MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ô tô 2022: Kẻ đến người đi và… “bia kẹp lạc”

08-08-2022 - 18:49 PM | Thị trường

Quá nửa chặng đường năm 2022 của thị trường ô tô Việt Nam đã đi qua với không ít những biến động và dự kiến sẽ còn tiếp diễn đến hết phần còn lại.

Xe mới ào ạt gia nhập

Dường như trạng thái kìm nén và thậm chí "đóng băng" suốt năm 2021 do đại dịch Covid-19 đã kích hoạt cho một giai đoạn bùng nổ về sản phẩm tại thị trường ô tô Việt Nam năm 2022.

Ngay từ đầu năm, Honda đã đem về Civic thế hệ hoàn toàn mới. Mẫu sedan cỡ C dù không còn nằm trong mục tiêu chạy đua doanh số song vẫn là một cái tên có tác động đáng kể lên thị trường. Ford cũng trình làng mẫu SUV full-size nhập khẩu Explorer trong khi Thaco Kia đem về mẫu sedan K3 đời 2022. Thương hiệu RAM cũng thổi một luồng gió mới vào thị trường bằng mẫu xe bán tải cỡ trung TRX 1500, nơi mà Ford Ranger, Mitsubishi Triton hay Mazda BT-50 chỉ được xem là "đám trẻ".

Thị trường ô tô 2022: Kẻ đến người đi và… “bia kẹp lạc” - Ảnh 1.

Mẫu xe bán tải cỡ trung RAM TRX 1500 có giá khoảng 7,9 tỷ đồng.

Không khí nhộn nhịp tiếp tục được tăng cường với một loạt mẫu xe mới hoặc thế hệ nâng cấp gia nhập thị trường sau đó.

Toyota Việt Nam cùng lúc đem về Avanza thế hệ mới và tân bình Veloz Cross. Hai mẫu xe cùng nhau tạo nên sức nóng cho phân khúc MPV giá rẻ nơi mà Mitsubishi Xpander đang gần như hoàn toàn áp đảo. Sau đó không lâu, cả Mitsubishi Xpander và Suzuki Ertiga – XL7 cùng được nâng cấp.

Cho đến hết tháng 7, thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 còn chào đón thêm loạt xe mới nữa. Trong đó, Hyundai thay đổi Creta để chính thức gia nhập cuộc chơi CUV cỡ B, MG đem về mẫu xe MG5, Volkswagen giới thiệu T-Cross và Polo Sport Edition, Honda nâng cấp HR-V trong khi Thaco Kia chính thức đưa mẫu C-SUV Sportage trở lại thị trường. Thương hiệu Nissan sau khi thay đổi nhà phân phối cũng tiến hành nâng cấp động cơ cho hai mẫu xe Almera và Navara

Ở mảng xe sang, thương hiệu Lexus đồng thời đem về hai mẫu xe được ưa chuộng là NX và LX. Trong khi đó, Porsche Macan thế hệ mới xuất hiện đã gần như khiến người tiêu dùng quên mất sự hiện diện của Range Rover Evoque. Mercedes sau quãng thời gian ngủ quên cũng giật mình tỉnh giấc bằng mẫu xe bán chạy nhất của mình là C-Class 2022. Một thương hiệu xe sang đến từ nước Đức khác là Audi cũng liên tiếp đem về mẫu xe sedan cỡ lớn A8L và cái tên hoàn toàn mới e-tron GT thuần điện . Land Rover mới đây cũng chính thức trình làng thế hệ mới của "biệt thự di động" Range Rover.

Thị trường siêu xe cũng chứng kiến màn ra mắt của bộ đôi DB11 V8 Coupe 2023 và Vantage F1 Edition đến từ thương hiệu Aston Martin.

Mẫu xe gia nhập muộn và cũng đang khuấy động thị trường rất mạnh mẽ là Ford Everest 2023 . Màn lột xác toàn diện giúp Everest đậm chất cơ bắp Mỹ hơn, chuẩn SUV hơn so với những mẫu xe được xem là đối thủ như Toyota Fortuner hay Kia Sorento.

Thị trường ô tô 2022: Kẻ đến người đi và… “bia kẹp lạc” - Ảnh 2.

Mẫu SUV 7 chỗ Ford Everest 2023 đang tạo nên cơn sốt trên thị trường ô tô.


Đó mới là tính đến hết tháng 7. Ở giai đoạn còn lại của năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam dự kiến sẽ còn đón nhận không ít những mẫu xe mới đáng chú ý. Trong đó có thể kể đến những cái tên như Nissan Kicks, Ford Ranger, Ford Territory, Suzuki Ertiga hybrid, Hyundai Elantra, Subaru WRX hay Jeep Grand Cherokee.

Loạt xe tạm biệt thị trường

Đồng thời với sự xuất hiện của những tân binh hay thế hệ nâng cấp, thị trường ô tô Việt Nam cũng chứng kiến một loạt mẫu xe tạm thời rút lui hoặc chính thức khai tử .

Ngay từ ngày 1/1/2022, quy định về tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) đã bắt đầu có hiệu lực áp dụng đối với những mẫu xe lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu mới. Đây là một hàng rào kỹ thuật được dựng lên trong chiến lược giảm lượng khí phát thải từ các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bởi vậy, sau khi bán hết lượng xe đã sản xuất hoặc nhập khẩu từ trước 2022, các hãng ô tô đã đồng loạt rút những mẫu xe chưa đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 khỏi thị trường.

Một nguyên nhân nữa khiến các mẫu xe ô tô bị khai tử, bên cạnh vấn đề khí thải, còn là khả năng cạnh tranh kém cỏi so với các đối thủ. Chiến lược sản phẩm sai lầm, chất lượng xe không như kỳ vọng của người tiêu dùng là những "huyệt tử" dẫn đến sự biến mất của một số mẫu xe trên thị trường.

Đầu tiên có thể kể đến bộ đôi gầm cao đô thị Ford EcoSport và Hyundai Kona. Cả hai mẫu xe này đều là những cái tên từng thay nhau gần như ôm trọn phân khúc urban SUV. Bởi vậy, sự rút lui của cả Ford EcoSport hay Hyundai Kona đều ít nhiều đem đến sự tiếc nuối. Nếu như Kona đã có sự thay thế bởi Creta thì chưa biết hãng xe Mỹ Ford có tiếp tục đưa EcoSport trở lại hay sẽ chỉ duy trì các sản phẩm nằm từ phân khúc cỡ C trở lên.

Hụt hẫng nhất là màn chia tay của bộ ba nhà VinFast . Hãng xe Việt đã rút ngắn lộ trình điện hóa sản phẩm với kế hoạch giới thiệu loạt xe thuần điện trải dài khắp các phân khúc từ VF e34, VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9 ngay trong năm nay và năm 2023 tới. Để thuận lợi cho chiến lược mới, VinFast đã phải khai tử 3 mẫu xe trang bị động cơ đốt trong là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Trong đó, đáng chú ý nhất là Fadil khi mẫu xe này kể từ khi bán ra thị trường hồi đầu năm 2019 đã thường xuyên lọt top 10 xe bán chạy nhất.

Thị trường ô tô 2022: Kẻ đến người đi và… “bia kẹp lạc” - Ảnh 3.

Màn chia tay của VinFast Fadil cùng 2 đàn anh Lux A2.0 và Lux SA2.0 gây ra nhiều tiếc nuối cho người tiêu dùng Việt.


Thị trường ô tô giai đoạn 7 tháng năm 2022 cũng đã chứng kiến màn chia tay của nhiều mẫu xe khác. Trong đó, Toyota cùng lúc rút 3 mẫu xe Hilux, Rush và Wigo khỏi danh mục sản phẩm. Lý do được liên doanh Nhật Bản đưa ra là các mẫu xe này chưa đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 theo quy định mới. Tuy nhiên, điều này có vẻ hợp lý với mẫu bán tải Hilux còn với Wigo và Rush, câu chuyện có lẽ nhạy cảm hơn khi cả hai đều không thể cạnh tranh doanh số với đối thủ.

Cũng do vấn đề khí thải, Honda Brio mới đây cũng đã rời khỏi thị trường ô tô Việt Nam. Mẫu xe cỡ A đến từ thương hiệu Nhật Bản vốn dĩ cạnh tranh khá tốt với các đối thủ VinFast Fadil và Hyundai Grand i10. Tuy nhiên, Honda Việt Nam chưa hề tiết lộ về việc có tiếp tục đưa Brio với động cơ đạt Euro 5 trở lại hay không.

Khan hàng, tăng giá và bia kẹp lạc

"Bình thường mới" đã giúp thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đã có tổng cộng 201.840 xe được tiêu thụ trên toàn thị trường trong nửa đầu năm 2022 , tăng 34% so với cùng kỳ 2021.

Con số này, theo đánh giá của các chuyên gia, là thấp hơn đáng kể so với sức mua thực tế của thị trường. Sau giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu mua sắm phương tiện để đi lại và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, ngành ô tô lại vấp phải một lực cản không nhỏ là tình trạng đứt gãy nguồn cung linh kiện toàn cầu. Từ đó, thị trường ô tô thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều rơi vào bối cảnh khan hiếm trầm trọng.

Cung không đủ cầu đã kéo theo những hệ lụy không hiếm gặp ở thị trường ô tô, xe máy Việt Nam là tăng giá và… bia kẹp lạc.

Thiếu linh kiện để sản xuất, lắp ráp, các chi phí đầu vào tăng mạnh do dịch bệnh và khủng hoảng địa chính trị đã khiến giá thành ô tô thành phẩm bị đẩy lên cao. Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, hàng loạt hãng xe đã tiến hành tăng giá bán niêm yết (hoặc khuyến nghị) đối với nhiều mẫu xe.

Trong đó, Thaco Kia tiến hành tăng giá bán các mẫu xe K3, Sonet và Seltos; Toyota tăng giá gần như toàn bộ sản phẩm; Suzuki tăng giá XL7, Ertiga và Ciaz; Mitsubishi cũng tăng giá xe bán tải Triton, Pajero Sport và Attrage. Ở mảng xe hạng sang, Lexus cũng tăng giá hàng chục triệu đồng trên các mẫu ES, GX, RX, LM; Mercedes-Benz tăng giá GLC, GLE, GLB, GLS, A 35 và GT.

Đó là các động thái từ nhà sản xuất và nhập khẩu. Ở hệ thống phân phối B2C, do không thể tiến hành tăng giá bán niêm yết, nhiều đại lý đã ngấm ngầm tăng giá bán "trao tay" bằng hình thức "bia kẹp lạc" đối với những mẫu xe được ưa chuộng hoặc có quá ít nguồn cung. Đáng kể nhất là những mẫu xe như Toyota Prado hay Ford Everest mới, người tiêu dùng phải "dấm dúi" cho nhân viên bán hàng cả trăm triệu đồng để nhận xe sớm. Thậm chí một số mẫu xe ít được ưa chuộng hơn như Hyundai Santa Fe, Honda CR-V hay Toyota Veloz Cross…, mức chênh giá mà người tiêu dùng phải trả thêm cho đại lý cũng dao động từ 20-50 triệu đồng.

Tính đến thời điểm này, tình trạng khan hiếm nguồn cũng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Bởi vậy, người tiêu dùng từ nay đến cuối năm rất có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với cảnh "xếp hàng" đặt mua xe và thậm chí phải "lót tay" cho đại lý để có thể nhận bàn giao xe sớm, ít nhất là theo thỏa thuận đặt cọc.

Theo An Nhi

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên