MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Nhiều dự án bị tố ăn gian diện tích căn hộ

Nhiều hộ dân mua nhà tại khu căn hộ Keangnam hốt hoảng vì sau khi mua nhà đột nhiên phát hiện căn hộ của mình thiếu hàng chục m2 so với cách tính chuẩn của Bộ Xây dựng.

Tại dự án Đại Thanh, người dân cũng tá hỏa về chuyện thiếu diện tích căn hộ.

Căn hộ “bốc hơi” diện tích

Đưa chúng tôi đi thực tế tại khu căn hộ Keangnam, bà Bùi Thị Bảo Quyên một trong 7 khách hàng mua nhà của Cty TNHH Keangnam Vina tiến hành khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án cho biết, bản thân bà và rất nhiều hộ dân tại đây rất bức xúc bởi cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư.

Kết quả giám định diện tích sử dụng của cơ quan chức năng đã xác định, căn hộ B606 có diện tích thuộc sở hữu chung theo quy định lên tới 20,99m2 (gồm diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, tường chung) và diện tích thuộc sở hữu riêng theo quy định tại Luật Nhà ở là 176,66 m2. Trong khi đó diện tích mà bà Quyên phải trả tiền mua theo hợp đồng là 206,95 m2, dẫn tới thiếu 30,21m2 so với hợp đồng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quy định về cách tính diện tích căn hộ, mẫu hợp đồng mua bán đã được các cơ quan của Chính phủ ban hành rất cụ thể, chặt chẽ. Nếu chủ đầu tư các dự án nhà ở không tuân thủ theo quy định này, người dân cần đấu tranh để buộc chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng pháp luật.

Kết quả đo tại căn hộ A610 xác định diện tích còn thiếu so với hợp đồng là 14,74m2; căn B3306 thiếu 27,48 m2. Tại các căn hộ A1101, A710, B3504, B4511...đều xảy ra tình trạng tương tự. Đáng chú ý, do mua 3 căn hộ liền nhau (B3305, B3306, B3307) nên ngoài việc phải bỏ tiền mua cả hộp kỹ thuật diện tích lớn, bà Đoàn Ngọc Thu đã phải mua 2 lần chính bức tường ngăn giữa các căn hộ.

Phần hộp kỹ thuật ở giữa hai căn hộ B3306 và B3307 nhô hẳn ra hành lang được cơ quan giám định xác định là “nằm ngoài căn hộ”...Đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho khách hàng với số tiền lớn, chủ đầu tư đã đề nghị TAND huyện Từ Liêm thực hiện việc trưng cầu giám định lại. Tuy nhiên, đề nghị này của Cty Keangnam Vina đã bị TAND huyện Từ Liêm khẳng định là không có cơ sở.

Cuối tuần qua hàng chục hộ dân mua nhà tại dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) đã tập trung trước trụ sở doanh nghiệp này để phản đối sau khi phát hiện căn hộ của mình bị thiếu hụt diện tích so với diện tích ghi trong hợp đồng.

Nhiều nội dung mù mờ trong hợp đồng

Để xảy ra tình trạng trên, theo bà Lê Xuân Hoa, một trong các chủ căn hộ khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa, đó là vì chủ đầu tư đã sử dụng bản hợp đồng mua bán nhà khá lắt léo, không đúng với hợp đồng mẫu mà Bộ Xây dựng đã ban hành.

Cụ thể, chủ đầu tư đã cắt bớt hoặc ghi khá chung chung những nội dung hết sức quan trọng về sở hữu chung, riêng, không công khai “các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản”.

Cũng theo bà Hoa, khi mua khách hàng không hề được tiếp cận với hồ sơ pháp lý, hồ sơ quy hoạch, bản vẽ mặt bằng của cả tầng có căn hộ. Khách hàng chỉ đến xem căn hộ mẫu, mà căn hộ mẫu thì không hề có cột, có hộp kỹ thuật.

Như bản vẽ căn hộ Keangnam cung cấp cho khách hàng trong hợp đồng là bản vẽ nhỏ bằng nửa bàn tay, thiếu ghi chú kích thước, tỷ lệ của cột, hộp kỹ thuật.

Đối với những hợp đồng bán căn hộ ký từ năm 2008 cho đến tháng 3/2009, chủ đầu tư đã tính diện tích căn hộ để bán cho khách hàng theo phương pháp đo phủ bì.

Với phương pháp phủ bì này, cứ một bức tường phân chia giữa 2 căn hộ liền kề thì chủ đầu tư đã tính tiền 2 lần cho 2 căn hộ cạnh nhau. Đối với căn hộ 05, 06 và 07, Keangnam còn tính cả diện tích của những hộp kỹ thuật (cũng là những phần thuộc sở hữu chung) nằm ngoài cửa căn hộ 06, vào diện tích căn hộ 06.

Về phần mình, chủ đầu tư khẳng định là đã bán căn hộ qua sàn bất động sản Savills, đã công bố thông tin trên báo. Sau khi TAND Từ Liêm không chấp nhận khiếu nại kết quả giám định, Keangnam đã có văn bản kiến nghị tới TAND TP Hà Nội và đề nghị trưng cầu đơn vị giám định khác để tiến hành đo đạc lại.

Đại diện chủ đầu tư khu căn hộ Đại Thanh cho rằng đây là diện tích tạm tính và sẽ được xác định lại khi cấp sổ hồng. Với các hợp đồng không thống nhất cách tính do sai sót của nhân viên soạn văn bản và đã được sửa lại bằng phụ lục hợp đồng.

Theo Nhóm PV thời sự

ngatt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên