Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc nhưng không thể “lơ là” về chất lượng
Thống kê mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong quý 1 năm 2023 đã tăng cao trở lại, sau khi có Nghị định 08 năm 2023 của Chính phủ về một số tháo gỡ cơ chế, chính sách để khơi thông vướng mắc trong lĩnh vực này.
- 14-04-2023Đại hội cổ đông ngân hàng liên tục “nóng” chuyện trái phiếu
- 14-04-2023Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với nợ trái phiếu
- 12-04-2023Gỡ thế kẹt phát hành trái phiếu cho ngân hàng
Với gần 25.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý 1, tình hình thị trường đã cho thấy sự khởi sắc trở lại so với tình trạng gần như “đóng băng” trong khoảng nửa năm trở lại đây. Nhưng bên cạnh thông tin tích cực này, càng không thể vì thế mà “lơ là” việc tăng chất lượng phát hành và đẩy mạnh tính lành mạnh, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phân tích số liệu thống kê có thể thấy, 3 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 25.000 tỷ đồng, thì trong đó có gần 24.000 tỷ đồng là phát hành từ ngày 6/3, tức là ngày mà Nghị định 08 có hiệu lực, tương đương 96% khối lượng phát hành của cả quý 1. Lãi suất phát hành bình quân cũng ở mức hợp lý là 7,75%/năm, tức là chỉ tương đương, thậm chí không hấp dẫn bằng lãi suất huy động của ngân hàng thương mại.
Kỳ hạn phát hành bình quân cũng ở mức 2,37 năm, tức là xấp xỉ mức gia hạn trả nợ trái phiếu chưa có khả năng thanh toán, đã được quy định trong Nghị định 08. Đặc biệt, nhìn về cơ cấu phát hành có đến 98% thuộc lĩnh vực bất động sản.
Tất cả những thông tin này cho thấy chủ yếu là động thái cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp chứ chưa phải hoạt động phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án đầu tư kinh doanh mới của doanh nghiệp. Đây cũng là thực tế đã được chuyên gia Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đánh giá trước đây.
"Hiện tại, thị trường khó khăn thì chúng ta giãn thời gian, chứ không thay đổi, tinh thần là vậy, rõ ràng trước mắt tháo gỡ cho doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nâng tầm chuyên nghiệp, chứ không tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn. Tinh thần là doanh nghiệp nâng tầm của mình, hướng tới chuyên nghiệp và minh bạch hơn" - ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.
Quan sát của bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán VnDirect cũng cho thấy, sau khi Nghị định 08 được ban hành, có 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong số 11 đợt phát hành của quý 1 năm 2023, chiếm 97% tổng giá trị phát hành của cả 3 tháng đầu năm. Lưu ý nữa, là các đợt phát hành riêng lẻ lớn trong quý đều là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin doanh nghiệp hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành mới có thời gian thành lập chưa đến 1 năm.
Đây cũng là điều lý giải vì sao khách hàng của trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1 chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, với tỷ lệ 99,99%, trong đó ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ 77%. Rõ ràng, những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ để cơ cấu nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.
Điều quan trọng là thị trường phải hướng đến việc cơ cấu lại người mua theo hướng tham gia chủ yếu của nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp, chứ không phải là giải pháp nhất thời.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán Smart-Invest nhìn nhận: "Trái phiếu doanh nghiệp cần được niêm yết, các quỹ đầu tư phát hành các chứng chỉ trái phiếu và nhà đầu tư tham gia mua các chứng chỉ đó, thì các chứng chỉ được niêm yết trên sàn, nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ đó như mua chứng khoán trên sàn và tạo thanh khoản cho thị trường thứ cấp, còn sơ cấp vẫn phải do nhà đầu tư tổ chức giao dịch".
Do đó, cần ghi nhận tín hiệu tích cực khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc trở lại với gần 25.000 tỷ đồng được phát hành trong quý 1 năm 2023, ngay sau động thái chính sách là ban hành Nghị định 08 của Chính phủ, góp phần ổn định tâm lý của thị trường, cả từ phía nhà phát hành và nhà đầu tư. Cũng cần ghi nhận nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tiếp tục tháo gỡ thanh khoản cho thị trường, bằng cách khơi thông thị trường giao dịch thứ cấp, từ đó hỗ trợ lại thị trường phát hành sơ cấp.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp, Ủy ban chứng khoán xây dựng thông tư và đang thẩm định ở Bộ Tái chính, hệ thống giao dịch và thanh toán có thể vận hành từ giữa năm nay".
Bên cạnh việc ghi nhận tín hiệu tích cực từ diễn biến thị trường, thì tiếp tục cần thêm giải pháp chung tay góp sức hồi phục thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh và bền vững của tất cả thành viên thị trường. Bộ Tài chính cũng tiếp tục đưa ra khuyến cáo từng chủ thể tham gia trên thị trường phải nỗ lực tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng, Bộ Tài chính khuyến nghị: "Bộ Tài chính tăng cường giám sát bằng tăng cường quản lý, khuyến cáo doanh nghiệp phát hành và đơn vị tư vấn phải tuân thủ quy định về tư vấn và phát hành. Đồng thời một lần nữa khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân thực sự đánh giá rủi ro trái phiếu, và trước khi mua xác định đã đáp ứng điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp hay chưa? Không nghe tư vấn không đầy đủ thông tin và xác định rõ TPDN không phải tiết kiệm".
Có thể thấy, so với các tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả nhà phát hành, tư vấn phát hành hay người mua là tổ chức, thì các nhà đầu tư cá nhân luôn là bên yếu thế về tiếp cận thông tin. Do đó, nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần tăng cường hiểu biết pháp luật về quy định bắt buộc về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin doanh nghiệp phát hành và đợt phát hành, đánh giá kỹ mức độ rủi ro tương ứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, để tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Nhà đầu tư cá nhân cần nhìn rõ tình hình quý 1 năm 2023, trái phiếu doanh nghiệp phát hành khởi sắc. Nhưng bên cạnh con số lạc quan này, cũng còn nhiều con số khác cần quan tâm, như trong quý 1 năm nay, tổng giá trị chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu khoảng 19.200 tỷ đồng và mới có khoảng 50% có phương án đàm phán với nhà đầu tư về phương hướng giải quyết.
Thị trường khởi sắc và việc đẩy mạnh cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp của nhà phát hành có thể tạo thêm điều kiện hấp dẫn cho nhà đầu tư tham gia, nhưng chắc chắn “cuộc chơi” này có rủi ro và chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có tính chuyên nghiệp cao./.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong quý 1 năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt hơn 24.700 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3/2023, tức là ngày Nghị định 08 năm 2023 của Chính phủ có hiệu lực, đạt 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng phát hành của cả quý 1.
Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1 năm nay đạt bình quân 7,75%/năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 2,37 năm. Về cơ cấu, có 98% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, với khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ 77%.
Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý 1 năm nay, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở GDCK Hà Nội với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng, chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán.
VOV