Thị trường vàng vẫn chờ Nghị định 24 sửa đổi
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần khẩn trương sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm tăng nguồn cung thị trường vàng đồng thời kiến nghị xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.
- 19-05-2024Chuyên gia: Giá vàng sẽ đạt 2.500 USD/oz vào tuần tới
- 18-05-2024Giá vàng thế giới hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp
- 18-05-2024Thị trường ngày 18/05: Dầu tiếp đà tăng, vàng tăng tuần thứ 2 liên tiếp, bạc cao nhất 11 năm
- 17-05-2024Sau vàng và đồng, thêm một kim loại khác bước vào thời kỳ sốt giá: Tăng 60% một năm qua, nhu cầu trên toàn cầu tăng vọt
Suốt nhiều tháng qua, giá vàng có nhiều biến động, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới có thời điểm lên tới 18 - 19 triệu đồng, thậm chí gần 20 triệu đồng/lượng. Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp bàn rất nhiều lần; đồng thời có nhiều công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ lo ngại: Việc giá vàng tăng, thậm chí trên 90 triệu đồng/lượng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động lớn đến thị trường trong nước.
Giải trình về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN, ông Phạm Thanh Hà cho biết: Trước năm 2012, những bất cập của thị trường vàng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải ban hành quy định mới. Trên cơ sở đó, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời, giúp thị trường vàng tương đối ổn định. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cụ thể từ năm 2019, do ảnh hưởng của COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị leo thang dẫn đến giá vàng quốc tế tăng mạnh, khiến giá vàng trong nước tăng theo. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ sự hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế thường xuyên cao.
“Nguyên do giá vàng thế giới tăng cao khiến giá vàng trong nước bị đẩy lên. Tính đến thời điểm này, giá vàng thế giới tăng khoảng 14% so với đầu năm. Ngoài ra, nguồn cung trong nước hạn chế khiến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế càng cao”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Còn tại Việt Nam, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước, tăng hơn 17% so với tháng 12/2023 và tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 20,75%.
Cần các chế tài mới
Không thể phủ nhận qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24 đã hoàn thành “sứ mệnh”, hỗ trợ rất lớn cho sự ổn định, an toàn của nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, với những bất cập trên thị trường vàng vừa qua, đòi hỏi phải có cách thức mới trong điều hành.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, giá vàng SJC tăng “nóng” thời gian qua là do tâm lý thị trường trong nước khiến giá bị đẩy lên.
“NHNN nên cân nhắc đưa ra lượng vàng đấu thầu nhiều hơn một chút, tất nhiên phải tính toán bài toán kiểm soát tỷ giá và nhập khẩu vàng, tức là chỉ nhập khẩu một lượng vàng vừa phải mà không tác động lên tỷ giá; đồng thời sửa Nghị định 24, trong đó xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép một số doanh nghiệp uy tín nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu vừa phải... Như vậy, thị trường vàng mới ổn định, giá vàng SJC không bị tâm lý thị trường mà bị đẩy lên mức cao”, ông Huỳnh Trung Khánh kiến nghị.
“Để sửa đổi Nghị định 24 và giải quyết vấn đề thị trường vàng, giải pháp là cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm tăng cung cho thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá quá lớn”, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết.
Theo TS Trương Văn Phước, giá vàng SJC có độ chênh lớn như thế là do cung cầu. Nếu tăng cung, giá sẽ tự giảm. “NHNN có thể sử dụng vàng dự trữ hoặc nhập vàng về cho SJC gia công hoặc trả lại cho SJC quyền sản xuất gia công vàng miếng. Nếu NHNN lựa chọn chi ngoại tệ nhập khẩu vàng, hoạt động này nên được tính toán vào tổng kim ngạch nhập khẩu; đồng thời, vẫn cần phải duy trì dự trữ ngoại hối ít nhất bằng 12 tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”, chuyên gia Trương Văn Phước đề xuất.
“Tôi đề nghị NHNN cho phép một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới; đồng thời kiểm soát việc mua vàng của họ bằng quota trong một năm. Nếu có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ, các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa, giá vàng sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền”, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cần có giải pháp phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Từ đó, NHNN có thể huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản bảo đảm để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp Việt Nam “biến vàng thành ngoại tệ” phục vụ việc sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết: Đối với chính sách quản lý thị trường vàng thời gian tới, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết và sửa đổi Nghị định 24, đặc biệt tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quynề vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Báo Tin tức