Giới tư nhân có nên 'gom' tiền xây văn phòng để kiếm lời trong vài năm tới?
Trong thời gian gần đây, nhờ tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, nhu cầu đầu tư vào ngành xây dựng cũng có dấu hiệu ấm dần lên theo thị trường bất động sản.
- 20-08-2014Ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm trật tự xây dựng?
- 18-08-2014Xây dựng hạ tầng có là 'miếng ngon'?
- 06-07-2014Văn phòng cho thuê cạnh tranh khốc liệt, giá thuê dự báo giảm
- 03-07-2014Văn phòng cho thuê: Ấm Nam, lạnh Bắc
Trong thời gian gần đây, nhờ tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, nhu cầu đầu tư vào ngành xây dựng cũng có dấu hiệu ấm dần lên theo thị trường bất động sản. Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam vẫn còn thấp, ở mức trên 30%, chỉ đứng trên Campuchia trong các nước khu vực Đông Nam Á. Với tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, thị trường xây dựng Việt Nam rõ ràng vẫn còn nhiều cơ hội để nhiều nhà đầu tư tham gia. Vậy trong vài năm nữa, liệu giới tư nhân có nên "đổ tiền" xây dựng bất động sản văn phòng để kiếm lời?
Chi phí nguyên vật liệu tăng ổn định khoảng 5%
Cũng theo phân tích của VPBS, giá vật liệu xây dựng trên thế giới có xu hướng tăng chậm do hàng tồn kho còn cao. Lý do xuất phát từ ngành xây dựng vốn có biến động cùng chiều với tình hình kinh tế. Từ năm 2007-2009, kinh tế thế giới đi xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng 2008.
Bắt đầu từ 2010, tình hình kinh tế bắt đầu lấy lại đà tăng kéo theo sự phát triển của ngành xây dựng khiến giá vật liệu như sắt thép, xi măng, gạch, sỏi,… cũng tăng cao tuy nhiên từ giữa năm 2012 giá những mặt hàng này bắt đầu giảm và đi ngang. Theo hãng tư vấn quản lý dự án bất động sản và xây dựng Turner & Townsend, chi phí xây dựng tại hầu hết các thị trường tăng nhẹ ở mức 2-5% trong năm 2014.
Chi phí xây dựng tại Việt Nam cũng trong xu thế chung của thế giới. Theo VPBS, chi phí xây dựng tại Việt Nam giai đoạn 2008-2013 tăng bình quân 5% mỗi năm và duy trì đà tăng này trong những năm tới. Trích nguồn thống kê của Davis Langdon & Seah, chi phí xây dựng bình quân phân khúc nhà ở (căn hộ trung cấp) tăng từ 625 USD/m2 lên 640 USD/m2.
Theo số liệu của sở xây dựng Hà Nội, chi phí xây dựng những năm gần đây biến động mạnh nhất vào 2 năm 2011 và 2012. Tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm của mặt hàng thép xây dựng đạt mức 3%, cát là 6%, đá xây dựng là 10% và xi măng là 6%.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực, chi phí xây dựng tại Việt Nam ở mức khá thấp. Cùng 1m2 xây dựng văn phòng trung cấp tại Việt Nam, chủ đầu tư cần bỏ ra 750 USD trong khi tại Thái Lan là 742 USD, Trung Quốc là 1.143 USD hay Philippines là 865 USD.
Chi phí lao động tăng 10% mỗi năm
Theo Turner & Townsend, chi phí lao động trong ngành xây dựng tại các nước phát triển hầu như ít thay đổi kể từ khủng hoảng 2008 tuy nhiên tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam sẽ có mức tăng cao hơn do mặt bằng thấp hơn đồng thời mức lạm phát tại đây cũng cao hơn.
Từ năm 2009, tiền công trung bình hàng ngày đối với nhân công xây dựng khu vực tư nhân tăng 10% mỗi năm. Trong 6 nhóm thợ ngành xây dựng, thợ máy xây dựng và thợ điện nước có mức chi phí cao nhất và tăng nhanh nhất trong giai đoạn từ 2009-2013.
Biên lợi nhuận giảm, muốn kiếm lời cần có lợi thế quy mô
Nếu như năm 2011, biên lợi nhuận lĩnh vực xây dựng văn phòng tại Việt Nam đạt 10%, đứng thứ 3 chỉ sau Nga, Đức thì năm 2012 giảm mạnh chỉ còn 5% và năm 2013 duy trì tiếp tục 5%. Với mức độ biên thấp, chi phí xây dựng có xu hướng duy trì mức tăng như cũ, có thể thấy việc các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nên thận trọng khi tham gia thị trường xây dựng văn phòng trong thời gian tới bởi họ không có lợi thế về quy mô để mở rộng lợi nhuận.
Kim Thủy