Thị trường ngày 2/1: Giá khí gas đạt ‘đỉnh’ 6 năm, khô đậu tương cao kỷ lục mọi thời đại
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khép lại phiên giao dịch tuần này với giá khí gas, khô đậu tương và dầu cọ tăng mạnh.
Khí gas Châu Á đạt ‘đỉnh’ 6 năm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á tuần này tăng mạnh, thêm 17% lên mức cao nhất trong vòng 6 năm, do đợt không khí lạnh sâu tại một số quốc gia thúc đẩy lượng nhập khẩu vào khu vực tăng lên mức cao kỷ lục.
Giá LNG kỳ hạn tháng 2/2021 giao tới Đông Bắc Á tuần này đạt trung bình 14,6 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt điện Anh), tăng 2,1 USD so với tuần trước.
Nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ của khu vực Châu Á là nguyên nhân chính đẩy giá LNG lên mức cao kỷ lục, đồng thời khiến cho tình trạng khan hiếm nguồn cung LNG ở Châu Á càng trở nên trầm trọng.
Nhập khẩu LNG vào Châu Á trong tháng 12/2020 ước tính đạt gần 27 triệu tấn, vượt xa mức kỷ lục cũ là 23,6 triệu tấn của tháng 12/2019 và càng cao hơn so với 22,8 triệu tấn của tháng 11/2020. Trong đó, Trung Quốc tháng 12/2020 đã nhập khẩu trên 9,05 triệu tấn, tăng khoảng 40% so với tháng liền trước; Nhật Bản nhập khẩu 8,1 triệu tấn (tăng 27% so với tháng liền trước); Pakistan tiếp tục có nhu cầu mua LNG kỳ hạn giao kéo dài từ nay tới tháng 4.
Bên cạnh đó, có tin Tập đoàn dầu khí bang Gujarat của Ấn Độ (GSCP) đã mua một lô LNG kỳ hạn giao tháng 2 với giá 10• 10,5 USD/mmBtu; trong khi Petronas có thể đã bán một lô LNG từ Gladstone LNG (Australia) cho JERA (của Nhật Bản) với giá 13 USD/mmBtu.
Về các nước xuất khẩu, có tin Novatek của Nga đã bán một đợt hàng cho Châu Âu qua một cuộc đấu thầu hôm 30/12, hàng giao vào tháng 3.
Giao dịch vàng ở Châu Á sôi động, ngoại trừ ở Ấn Độ
Mức trừ lùi giá vàng vật chất ở Ấn Độ tuần này nới rộng do khách hàng tạm dừng tham gia vào thị trường, vì người tiêu dùng Ấn Độ tránh việc mua vàng trong dịp lễ thánh Khar Mass – khoảng thời gian được xem là không tốt (kéo dài từ ngày 15/12 đến 14/1). Trong khi đó, nhu cầu ở Singapore và các trung tâm giao dịch vàng khác ở Châu Á tuần này tăng lên khi khách hàng tăng cường mua vào trước kỳ nghỉ lễ.
Mukesh Kothari, giám đốc đại lý vàng RiddiSiddhi Bullions ở Mumbai cho biết: "Mọi người tập trung vào các ngày lễ hơn là mua vàng", đồng thời dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới.
Các đại lý tại Ấn Độ tuần này đã giảm giá 2 USD/ounce so với giá chính thức (bao gồm 12,5% thuế nhập khẩu và 3% thuế bán hàng), gấp đôi mức giảm 1 USD/ounce của tuần trước. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay ở Ấn Độ giảm tuần đầu tiên trong vòng 4 tuần.
Tại Trung Quốc, mức trừ lùi thu hẹp lại còn 15 – 20 USD/ounce, so với 16 – 20 USD của tuần trước, trong khi ở Hongkong, mức cộng trong tuần này là 0,50- 1,50 USD/ounce, so với + 0,5 USD của tuần trước.
Các đại lý vàng ở Trung Quốc dự báo, giá giảm trong dịp lễ hội và nhu cầu bị kiềm chế bấy lâu nay có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng trong thời gian tới (Giao dịch vàng vật chất tại Trung Quốc đã giảm đáng kể từ tháng 3 đến nay do ảnh hưởng của Covid-19).
Tại Singapore, vàng đang được bán với giá + 0,9-1,2 USD/ounce so với giá tham chiếu thế giới, so với mức +0,8-1,2 USD của tuần trước, do nhu cầu mua quà tặng tăng trước lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, nhu cầu ở Singapore năm nay giảm vì Covid-19 làm ‘mất mùa’ du lịch. Tại Nhật Bản, vàng được chào bán ở mức cao hơn 0,5 USD so với giá tham chiếu của thế giới.
Quặng sắt tuần này giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 do nhu cầu mua trước kỳ nghỉ lễ.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – giá tăng 2,1% trong phiên 31/12 lên 996 CNY (152,45 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá giảm khoảng 2,5%.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải trong cùng phiên tăng 3,3% lên 4.388 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng tương tự lên 4.554 CNY/tấn; thép không gỉ tăng 0,7% lên 13.440 CNY/tấn.
Khô đậu tương cao kỷ lục
Giá khô đậu tương trên thị trường Trung Quốc tuần này tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử do giá đậu tương thế giới tăng mạnh và các nhà đầu tư tin tưởng ngành chăn nuôi của Trung Quốc sẽ tiếp tục hồi phục kéo nhu cầu khô đậu tương tăng theo.
Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, khô đậu tương kỳ hạn tháng 5 (giao dịch nhiều nhất) trên sàn Đại Liên tăng 4,2% lên 3.423 CNY (523,96 USD)/tấn.
Giao dịch cà phê ở Châu Á thưa thớt
Giao dịch cà phê tại Châu Á tuần này không sôi động do thiếu container khiến cước phí vận chuyển tăng vọt trong khi nhu cầu giảm sút. Thị trường Indonesia dừng hoạt động tuần này vì nghỉ lễ.
Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được chào bán với giá 33.200 đồng (1,44 USD)/kg, giảm nhẹ so với 34.000 đồng của tuần trước. Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) chào giá cộng 135 – 145 USD/tấn so với hợp đồng tham chiếu ở sàn London, tăng so với mức cộng 100 USD/tấn của tuần trước.
Dầu cọ tăng
Giá dầu cọ Malaysia phiên cuối cùng của năm 2020 tăng 14 ringgit (0,4%) lên 3.602 ringgit (896,02 USD)/tấn (kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Bursa) do xuất khẩu dầu cọ nước này tăng.
Trong giai đoạn 1-25/12, Malaysia đã xuất khẩu 1.290.257 tấn dầu cọ, tăng 14,4% so với cùng kỳ tháng trước.
Cập nhật giá một số mặt hàng chủ chốt