Thị trường ví điện tử Việt Nam đang nằm trong tay ai?
MoMo, ZaloPay, Viettelay, Airpay… tiếp tục là những cái tên dẫn đầu thị phần ví điện tử tại Việt Nam.
- 31-01-2023Ngân hàng, ví điện tử tham gia cuộc đua bán vàng ngày Thần Tài
- 30-09-2022ZaloPay cùng Starbucks Vietnam nâng cao trải nghiệm thanh toán bằng ví điện tử
- 15-08-2022Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ví điện tử
Ngày 22-5, báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý I/2023 của Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam - phối hợp Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA) đã được công bố.
Theo báo cáo, MoMo hiện là ví điện tử dẫn đầu ở các chỉ số như fintech nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 68%.
Cụ thể, trong quý I/2023, siêu ứng dụng MoMo chiếm 68% thị phần ví điện tử, tiếp theo Zalopay chiếm 53%, Viettelpay chiếm 27%, ShopeePay (Airpay) có thị phần 25%, VNPay ở vị trí tiếp theo với 16% và ví điện tử Moca (Grabpay) đứng ở vị trí thứ 6 với 7%.
Báo cáo Người tiêu dùng số tập trung vào thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội, giải trí như âm nhạc, phim ảnh, và video trực tuyến và mua sắm trực tuyến.
Thị phần của các ví điện tử vào quý I/2023 theo báo cáo vừa được công bố
Đại diện MoMo cho biết kết quả từ báo cáo cho thấy nỗ lực và thành công của MoMo từ việc không ngừng cải tiến giao diện thiết kế đến mở rộng và phát triển các tính năng, tiện ích trên nền tảng siêu ứng dụng.
Cùng đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, MoMo tiên phong cung cấp các dịch vụ đầu tư, tích lũy, tiết kiệm, đáp ứng đúng nhu cầu tài chính cá nhân của người Việt trong những năm gần đây.
"Bước sang quý II/2023, MoMo tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều dịch vụ, tiện ích mới, khi vừa chính thức trở thành phương thức thanh toán tích hợp trên Apple Store trực tuyến. Hồi đầu tháng 4, MoMo cũng trở thành kênh thanh toán cho dịch vụ YouTube Premium tại Việt Nam" – đại diện MoMo thông tin.
MoMo hiện có khoảng 31 triệu người dùng, ZaloPay cũng đang tiếp tục mở rộng hệ sinh thái và cơ sở người dùng sau khi đạt khoảng 11,5 triệu người dùng thanh toán trong năm 2022.
Các phương thức thanh toán bằng mã QR, ví điện tử cùng với các ứng dụng ngân hàng số ngày càng phổ biến ở thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều người dùng cho biết thường xuyên sử dụng ví điện tử thanh toán vì được ưu đãi giảm giá, tặng voucher...
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… Trong đó, có 40 ví điện tử được cấp phép hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Người lao động