MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần nới rộng quy định cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Nên xích gần khoảng cách của 2 đối tượng này gần với điều kiện như người Việt Nam.

Sáng nay 21/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức: “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)”.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi và có rất nhiều quy định sửa đổi, bổ sung căn bản, dự báo sẽ tác động lớn tới các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến bất động sản. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Khởi, thành viên ban soạn thảo –đại diện Bộ Xây dựng đã đưa ra 10 nhóm vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau cần xin ý kiến cộng đồng các DN.

Trong đó, nổi lên những vấn đề chính là thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, nhà xã hội, bỏ giao dịch qua sàn, mua bán và sở hữu nhà ở của Việt kiều và người nước ngoài, thời hạn nhà chung cư, điều kiện mua bán nhà, quản lý nhà, cách tính diện tích căn hộ, môi giới BĐS, vốn pháp định kinh doanh BĐS,…

Qua ghi nhận đánh giá, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp tại Tp.HCM  hai Dự thảo Luật (sửa đổi) này đã có nhiều ưu điểm, chặt chẽ hơn  so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần điều chỉnh.

Liên quan đến quy định, điều kiện mua bán, giao dịch, sở hữu nhà ở của 2 nhóm đối tượng là Việt kiều và người nước ngoài. Nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng, mặc dù dự thảo lần này có “mở” hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế cần điều chỉnh. Nên xích gần khoảng cách của 2 đối tượng này gần với điều kiện như người Việt Nam.

Về việc huy động vốn của DN trong nước và DN nước ngoài có sự khác nhau, theo đó, Luật Nhà ở sửa đổi quy định người mua nhà ứng trước 70% giá trị nhà ở cho đến khi nhận nhà nếu chủ đầu tư là DN trong nước, còn với chủ đầu tư là DN nước ngoài tỷ lệ này là 50%.

Vấn đề này nhiều đại biểu cho rằng việc quy định này không thực tế, thậm chí là khó hiểu khi quy định như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng nền quy định như nhau giữa 2 loại DN. Có ý kiến đặt ra vấn đề, nếu tổ chức nước ngoài mua lại DN trong nước đang sở hữu dự án BĐS thì đơn vị quản lý nhà nước cập nhật thế nào, xử lý tỷ lệ 70% hay 50% như thế nào?

Vấn đề thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định theo Luật Dân sự.

Vấn đề phạt trong Hợp đồng cũng có ý kiến cho rằng nên quy định cụ thể xử phạt bao nhiêu % giá trị Hợp đồng cho dễ thực hiện, cho giản đơn chứ không nên quy định như hiện hành dẫn đến tính phức tạp trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

Đối với vấn đề không bắt buộc phải giao dịch qua sàn, nhiều đại biểu cho rằng là quy định phù hợp, tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thị Cam, Công ty Luật TNHH Đất Luật thì việc cho thành lập sàn như hiện nay vẫn từ Công ty kinh doanh BĐS lập ra, lấy tư cách pháp nhân để hoạt động, vẫn dùng chung một con dấu, trong khi Giám đốc Công ty đầu tư dự án thì ký Hợp đồng mua bán, còn Giám đốc sàn lại ký các thủ tục khác. Trong khi đó theo quy định của Dự thảo Luật KD BĐS thì Sàn BĐS chỉ còn chức năng là nơi trung gian thực hiện các giao dịch, không còn chức năng môi giới, định giá,…điều này giống như việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Việc quy định vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo dự thảo luật là 50 tỷ đồng thay vì 6 tỷ đồng như hiện hành theo nhiều đại biểu là chưa phù hợp, bởi lẽ đối với DN đầu tư thì được còn đối với DN dịch vụ sẽ gặp khó khăn. Do vậy, nên phân rõ 2 nhóm DN này để có quy định phù hợp hơn…

Theo Kiều Thuật

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên