Thị trường gạo toàn cầu chuẩn bị đón làn sóng thỏa thuận liên chính phủ sau lệnh cấm của Ấn Độ
Lệnh cấm xuất khẩu gạo mới đây của Ấn Độ, làm giảm 20% nguồn cung gạo thế giới, có thể thúc đẩy các khách hàng ở Châu Phi và Châu Á ký hợp đồng trực tiếp với nhà xuất khẩu.
- 30-07-2023Thị trường gạo tiếp tục 'nóng rẫy': Nga và UAE đồng loạt tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tạm thời - gạo Việt Nam thêm cơ hội tăng giá?
- 30-07-2023Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam, Thái Lan cao nhất trong hơn một thập kỷ
- 27-07-2023Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: người Mỹ đổ xô mua tích trữ, thương nhân dự báo giá có thể lên cao nhất thập kỷ
- 27-07-2023Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Gạo Việt Nam tăng giá, một nước láng giềng lo lắng
Các nhà nhập khẩu gạo toàn cầu có khả năng tìm kiếm các thỏa thuận trực tiếp với chính phủ các nước xuất khẩu sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung và lo ngại về an ninh lương thực.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tuần này tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ trong bối cảnh thị trường vẫn đang cố gắng đánh giá tác động từ động thái của Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% xuất khẩu gạo của toàn thế giới.
Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này tăng lên 550-575 USD/tấn, cao hơn khoảng 40% so với tuần trước và là mức cao nhất kể từ năm 2011. Gạo Thái Lan cũng vượt ngưỡng 600 USD tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm, là 605-610 USD/tấn trong tuần này, so với 545 USD của tuần trước. Trong khi đó, gạo Ấn Độ đạt đỉnh 5,4 năm, với loại gạo đồ 5% tấm tuần này giá 445-450 USD/tấn, so với 421-428 USD vào tuần trước.
Giá gạo đã liên tiếp tăng trong hơn 2 tháng qua, gần đây tăng tốc hơn nữa, bất chấp nhu cầu mới ở thời điểm hiện tại thấp vì hầu hết những người mua gạo tạm dừng mua để nghe ngóng tình hình.
Hôm 20/7, Ấn Độ thông báo cấm hầu hết các loại gạo non-basmati (gạo tẻ thường) sau khi giá bán lẻ gạo trên thị trường nội địa tăng 3% trong vòng một tháng vì mùa mưa đến muộn và khi có mưa thì mưa quá lớn và kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
"Các nhà xuất khẩu đã bị sốc vì lệnh cấm của Ấn Độ đẩy giá lên cao và cũng không có thêm nguồn cung", Reuters dẫn lời một thương nhân kinh doanh gạo ở Bangkok cho biết. Các nhà xuất khẩu dự đoán giá sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa, do đó họ cũng tạm dừng ký hợp đồng gạo xuất khẩu ở thời điểm lúc này vì rủi ro rất cao (giá lúa nguyên liệu mua vào tăng cao có thể khiến nhà xuất khẩu bị lỗ mặc dù giá gạo xuất khẩu cũng tăng).
Điều đáng lo ngại là không chỉ ở Ấn Độ, thời tiết ở nhiều nơi khác của Châu Á năm nay cũng diễn biến bất lợi. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán lan rộng và đã yêu cầu nông dân chỉ thu hoạch một vụ trong năm nay. Quốc gia này cũng đang kiểm tra mức dự trữ của mình.
Các thương nhân và nhà phân tích cho biết lệnh cấm mới đây của Ấn Độ sẽ làm giảm 1/5 nguồn cung của loại lương thực chủ lực trên thị trường thế giới, do đó có thể khiến các khách hàng mua gạo, từ châu Phi đến châu Á, phải tranh mua khi nguồn cung thắt chặt trong những tháng tới, dồng thời có thể dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tăng cường tìm kiếm các thỏa thuận liên chính phủ để khắc phục tình trạng thiếu hụt và ngăn chặn giá leo thang.
Shirley Mustafa, nhà phân tích thị trường gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết: "Các hạn chế xuất khẩu vốn dĩ đã làm giảm niềm tin vào tính đáng tin cậy của thương mại quốc tế…vì vậy có thể dẫn đến việc các nước nhập khẩu xem xét các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ để đảm bảo nguồn cung."
Khi công bố lệnh cấm xuất khẩu vào tuần trước, Ấn Độ đã để ngỏ cánh cửa cho những thỏa thuận như vậy, nói rằng họ sẽ xem xét đáp ứng yêu cầu của các nước cần nguồn cung cấp gạo.
Các thỏa thuận của Chính phủ Ấn Độ
Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm nhằm hạ nhiệt giá trong nước, nhưng kể từ đó, dữ liệu chính thức cho thấy nước này đã phê duyệt bán khoảng một triệu tấn gạo tấm cho Indonesia, Senegal, Gambia, Mali và Ethiopia.
B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết: "Lệnh cấm hiện tại không bao gồm việc bán gạo giữa chính phủ với chính phủ và việc đó vẫn nằm trong đặc quyền của chính phủ". "Quyết định sẽ được đưa ra dựa trên nhu cầu của các nước nhập khẩu và tình hình cung cấp tại thị trường địa phương."
Các thương nhân châu Phi có thể sẽ tiếp cận chính phủ Ấn Độ để giao dịch và các nhà nhập khẩu châu Á như Indonesia và Philippines có thể ký hợp đồng liên chính phủ với các nhà xuất khẩu hàng đầu của khu vực là Thái Lan và Việt Nam, các thương nhân cho biết.
Indonesia đã ký một thỏa thuận với chính phủ Ấn Độ về khả năng nhập khẩu một triệu tấn gạo nếu kiểu thời tiết El Nino ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Tháng trước, Ấn Độ đã phê duyệt xuất khẩu lúa mì và gạo tấm sang một số quốc gia đã yêu cầu được mua mặt hàng này.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (NFA) cho biết các thỏa thuận mà nước này đã thực hiện từ cuối năm ngoái cho đến thời điểm hiện tại là đủ, trong khi Cơ quan Lương thực Quốc gia ở Philippines có thể nhập khẩu gạo khi được tổng thống phê duyệt trong tình huống khẩn cấp.
Các nhà phân tích cho biết, Ấn Độ hiện có lượng dự trữ dồi dào để đáp ứng các yêu cầu như vậy, trong khi Việt Nam sắp bắt đầu thu hoạch vụ chính.
"Các kho dự trữ gạo non-basmati của chính phủ Ấn Độ rất rất lớn, khoảng 41 triệu tấn tính tới ngày 1/7," ông Mustafa của FAO cho biết, và thêm rằng: "Vì vậy, họ có thể phục vụ nhu cầu của cả giao dịch phân phối công cộng trong nước và giao dịch cấp chính phủ."
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường