MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI nói gì khi được nới room 100%?

Cơ hội rõ ràng là mở ra rất nhiều cho các CTCK Việt Nam khi được nới room ngoại 100%. Các đối tác ngoại có thể sẽ là cầu nối quan trọng giúp các CTCK trong nước được kết nối nhanh chóng hơn với nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao và các bạn hàng toàn cầu...

Ông Nguyễn Duy Khánh, Thành viên HĐQT, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCVN. SSI chính là CTCK đầu tiên vừa được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận nới room 100% theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Vừa là cơ hội, vừa là thách thức

Nghị định 60 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.9.2015. Cũng từ đây, cơ hội đang mở ra cho quá trình tái cấu trúc hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK) được nhanh và hiệu quả hơn.

Chiến lược kinh doanh bền vững và quản trị là chìa khóa để giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài. Việc các CTCK có thêm yếu tố nước ngoài sẽ giúp các công ty hội nhập với thị trường quốc tế nhanh hơn và sẽ đưa ra được nhiều hơn những sản phẩm có thể tạo nên giá trị khác biệt cho công ty và từ đó gia tăng giá trị̣ cho các cổ đông.

 

Ông Nguyễn Duy Khánh
Ông Nguyễn Duy Khánh

 

Là CTCK đầu tiên được chấp thuận nới room 100% theo Nghị định 60, ông Nguyễn Duy Khánh cho biết, SSI đã sẵn sàng chuẩn bị cho sự kiện này từ lâu, vì đây là vấn đề tất yếu của thị trường tài chính Việt Nam. Và điều này có thể thấy ở từng góc độ hoạt động của SSI để hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, SSI đã sẵn sàng để theo các thông lệ quản trị quốc tế, cùng với bộ khung nhân sự chủ chốt mạnh, có yếu tố kinh doanh quốc tế cao và khả năng bọc lót không làm ảnh hưởng tới hệ thống khi một vài nhân sự biến động. Hay về quản trị hệ thống, SSI có hệ thống mở với hoạt động IT được kiểm soát và bảo mật chặt chẽ, mang lại thuận tiện cho khách hàng và chủ động để kiểm soát hệ thống.

“SSI nới room lên 100% của khối ngoại nhằm tăng cường “tính toàn cầu hóa” trong bản thân cấu trúc cổ đông để tăng cường sự độc lập và kiểm soát từ nhiều nhóm cổ đông khác nhau. Cùng lúc đó, bộ máy sẽ có áp lực phải tự động điều chỉnh trong một sân chơi quốc tế mới, để vẫn dần hài hòa lợi ích của các cổ đông, khách hàng và người lao động”, ông Khánh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo SSI còn cho hay, muốn chủ động thông qua con đường hợp tác xây dựng để tận dụng nguồn lực của các cổ đông nước ngoài. Họ có thể mang tới cách nhìn và cách tiếp cận nguồn lực mới cho SSI về xây dựng và quản trị chiến lược, phát triển nhân lực quốc tế chất lượng cao. Từ đó, nguồn lực mới sẽ kết hợp sức mạnh hiện tại tạo tiền đề quan trọng giúp SSI hội nhập và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

“Hội nhập, mở cửa ngành tài chính là tất yếu đối với Việt Nam và đi cùng với nó là quá trình thanh lọc các công ty trong ngành chứng khoán. Chúng tôi nhìn nhận điều này như là cơ hội và thách thức. Chính vì vậy, chúng tôi chủ động mời gọi cổ đông mới đến với mình để xây dựng vị thế bền vững trên thị trường nội địa và sau đó là vươn ra khu vực”, ông Khánh nói.

Thúc đẩy tái cấu trúc CTCK hiệu quả

Nhận định về cơ hội cho công tác tái cấu trúc hệ thống CTCK đang triển khai hiện nay, ông Nguyễn Duy Khánh đánh giá, khi khối ngoại được nới room 100%, thì cơ hội rõ ràng là mở ra rất nhiều cho các CTCK Việt Nam.

Theo đó, các đối tác ngoại có thể sẽ là cầu nối quan trọng giúp các CTCK trong nước được kết nối nhanh chóng hơn với nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao và các bạn hàng toàn cầu theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, sự hiện diện nhiều hơn của khối ngoại với một quan điểm kinh doanh và tiêu chuẩn đo lường hiệu quả chuẩn quốc tế, sẽ gia tăng áp lực lên ban điều hành các CTCK.

“Tôi nhìn nhận đó là những áp lực lành mạnh, thúc đẩy ban lãnh đạo hoặc cổ đông trước đó phải nhìn lại sức cạnh tranh của công ty mình để thay đổi và lớn mạnh hơn nữa. Rõ ràng, nếu các đối tác lớn cùng chia sẻ và đồng lòng với ban lãnh đạo các CTCK thì sẽ giúp họ ngày càng hoàn thiện chiến lược phát triển và quy trình quản trị”, ông Khánh chia sẻ.

“Hai điểm trên là cơ hội rõ ràng cho các CTCK trong nước tái cấu trúc hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài những tích cực nêu trên, tôi cũng nhận thấy nhiều thách thức khi nới room tới 100%. Việc thâu tóm và nắm kiểm soát của CTCK sẽ dễ hơn rất nhiều khi các đối tác ngoại chỉ cần nắm 51% công ty. Ngoài ra, với áp lực cổ đông gia tăng, sẽ tạo ra nhiều thách thức và thậm chí không ổn định cho các CTCK thời gian đầu khi ban lãnh đạo thay đổi”, ông Khánh khẳng định lại và lưu ý.

Theo Duy Thái

Thời báo tài chính Việt Nam

Trở lên trên