MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 sự kiện làm "dậy sóng" thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2014

Nếu như cuối năm 2013, thị trường BĐS mới đang "cựa mình" thì nay bước sang nửa đầu năm 2014 thị trường đã bắt đầu sôi động thật sự.

Cùng CafeF điểm lại 10 sự kiện BĐS đáng chú ý trong 6 tháng vừa qua.

1.
Gần 700 triệu USD vốn FDI “chảy” vào BĐS trong 6 tháng đầu năm: Cùng với đà hồi phục nhẹ, bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm trở lại của dòng vốn FDI. Theo Báo cáo mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về vốn FDI với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%.

2. Giao dịch BĐS 6 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2014 ước tính Hà Nội có khoảng 4.000 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh tình hình giao dịch cũng khả quan hơn, các giao dịch thành công chủ yếu loại căn hộ dưới 15 triệu/m2. Trước những chuyển biến tích cực của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng khẳng định thị trường BĐS tuy còn khó khăn nhưng thực tế thị trường đã dần ấm lên.

3. Tồn kho bất động sản giảm mạnh 45.029 tỷ đồng: Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 còn khoảng 83.519 tỷ đồng, giảm 45.029 tỷ đồng, tương đương 35% so với đầu 2013. Trong đó, Hà Nội giảm 36% và Tp HCM giảm 45%. Bộ Xây dựng nhận định, hiện thị trường bất động sản đang ấm lên nhưng vẫn còn khó khăn, các dự án xa trung tâm, chưa hoàn thành đầu tư, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ vẫn có lượng tồn kho lớn.

4. 75% doanh nghiệp bất động sản có lãi: Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Ông châu cho biết, trong số 62 doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2014 cho thấy có 25% doanh nghiệp lỗ, 21% doanh nghiệp đạt lãi vài trăm triệu đồng, 50% doanh nghiệp thu lợi nhuận 1-20 tỷ đồng. Chỉ khoảng 4% doanh nghiệp báo lãi từ 20 đến 1.000 tỷ đồng. Theo ông Châu, điều này chứng tỏ thị trường đang tốt lên bởi có sự hồi phục từ kinh tế vĩ mô.

5. Căn hộ 20 triệu đồng/m2 "cháy" hàng: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam mới đây đã khẳng định, hiện căn hộ có diện tích dưới 100 m2 rất khó mua. Các dự án có giá bán trên dưới 20 triệu đồng mỗi m2 không còn hàng. Dự án từ vành đai 3 đổ vào giao dịch vẫn tốt, người mua để ở là chủ yếu, không phải nhà đầu tư. Thứ trưởng cũng cho biết, lòng tin của người tiêu dùng bước đầu đã có sự quay trở lại với thị trường.

6.
Đầu cơ bất động sản tại Hà Nội đã trở lại: Hoạt động đầu tư kiếm lời trên thị trường bất động sản gần như “vắng bóng” trong nhiều năm qua, sau khi thị trường “xì hơi” khiến nhiều nhà đầu tư phải nếm “trái đắng”. Tuy nhiên, những dấu hiệu ấm lên của thị trường BĐS thời gian gần đây đã khiến nhà đầu tư BĐS quay lại thị trường. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường đã có tia sáng, nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện nay có thể kiếm lời khoảng 10-15%.

7. Ra mắt gói tín dụng 50.000 tỷ cho BĐS: Gói 50.000 tỷ đồng hỗ trợ cho thị trường BĐS sẽ được 10 ngân hàng cung ứng. Các ngân hàng triển khai gói này thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà: ngân hàng người mua – chủ đầu tư – nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng – ngân hàng người bán. Đánh giá về tác động của gói tín dụng này, nhiều chuyên gia đều có chung ý kiến không nên ảo tưởng về gói 50.000 tỷ đồng, doanh nghiệp được vay bao nhiêu, lãi suất thế nào hoàn toàn phụ thuộc thỏa thuận với ngân hàng.

8. Bộ Xây dựng chốt phí chung cư theo diện tích thông thủy: Ngày 20/2/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD thống nhất tính diện tích sử dụng căn hộ theo thông thủy để tính tiền mua bán căn hộ. Thông tư 03 đã bỏ cách tính diện tích sàn chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ từng gây nhiều thiệt thòi, bức xúc cho người dân sống ở chung cư suốt 3 năm qua. Đến ngày 09/5, Bộ Xây dựng tiếp tiếp tục ban hành Thông tư 05 hướng dẫn cách tính phí chung cư theo diện tích thông thủy. Quy định này đã góp phần làm giảm bớt tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư xung quanh vấn đề phí dịch vụ chung cư.


9. TP.HCM sẽ phát triển chính về hướng đông và nam ra biển: UBND TPHCM vừa ban hành Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025. Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển chính về hướng đông và nam ra biển; khu đô thị trung tâm của Thành phố là khu vực nội thành hiện hữu, khu đô thị mới Thủ Thiêm; TP HCM cũng ưu tiên phát triển dự án có quy mô từ 500 ha trở lên.

10. Quốc hội thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi): Luật Xây dựng (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 và tiếp tục trình tại kỳ họp thứ 7. Sau khi được hoàn chỉnh, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 18/6. Điểm mới nhất của Luật lần này là thay đổi phương thức quản lý các nguồn vốn, trong đó tập trung quản lý vốn của Nhà nước. Đây là vốn dễ gây thất thoát lãng phí nhất.

>>> 9 sự kiện nổi bật của thị trường BĐS năm 2013

Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên