Thị trường ngày 10/2: Giá vàng, dầu, đồng, cao su, đường đồng loạt tăng mạnh
Phiên giao dịch vừa qua trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng dầu, vàng, quặng sắt, cao su… tiếp tục tăng do nhà đầu tư kỳ vọng gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD mà Mỹ sắp thông qua sẽ có tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu.
- 09-02-2021Thị trường ngày 9/2: Giá dầu tăng tiếp, ngô đạt đỉnh 7,5 năm; vàng, đường, cao su cùng tăng
- 06-02-2021Thị trường ngày 06/2: Giá dầu, đồng, quặng sắt đồng loạt tăng, vàng lấy lại mốc 1800 USD
Dầu thô tăng 7 phiên liên tiếp
Giá dầu kéo dài chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp, đạt mức cao nhất 13 tháng giữa bối cảnh nhà đầu tư đặt cược rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong khi OPEC và các đồng minh (OPEC+) tiếp tục kiềm chế nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 53 US cent (0,9%) lên 61,06 USD/thùng; dầu Tây Texas (Mỹ) tăng 39 US cent (0,7%) lên 58,36 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá cả 2 loại dầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Các nhà phân tích cho biết giá dầu vượt lên trên ngưỡng 60 USD/thùng là điều "tuyệt vời" về mặt tâm lý, bởi làm cho nhà đầu tư lạc quan rằng nhu cầu sẽ tăng mạnh và lượng tồn kho trên toàn cầu tiếp tục giảm.
Trên thực tế, tồn trữ dầu của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3, trước khi đại dịch tấn công vào thị trường này. Chính phủ Mỹ hôm qua đã hạ triển vọng sản lượng dầu thô năm 2021 xuống 11,02 triệu thùng/ngày, so với dự báo trước đó là 11,1 triệu thùng/ngày.
Vàng tăng do USD mất giá
Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do đồng USD yếu đi và hy vọng Mỹ sẽ tăng cường kích thích kinh tế, khiến cho vàng tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư – những người đang tìm tới những biện pháp phòng ngừa rủi ro cho tài sản của mình trước nguy cơ lạm phát.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.835,24 USD/ounce, trước đó cùng phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ 2/2, là 1.848,40 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,2% lên 1.837,50 USD/ounce.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty OANDA, cho biết: "Vàng đang được hưởng lợi từ việc đồng đô la suy yếu trở lại và dự kiến Mỹ sẽ sớm thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD". Theo ông: "Vàng sẽ thu hút một lượng đáng kể dòng vốn, không chỉ vì sự thiếu chắc chắn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà còn bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì các chương trình kích thích trong một khoảng thời gian không ngắn".
Đồng cao nhất 1 tháng do hy vọng Mỹ tăng kích thích kinh tế
Giá đồng cũng tăng, lên mức cao nhất 1 tháng, do đồng USD yếu đi là lạc quan về gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ giữa bối cảnh nguồn cung đồng đang bị thắt chặt.
Giá đồng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 1,6% lên 8.163 USD/tấn, cao nhất kể từ 8/1 - thời điểm giá chạm mức ‘đỉnh’ 8 năm, là 8.238 USD/tấn.
Đồng USD phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do Mỹ chuẩn bị thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ. USD yếu đi luôn khiến những mặt hàng giao dịch bằng USD trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền khác.
Lượng đồng lưu kho trên sàn Comex (Mỹ) và sàn ShFE (Thượng Hải) hiện ở mức thấp gần nhất trong vòng nhiều năm.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng nhiều nhất thế giới, các khoản vay ngân hàng mới trong tháng 1/2021 đã tăng lên mức cao kỷ lục mới do nhu cầu mang tính chất mùa vụ, trong khi tăng trưởng tín dụng – một chỉ số rất quan trọng đối với nhu cầu kim loại – chậm lại.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục tăng trong phiên vừa qua sau khi những số liệu của Chính phủ mới công bố làm giảm bớt lo ngại về tình trạng giảm thanh khoản trên thị trường. Triển vọng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc sẽ tăng cũng hỗ trợ giá mặt hàng này tăng trong phiên vừa qua.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên tăng 4,3% lên 1.061,5 CNY (164,59 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 3 tăng 2,6% lên 158,65 USD/tấn.
Ngô giảm, đậu tương tăng
Giá ngô Mỹ phiên vừa qua giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bối báo cáo mới nhất, theo đó dự báo nguồn cung ngô cao hơn so với dự đoán của thị trường. Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 7-1/2 US cent xuống 5,56-1/4 USD/bushel, lúc đầu phiên có lúc đạt mức cao 5,74-1/4 USD – cao nhất kể từ tháng 6/2013.
Trái với ngô, giá đậu tương kỳ hạn tăng lên mức cao nhất 3 tuần do USDA dự báo nguồn cung đậu tương sẽ thấp hơn dự báo lần trước. Theo đó, giá đậu tương hợp đồng giao tháng 3 tăng 14 cent lên 14,01-3/4 USD/bushel.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 phiên vừa qua tăng 0,17 US cent (1,4%) lên 16,44 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 3,2 USD (0,9%) lên 475,2 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2017.
Các nhà đầu tư cho biết, dự báo lạm phát tăng đang thôi thúc nhà đầu tư quan tâm hơn đến hàng hóa.
Tỷ lệ tồn trữ - sử dụng đường của Mỹ (một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình cung – cầu) đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp, đạt 16,1% trong ngày 9/2.
Cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 1,15 US cent (0,9%) trong phiên vừa qua, xuống 1,2295 USD/lb, do đồng real Brazil yếu đi thúc đẩy các nhà sản xuất bán ra. Brazil đã xuất khẩu 2,89 triệu bao cà phê nhân (1 bapoo = 60 kg) trong tháng 1, giảm 8% so với cùng tháng năm trước.
Cà phê robusta cùng phiên tăng 3 USD (0,5$) lên 1.342 USD/tấn giữa bối cảnh thị trường trầm lắng khi Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – bắt đầu nghỉ Tết.
Cao su lập "đỉnh" 4 tuần
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng phiên thứ 4 liên tiếp, chạm mức cao nhất 4 tuần, do giá dầu và chứng khoán thế giới tăng mạnh giữa bối cảnh nhà đầu tư lạc quan vào sự hồi phục kinh tế thế giới nên chuyển hướng tới những tài sản rủi ro cao.
Kết thúc phiên vừa qua, cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka tăng 1,7 JPY (0,7%) lên 244,9 JPY (2,3 USD)/kg, trong phiên có lúc giá cao nhất kể từ 12/1 là 246,3 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su giao tháng 5 tăng 25 CNY lên 14.855 CNY (2.309 USD)/tấn.
Giá dầu mỏ và chứng khoán toàn cầu tăng đã tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư cao su.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 10/2