[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Khi đàn kiến nó đi
Dù có tìm hiểu về thông tin nội bộ, hay nghe ngóng xem có "tay to" nào mua số lượng lớn không, thì chúng ta cũng không nên vội vã "theo đàn" để trở thành một "con kiến" đúng nghĩa.
95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thua lỗ. Mua, bán theo tâm lý đám đông thì sẽ thuộc nhóm 95% hay 5%? Câu trả lời nhà đầu tư sẽ tìm được một phần trong bài viết Khi đàn kiến nó đi của tác giả Đinh Thành Trung.
Kính mời quý độc giả đọc bài và đừng quên gửi bài dự thi của bạn đến chúng tôi qua địa chỉ email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Trong thị trường chứng khoán, tâm lý đám đông là một phạm trù thường thấy, nhưng rất khó để hiểu rõ nó. Không như những nhà đầu tư lão luyện "đi ngược lại tâm lý đám đông", các nhà đầu tư ở thị trường mới nổi như Việt Nam lại có xu hướng chạy theo đám đông, việc mà trên các diễn đàn gọi vui là "đàn kiến".
Vâng, khi đàn kiến đã đi thì chúng luôn tiến đến phía trước, nơi có mùi hương quyến rũ của thức ăn hay mật ngọt. Chúng không biết là có thể sẽ chết khi ngón tay của con người từ trên cao đè xuống, chúng chỉ làm theo bản năng của mình mà thôi. So sánh giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và đàn kiến có vẻ hơi khập khiễng vì con người thì có lý trí, có sự thông minh để suy xét, nhưng đáng tiếc họ lại để mất trí khôn khi lao theo những chuyến tàu hấp dẫn.
Tôi nhớ đến những chuyến tàu như vậy hồi năm 2011. Khi đó thị trường quá ảm đạm đến mức không ít người trở thành "nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ". Giá cổ phiếu thấp đến mức không ai muốn bán, nhưng chỉ cần một "mùi hương hấp dẫn" là đã đủ để cả "đàn kiến" lao theo mà không cần biết tốt xấu.
Theo như nguyên lý đầu tư truyền thống, tâm lý đám đông là một yếu tố quan trọng để đẩy giá cổ phiếu hay làm giá lao đốc. Ở các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu thì dù là các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có độ chuyên nghiệp nhất định. Nếu cần, họ sẵn sàng giữ một cổ phiếu vài chục năm mà không quá quan tâm đến những sóng trên thị trường, nhưng khi cần thì họ sẵn sàng đổ vốn vào một cổ phiếu mà họ biết chắc là tốt. Tất nhiên, số lượng nhà đầu tư đầu tư theo kiểu "đàn kiến" cũng có nhưng không đến mức như "những chuyến tàu" ở Việt Nam.
Một nhà đầu tư ở Canada đã nói với tôi rằng, cái nguyên lý:"đừng để bị chi phối bởi tâm lý đám đông" không phải lúc nào cũng đúng. Bởi có lúc đám đông chính là điều kiện đủ để tạo ra một con sóng nào đó. Cái quan trọng bạn cần là phải nghiên cứu kỹ xem cái công ty mình định đầu tư nó thế nào đã. Điều ông ta nói là hoàn toàn đúng, nhưng đó là ở Bắc Mỹ, còn ở Việt Nam thì điều đó chưa chắc đã đúng. Một cổ phiếu tốt hoàn toàn có thể bị giảm dài ngày, còn cổ phiếu "vớ vẩn" lại tăng như vũ bão nhờ mấy cái tin đồn cũng "vớ vẩn" nốt.
Đó chính là một trong những bài học cay đắng của tôi. Gia nhập vào "đàn kiến" rồi cứ lao theo mùi "thức ăn" để rồi khi chạm đến mới nhận ra đó là mớ thức ăn "ôi thiu", rồi mất cả chì lẫn chài. Đó là một ngày mùa đông lạnh buốt, công ty chứng khoán chỉ lác đác vài bóng người bởi các nhà đâu tư đang ẩn mình trong những căn phòng hay quán cafe ấm cúng. Thị trường đang trong đợt hồi phục nhẹ sau những ngày giảm điểm liên tục. Một vài cổ phiếu tăng nhẹ, và rõ ràng điều đó chưa đủ để những nhà đầu tư "thận trọng" bỏ tiền vào đâu đó. Lúc đó tôi đang có vốn khi vừa "chạy" được một mớ penny lao dốc, tất nhiên là bán lỗ. Tâm trạng của tôi khi đó nói chung là buồn bã, nghĩ rằng không biết bao giờ mới có một cổ phiếu ngon để gỡ gạc lại số vốn đã mất khi theo mấy chuyến "tàu nhanh" vài tuần trước.
Bỗng nhiên có một cổ phiếu "nhơ nhỡ" có lệnh đổ vào mua ào ạt. Trên các diễn đàn tuyệt nhiên không có một thông tin nào về chuyến tàu này, nhưng trên sàn bỗng xôn xao hẳn lên vì thông tin một "tay chơi" vừa mua một số lượng lớn cổ phiếu đó. Nói về thành tích tay này thì ở sàn đó hầu như ai cũng biết, một "big boy" đánh đâu thắng đó. Đến mức một số người ganh ghét "chém" : tôi mà nhiều tiền như lão thì đánh đâu cũng thắng đó thôi.
Tóm lại ông đó là "thánh", và một khi "thánh" đã mua thì kiểu gì cũng có vài anh em lao theo, tạo thành một "đàn kiến" lên đến hơn chục con. Người ít thì 500, 1000, người nhiều cũng trên chục ngàn. Tất cả đều rực lên hy vọng sẽ thắng lớn trận này, gỡ gạc lại đôi chút vì trước đó đã lỗ kha khá.
Hai hôm sau, cổ phiếu đó y nguyên một kịch bản: cứ chầm chậm tăng rồi tím ngắt. Cả "đàn kiến" lại nhao nhao: "đúng kiểu tăng bền vững đây, kiểu này lãi to". Ngày thứ ba, thông tin "kiến đầu đàn" rủ cả "phi đội" cùng đổ vốn vào cổ phiếu này khiến cho cả đàn kiến càng hăng máu đổ thêm tiền lao theo. Có ông bán hết các cổ phiếu khác, kể cả bán lỗ để gia nhập vào đàn kiến tìm kiếm thức ăn ngon. Cuối phiên, cổ phiếu đột nhiên giảm giá nhẹ làm cả "đàn" lo lắng, nhưng không ai có ý định bán số cổ phiếu vì vẫn có lãi chút đỉnh. Rồi đến ngày thứ tư, chẳng ai bán được nữa vì giá đã sập sàn. Mọi người nhao nhao đi dò hỏi thông tin của "kiến đầu đàn" thì ngã ngửa vì "thánh" đã bán từ lúc nào rồi. Tất nhiên không thể đổ lỗi được cho "kiến đầu đàn" vì quyết định mua bán là của mỗi người, và "kiến đầu đàn" không hề "phím" hay bắt buộc ai phải mua theo mình.
Đó là một trong những lần mất tiền cay đắng nhất của tôi, cũng như những người trong "đàn kiến" đó. Dù có tìm hiểu về thông tin nội bộ, hay nghe ngóng xem có "tay to" nào mua số lượng lớn không, thì chúng ta cũng không nên vội vã "theo đàn" để trở thành một "con kiến" đúng nghĩa. Tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và đặt niềm tin đúng chỗ sẽ là chìa khóa cho thành công lâu dài.
Trí Thức Trẻ