Trước giờ giao dịch 14/09: Trong lúc chờ đợi FED, nhắm doanh nghiệp để đầu tư
Theo CTCK Bảo Việt, diễn biến hiện tại chỉ thích hợp cho các hoạt động trading quay vòng. Tuy nhiên, sự phân hóa nhờ vào KQKD quý 3/2015 của các doanh nghiệp sẽ dần hé lộ những cơ hội đầu tư trong ngắn hạn.
- 13-09-2015Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 14/9
- 13-09-2015Xu thế dòng tiền: Có ngại… FED?
- 13-09-2015Trending search: BID lọt vào danh sách tìm kiếm nhiều nhất trong nửa đầu tháng 9, KDC bị “thờ ơ”
Tâm lý chờ đợi các quyết định quan trọng của Fed tại phiên họp trong hai ngày 16 và 17/9 tới vẫn đang khiến thị trường rơi vào trạng thái giao dịch uể oải.
Áp lực bán cuối phiên đã kéo VNIndex giảm 5,33 điểm còn 566,74 điểm trong khi HNIndex giảm 0,36 điểm còn 77,43 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn có cải thiện hơn hai phiên trước đó với hơn 125 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị tương đương gần 1.800 tỷ đồng. Hai cổ phiếu KBC và ITA là điểm sáng của thị trường khi đều tăng kịch trần với khối lượng giao dịch đột biến.
Khối ngoại sau 2 phiên mua ròng trước đã bán ròng trở lại trong ngày cuối tuần với giá trị hơn 18 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được mua ròng mạnh nhất trong phiên giao dịch với 1 triệu đơn vị, tương ứng 9,3 tỷ đồng. VCB và NT2 cũng tiếp tục nằm trong top mua ròng của khối ngoại với giá trị lần lượt 7,47 tỷ đồng và 4,57 tỷ đồng.
Market Vectors Index Solutions vừa công bố kết quả review định kỳ quý 3 của chỉ số Market Vectors Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM ETF).
Theo đó, cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng sẽ bị loại ra khỏi rổ chỉ số trong khi BID của BIDV và NT2 của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 sẽ được thêm vào với tỷ trọng lần lượt là 8% và 3,53%. Hiện tổng tài sản của VNM ETF đạt xấp xỉ 435 triệu USD, tương ứng quỹ này sẽ mua vào khoảng 35 triệu USD cổ phiếu BID và 15,3 triệu USD cổ phiếu NT2.
Theo CTCK Bảo Việt, diễn biến hiện tại chỉ thích hợp cho các hoạt động trading quay vòng nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, sự phân hóa nhờ vào KQKD quý 3/2015 của các doanh nghiệp sẽ dần hé lộ những cơ hội đầu tư trong ngắn hạn.
Theo đó, các doanh nghiệp có chi phí đầu vào được hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá hàng hóa cơ bản trên thế giới như phôi thép, quặng sắt, hạt nhựa, xăng dầu, đồng… sẽ là một trong những đích đến hấp dẫn của dòng tiền trong giai đoạn phân hóa sắp tới.
Cổ phiếu đáng chú ý
MBB: Ngày 25/9 tới sẽ là ngày chốt danh sách tham dự Đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội. MB dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông vào ngày 1/10/2015, bàn về việc thông qua phương án sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào Ngân hàng này.
MSR: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo cổ phiếu MSR của CTCP Tài nguyên Masan – Masan Resources sẽ bắt đầu giao dịch trên trên sàn Upcom từ ngày 17/9/2015.
Masan Resources hiện có vốn điều lệ 7.194 tỷ đồng, tương ứng với 719,4 triệu cổ phiếu. Trong đó, công ty đăng ký giao dịch 703,5 triệu cổ phiếu phổ thông và 15,9 triệu cổ phiếu ưu đãi không đăng ký giao dịch.
TMT: Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ôtô TMT tiếp tục đăng ký mua vào 850 nghìn cổ phiếu, nhằm tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ từ 9,1 triệu đơn vị (29,42%) lên 9,9 triệu đơn vị (32,18%). Giao dịch dự kiến được thực hiện khớp lệnh hoặc thỏa thuận qua sàn trong thời gian từ 16/9 đến 15/10/2015.
KSA: đăng ký chào bán hơn 67 triệu cổ phiếu nhằm huy động 670 tỷ đồng cho mục đích hợp tác hoặc đầu tư vốn với Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khi thác mỏ Titan - Zicon khu vực Long Sơn - Suối Nước tại phường Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận cũng như xây dựng nhà máy chế biến Titan tại tỉnh này, cùng các hoạt động liên quan. Giá bán ra công chúng được ấn định ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng 30./9/2015.
HQC: Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân công bố kết quả chào bán 63 triệu cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Chỉ hơn 1 triệu cổ phiếu phát hành thêm được mua vào, chủ yếu bởi ông Trương Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc). Ông Trương Anh Tuấn cũng không thực hiện hết quyền mua vào của cá nhân khi chỉ thực hiện 3,17 triệu trên tổng số 5.47 triệu quyền mua cổ phiếu. Gần 62 triệu cổ phiếu còn lại đã được HQC chào bán cho 10 các nhân và 1 tổ chức với mức giá giữ nguyên 10.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch 10/9/2015, cổ phiếu HQC đạt mức giá 5.100 đồng/cổ phiếu.
NBB: vừa phát hành thành công 210.000 trái phiếu riêng lẻ cho các đối tác là các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, giá trị trái phiếu phát hành của Năm Bảy Bảy đạt 210 tỷ đồng. Trái phiếu được chào bán với giá bằng mệnh giá. Số tiền huy động được 210 tỷ đồng. Được biết, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm với lãi suất cố định 8%/năm.
Tin kinh tế đáng chú ý:
Ngày 11-9, ông Yasuzumi Hirotaka - giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn tại VN thông qua văn phòng JETRO bằng cùng kỳ năm trước, thậm chí nhích nhẹ chứ không giảm cho dù tổng số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản vào VN có giảm nhẹ. Theo ông Yasuzumi Hirotaka, làn sóng đầu tư từ Nhật có thể được kích thích tăng trở lại nếu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 712 của UBTV Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên vừa được đưa ra lấy ý kiến đã và đang gây nhiều tranh luận trái chiều, nhất là từ phía các DN. Theo Dự thảo nghị quyết do Bộ Tài chính soạn thảo, hầu hết mức thuế suất các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2% đến 12%.