MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Chết vì tin đồn

Giao dịch cũng như ra trận, phải có phương châm chỉ đạo rõ ràng, xác định đánh nhanh thắng nhanh hay đánh chắc tiến chắc, đánh du kích hay tập trung lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp.

Nhiều người đầu tư bằng đôi tai, cặp mắt chứ không bằng bộ não. Đứng trước hàng khối thông tin, bộ não đã bị những gì mắt thấy, tai nghe làm mờ đi lý trí. Nhà đầu tư Nguyễn Đức Lợi cũng vậy.

Kính mời quý độc giả đọc bài chia sẻ Chết vì tin đồn và đừng quên gửi bài viết của mình đến chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Khi đọc chủ đề cuộc thi, tôi buồn vui lẫn lộn. Vui vì đây là 1 cuộc thi rất hay và bổ ích, tôi thường theo dõi các cuộc thi như thế này và tranh thủ đọc ngay các bài mới được đăng lên, vừa để học hỏi kinh nghiệm từ sai lầm của các nhà đầu tư, vừa để có cái nhìn khách quan hơn, tiếp thu được những kiến thức mà mọi người chia sẻ.

Nhưng ngược lại, bạn đi làm bài thi về "mất tiền" mà lại là chính bản thân. Ôi nghĩ lại những lần thất bại thảm hại của mình thì cảm giác đau đớn, tiếc nuối, tự trách bản thân, nhưng đây là 1 dịp tốt để cùng chia sẻ câu chuyện đầu tư mất tiền của mình.

Khác với các bạn đã chia sẻ các kiến thức kinh nghiệm liên quan đến kĩ thuật, cơ bản, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về bản lĩnh tâm lí, và sai lầm khi chỉ biết nghe người khác và tin đồn để đầu tư (1 dạng thất bại phổ biến).

Đó là 1 cú sốc, khi đã bay hơi gần 40% tài sản có được vì đầu tư cổ phiếu BSR.

Tôi là 1 quân nhân, nghĩ tới quân nhân là nghĩ tới kỉ luật, sự chín chắn và chắc chắn, quyết đoán. Những yếu tố cần thiết để ra quyết định đặt lệnh khi chơi trò chơi mua-bán trên thị trường chứng khoán này.

Đối với một công chức nhà nước, hàng tháng, tiền lương đều đặn, đủ để trang trải các loại chi phí cơ bản và vẫn có 1 khoản tiết kiệm nho nhỏ. Mới đầu tôi đọc được định luật 72, nếu tính gửi ngân hàng với lãi suất 6,7%/năm thì cần tới hơn 10 năm tài khoản mới nhân đôi. Trong khi bao nhiêu dự định ấp ủ, nhưng kết luận vẫn phải có tiềm lực tài chính thì mới thực hiện được. Thế là tôi đọc các cuốn sách về làm giàu, và tâm đắc nhất là phần "kim tứ đồ" của cuốn "cha giàu, cha nghèo". Vì vậy quyết tâm theo con đường đầu tư, bắt tiền đẻ ra tiền, dùng những khoản tiết kiệm của mình để quyết định mua những cổ phiếu đầu tiên trong thương vụ của mình.

Trước khi bắt đầu mua cổ phiếu thực, tôi đã tập chơi chứng khoán ảo, tập tìm các mã cổ phiếu các công ty dạng "hot" lúc bấy giờ, lên mạng rồi hỏi anh em trên diễn đàn cách đặt lệnh mua, bán...rồi bắt đầu tập tọe mua đi bán lại rất nhiều cổ phiếu trong 1 thời gian ngắn. Thấy lãi, thế rồi tôi dùng toàn bộ tài sản ảo của phần mềm để mua các cổ phiếu như VCB, FPT, VNM, PVS...cứ mỗi lần lên diễn đàn để "nghe ngóng" các "chiên gia" nhận định, đánh giá và có những câu khuyến nghị chắc nịch thế là tin tưởng và làm theo luôn (chuyên gia cơ mà). Và cứ mỗi lần biết thêm về 1 mã cổ phiếu theo kiểu "tiềm năng và sắp có tin gì ấy" là về cũng mầy mò đọc báo cáo tài chính công ty, cho dù bản thân vẫn chưa biết gì nhiều.

Cái thời đó, chỉ qua nghe ngóng và suy nghĩ như kể trên tôi bắt đầu mua và nắm giữ một số cổ phiếu triển vọng, đầu ngành và cứ để đó không theo dõi, thi thoảng mới vào thấy tài khoản lãi lên ầm ầm, hàng 20; 30%, lúc đó lại lóe lên trong đầu: "bí quyết làm giàu không khó đây rồi, phải làm "nhà đầu tư" nghe cũng oai đó".

Và tôi quyết định tranh thủ thời gian được nghỉ của tôi đi đến công ty chứng khoán để mở tài khoản. Lần đầu còn e ngại đi xem trên mạng rồi hỏi các anh chị mở tài khoản như thế nào, có khó không. Và đến khi đón nhận được sự niềm nở của các chị nhân viên công ty chứng khoán, trong người cảm giác phấn chấn vô cùng vì bắt đầu sự nghiệp đổi đời từ đây, tiền đẻ ra tiền, cấp số nhân cơ mà, mấy chốc mà mua được nhà, được xe...

Dành dụm được 2 tháng lương, tháng tiếp theo tiền vừa về tài khoản còn chưa kịp rút 1 đồng nào đã vội nạp ngay vào tài khoản, "mua nhanh kẻo lỡ tàu", những câu hô hào như vậy càng làm tôi sốt ruột, trong đầu lúc này chẳng thể nghĩ nổi các chiến thuật chơi thế nào, xử lí tình huống khi tài khoản thua lỗ ra sao, cách cơ cấu danh mục như thế nào cho hợp lí, đánh lâu dài hay theo sóng vv...mà chỉ nghĩ ngay đến những khoản tiền lời thu về trong thời gian ngắn hạn, vài ngày nữa thôi là có tiền mời bạn bè đi ăn rồi, lại còn khoe là tiền nhờ "đầu tư" nữa chứ, ôi lúc đó bạn bè thán phục ngưỡng mộ ra làm sao...

Nóng vội thì thường hỏng việc, các cố nhân xưa đã dạy không sai, và cái gì cũng có sự hi sinh tương xứng của nó. Mới đầu tôi cũng có lãi ngay sau khi đặt lệnh, còn chụp ảnh màn hình để khoe người yêu nữa chứ, được khen lại càng củng cố thêm niềm tin của tôi: mua là thắng, không cần phải quan tâm tình hình thế giới ra sao, công ty mình đầu tư như thế nào. Khi phấn khích lên đến tột cùng thì tôi đã được "chú Thị trường" dạy 1 bài học cay đắng và thấm thía khi đã mắc phải 1 sai lầm nghiêm trọng: không có lập trường, quan điểm đầu tư rõ ràng, và đầu tư theo tin đồn, truyền thông sai lệch, nghe theo người khác.

Khi tôi mua BSR, ban đầu nghĩ rằng thường cổ phiếu sau khi IPO sẽ tăng, mình tranh mua ngay mấy hôm vừa lên sàn để vài hôm nữa đủ T3 bán đi là có lời, ngoài ra nghe rất nhiều nguồn tin, các bài đánh giá về BSR như để bảo vệ và củng cố thêm niềm tin của mình. Nào là sắp bán cho nhà đầu tư chiến lược, nào là thoái vốn, chuyển sàn, công ty có cơ bản tốt ...lên F319, rồi stockbook...tìm đọc các bài có liên quan đến BSR. Đúng nó có các yếu tố cơ bản tốt thật. Nhưng giá vẫn giảm, giảm 1 mạch liền tù tì luôn. Với chủ trương, ý nghĩ đầu tư dài hạn, bình quân giá xuống, múc thật nhiều vào, càng rẻ càng múc, để sau nó bật lại thì ăn đủ. Nhưng nó vẫn tiếp tục rơi, đến khi nó rơi từ 31 về đến 24, tôi đã mua bình quân được giá 26, nhưng sau đó vẫn giảm thê thảm. Tôi vẫn chịu khó đều đặn lên các diễn đàn, các trang web để tìm các thông tin hỗ trợ, củng cố cho quyết định của mình và không cắt lỗ. Đến khi tôi đã lỗ hơn 40% rồi mới quyết định bán đi với giá 18 để vớt vát ít vốn và chịu lỗ hơn 30 triệu đồng. Vậy là mấy tháng lương chắt bóp đã tan tành, tiền mất làm ảnh hưởng đến tâm trí tôi ngay cả khi ăn cơm, đi ngủ, và bất kì khi nào tôi nhớ về nó. Một lịch sử giao dịch thất bại thảm hại, tôi xin liệt kê một số sai lầm và kinh nghiệm trong thương vụ để đời này để các bạn tham khảo:

- Đầu tiên, đó là chúng ta chưa xác định được rõ "quan điểm đầu tư" của mình là gì?

Giao dịch cũng như ra trận, phải có phương châm chỉ đạo rõ ràng, xác định đánh nhanh thắng nhanh hay đánh chắc tiến chắc, đánh du kích hay tập trung lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp. Chúng ta phải căn cứ vào tính cách, điểm mạnh, yếu, sở trường, sở đoản của mỗi chúng ta để xác định phong cách và quan điểm đầu tư cho phù hợp, đầu tư dài hạn hay đầu tư tăng trưởng hay lướt sóng... Tôi lấy ví dụ, tôi là một người thích an toàn, chắc chắn và kiên nhẫn, thì tôi sẽ đầu tư theo cổ tức, chọn các công ty có cơ bản tốt, tỉ lệ chia cổ tức cao và đều đặn, giá ít biến động, tránh bão và phòng thủ tốt như: FPT, NNC...với quan điểm: chọn mua công ty tốt với giá chấp nhận được, đặc biệt chú ý các mốc hỗ trợ cứng để mua, và chờ đợi đến khi nào đúng thời cơ mới mua chứ không vội vàng hấp tấp để ngậm trái đắng.

- Thứ hai, chúng ta chưa biết phân bổ lực lượng, và chưa có cách đánh, chiến thuật tiến công, phòng thủ hợp lí dẫn đến thương vong, tiêu hao lực lượng, mất người mất sức mà vẫn thất bại.

Để giải quyết vấn đề này, sau khi xác định được quan điểm đầu tư, các bạn cần phân bổ danh mục đầu tư sao cho hợp lí. Theo tôi mỗi danh mục phải có đầy đủ các yếu tố:

+ Cổ phiếu phòng thủ (ít biến động giá, cổ tức hấp dẫn): 1/3 tổng tài sản, mua để đó và ít giao dịch, loại này gồm 1 đến 2 cổ phiếu, tốt nhất là 1, nếu bạn nào tiềm lực tài chính mạnh mới nên có 2 để dễ bề xoay sở khi gặp biến cố.

+ Cổ phiếu tiến công (cổ phiếu sinh lời nhiều nhất): 1/3 tổng tài sản, loại này nếu mới chơi cũng chỉ có 2,3 cổ phiếu, hoặc là cổ phiếu tăng trưởng, hoặc là cổ phiếu dài hạn, có game, và pha thêm một số ít cổ phiếu lướt sóng để thỏa mãn sở thích mạo hiểm (nếu ai muốn, khoảng 5% thôi nhé)

+ Và tiền mặt (1/3), để dự bị, mua thêm giá rẻ để lướt sóng ngay cổ phiếu của mình để giảm giá vốn bình quân, hoặc tranh thủ chớp thời cơ khi có cổ phiếu tiềm năng sinh lời ngắn hạn.

- Thứ ba, phải tự vận dụng thực tiễn và phải tự tư duy trong quá trình đặt lệnh, không để các yếu tố bên ngoài chi phối.

+ Hãy tự tìm ra phương pháp đầu tư chuẩn của chính mình qua các lần giao dịch và ghi chép nhật kí cho từng ngày, chú ý ghi cả cảm giác khi đặt từng lệnh giao dịch, qua đó sẽ hình thành nên thói quen và phản xạ đối với từng trường hợp cụ thể, nhà đầu tư sẽ chủ động trong mọi tình huống.

+ Tìm kiếm thông tin trên các trang web uy tín như CAFEF, các bài viết hay trên các diễn đàn, mạng xã hội chứng khoán Stockbook, các bài dự thi về chứng khoán vv, tránh nghe lời đồn vỉa hè, hô hào không có căn cứ.

Cuối cùng tôi vẫn xin nhấn mạnh: cái gì cũng có sự hi sinh tương xứng, thời gian là vàng bạc, đừng đào bới quá khứ thua lỗ lên để gặm nhấm nỗi buồn mà hãy cầm bút ngồi phân tích đi, thành công sẽ đến với những ai có đủ nỗ lực.

Nguyễn Đức Lợi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên