua sắm thiết bị y tế của chính phủ và World Bank ngừng giải ngân trong năm 2013 dẫn tới sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Tuy nhiên tình hình đã ổn định trở lại vào năm 2014 và KQKD của công ty đã quay trở lại chu kỳ tăng trưởng với doanh thu đạt 923 tỷ đồng, LNST đạt 178 tỷ đồng.

3. Nguồn thu chính đến từ bán thiết bị, vật tư y tế

Năm 2014, doanh thu từ bán thiết bị vật tư chiếm khoảng 83% tổng doanh thu của JVC. Trong đó thiết bị chẩn đoán hình ảnh là sản phẩm kinh doanh chủ lực, công ty hiện chiếm khoảng 40% thị phần cung cấp loại thiết bị này ở Việt Nam.

JVC là nhà phân phối độc quyền, trực tiếp cho nhiều hãng sản xuất thiết bị y tế nổi tiếng như Hitachi, Fuji, GE, Carestream Health, Elekta, Kinky Roentagen, Toray, Konica, Horizon...

Với ưu thế là nhà phân phối lớn thiết bị y tế lớn, JVC đã tận dụng lợi thế đó để tiến đến việc làm tổng thầu thiết bị (SDP) cho các bệnh viện thay thế cho mô hình nhiều nhà cung cấp hiện nay.

Một liên doanh (vốn 420 tỷ đồng) trong đó JVC đóng 51% vốn và đối tác Nhật góp 49% được thành lập. Theo kế hoạch, JVC sẽ thử nghiệm mô hình này tại 2 bệnh viện nhà nước và 8 bệnh viện tư.

4. Dần dịch chuyển sang mảng khám chữa bệnh

Mảng kinh doanh cốt lõi của JVC là thiết bị vật tư y tế. Tuy nhiên, đây cũng là ngành kinh doanh phụ thuộc vào tốc độ thanh toán, chính sách chi tiêu của chính phủ… Điều này đã dẫn tới KQKD của JVC sụt giảm trong năm 2013 khi các hợp đồng mua thiết bị y tế ngừng giải ngân.

Để tránh rủi ro khi chỉ tập trung vào lĩnh vực bán thiết bị, trong thời gian gần đây, công ty đã mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, bao gồm thành lập các trung tâm y khoa chất lượng cao (CNC) và các xe khám lưu động tại các khu công nghiệp.

5. 130 xe khám lưu động và trung tâm y khoa chất lương cao (CNC)

Hiện tại, JVC đang sở hữu 30 xe khám lưu động và công ty đã đầu tư thêm 100 xe mới với tổng giá trị 140 tỷ đồng, nâng số xe khám lưu động lên 130 xe. Dự kiến trong tháng 9/2015, 100 xe mới sẽ đi vào hoạt động.

Theo công bố của JVC, công ty đã ký hợp đồng đặt xe khám chữa bệnh tại nhiều KCN ở miền Trung và miền Nam. Trong trường hợp tận dụng tốt nguồn khách hàng tiềm năng từ các khu công nghiệp sẽ mang lại nguồn thu lớn cho JVC.

Ngoài trung tâm khám sức khỏe, JVC đã bắt đầu thành lập các trung tâm CNC. Đây là trung tâm y khoa lượng cao và JVC đã hợp tác với bệnh viện Gia Định, 7A , 115 tại TP.HCM. Theo thỏa thuận, JVC sẽ góp 316 tỷ đồng cho 3 trung tâm này bao gồm máy móc, kỹ thuật viên… trong khi bệnh viện sẽ chuyển 25% bệnh nhân trong ngày thường và 100% bệnh nhân 2 ngày cuối tuần vào trung tâm. Lợi nhuận thu được sẽ chia 50-50 với bệnh viện.

6. Vốn điều lệ tăng gấp 5 lần so với thời điểm niêm yết

Đặc thù lĩnh vực kinh doanh TBYT luôn đòi hỏi lượng vốn lớn, khoản phải thu khách hàng cao. Tại thời điểm cuối năm 2014, JVC có khoản phải thu khách hàng 693 tỷ đồng, chiếm 30% cơ cấu tài sản công ty.

Kể từ khi niêm yết, JVC đã 4 lần phát hành cổ phiếu tăng vốn để phục vụ hoạt động mở rộng SXKD. Vốn điều lệ hiện tại của JVC đạt 1.125 tỷ đồng, gấp 5 lần so với thời điểm mới niêm yết năm 2011.

7. “Kín” room khối ngoại

Hiện tại, room dành cho khối ngoại của JVC đã hết khi tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại cổ phiếu này lên tới 49%. Trong đó DI Asian Industry đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 19,4%. Chủ tịch Lê Văn Hướng đang sở hữu 11,9% cổ phần tại JVC và là cổ đông lớn thứ 2 tại công ty.

Khối ngoại nắm giữ 49% cổ phần tại JVC

Khối ngoại nắm giữ 49% cổ phần tại JVC

8. Thị giá tăng gấp đôi trong một năm

Đóng cửa phiên giao dịch 29/5/2015, JVC có thị giá 22.100đ/cp, tăng gấp đôi so với thời điểm 1 năm trước.

Diễn biến giao dịch JVC trong 1 năm qua

Diễn biến giao dịch JVC trong 1 năm qua

 

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên