[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Mất đơn, mất kép
Không bao giờ mua khi cảm thấy quá dễ mua và không bán nếu cảm thấy quá dễ bán.
- 05-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Ngay cả khi bạn đúng bạn vẫn có thể mất tiền
- 04-01-2019[TÔI MẤT TIỀN] Mất tiền vì quá tin vào bluechips
- 03-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN]: Chỉ tham thôi đừng tham quá
Đến với thị trường chứng khoán từ những ngày đầu, nhà đầu tư Đinh Thành Trung cũng có nhiều kỷ niệm mất tiền nhất. Một lần, nhìn cổ phiếu VNM "mà thèm", nhà đầu tư Trung đã bắt dao rơi và...dao đâm trúng túi tiền.
Kính mời quý nhà đầu tư đọc bài "Mất đơn mất kép" và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Một khi đã là một nhà đầu tư chứng khoán thì ai trong chúng ta ít nhiều cũng có tính tự cao, hay còn gọi là tự tin thái quá vào bản thân. Chính những sự tự tin như vậy dễ biến thành bảo thủ, ngoan cố không chịu chấp nhận thất bại để rồi lai thất lại một lần nữa. Chính sai lầm đó đã cho tôi một bài học quý giá.
Cú sốc đó là VNM. Khỏi cần nói nhiều thì ai cũng biết đây là một cổ phiếu bluechips của một công ty đầu ngành. Nổi tiếng và làm ăn tốt, đây có thể coi là nơi tránh bão an toàn, cũng như mã ưa thích của các nhà đầu tư dài hạn. Ấy vậy mà trên thị trường Việt Nam điều gì cũng có thể xảy ra. Mang tiếng là cổ phiếu phòng thủ tốt, tránh bão tốt nhưng VNM cũng không thể là một cổ phiếu bơi ngược dòng trước con sông chảy xiết. Vấn đề ở chỗ tôi mua sai thời điểm và đánh giá sai.
Hồi đó, VNM, vốn bình thường đã tốt, lại luôn được giới đầu cơ đồn thổi tin nọ, tin kia. Dù giá đã khá cao nhưng thành khoản vẫn dồi dào, là cổ phiếu lý tưởng để "ôm". Dù nhìn đã rất "thèm" nhưng do sợ nên tôi vẫn chưa dám mua ngay mà chờ xem có binh tình gì không. Y như rằng VNM giảm giá liên tục. Giảm đến một mức, rộ lên tin sẽ có sóng ở VNM, rằng "đã giảm thế này rồi sao giảm tiếp nữa", rồi "cổ phiếu tốt mà giảm ghê quá rồi cũng phải lên chứ", và "Cứ mua đi, trường hợp xấu nhất thì ta ôm dài, cổ phiếu tốt thì việc quái gì phải sợ". Đó là những tác động khiến tôi u mê, dốc vốn mua cổ phiếu này.
Nhưng hỡi ôi, đây là thị trường chứng khoán chứ không phải cái chợ, cổ phiếu không phải là mớ rau hay con cá để người dân dễ dàng đánh giá về giá trị. Nếu ở chợ, giá thịt, cá quá rẻ thì sẽ nhiều người mua hơn và giá lại tăng, nhưng ở thị trường chứng khoán thì dù giá có rẻ hơn giá trị thật cũng có thể giảm tiếp. Tôi đã làm một việc nguy hiểm là bắt dao rơi, khi con dao đó rất nặng.
Rồi việc gì phải đến cũng đã đến, tôi lỗ nặng vì dám đánh giá phiến diện và nghe theo những lời dụ dỗ. "Mật ngọt chết ruổi", ông bà ta nói không sai, dù đây không phải là bẫy nào mà chỉ là quyết định của mỗi người có lao vào bẫy hay không. Đáng tiếc, tôi đã không thể tránh khỏi bị thương bởi con dao rơi quá nhanh, đáng lẽ tôi phải đợi dao cắm xuống đất đã.
Sai lầm nối tiếp sai lầm khi tôi quyết định bán cắt lỗ, rồi sau đó cổ phiếu VNM đã tăng mạnh. Tôi đã ăn phải quả đắng khi quyết định trong trạng thái hoảng loạn, rồi bán đúng đáy. Vâng, mua đúng đỉnh rồi bán đúng đáy, không còn gì có thể tệ hơn, khi VNM là một cổ phiếu có chu trình tăng khá bền vững, và tôi lại "hứng trọn" sóng giảm nhỏ của cổ phiếu đó. Sau này khi nhìn lại đồ thị của VNM từ đầu đến giờ thì tôi lại tiếc vì dù lỗ cũng cứ giữ thì vài năm sau vẫn có lãi. Đó là sai lầm dẫn đến mất tiền một cách đau đớn nhất. Hình thái khác nhau nhưng cái cách tôi mất tiền ở hai lần quyết định sai là hoàn toàn giống nhau: đánh giá sai tình hình thị trường và nghe lời dụ dỗ đường mật. Cuối cùng, mất đơn trở thành mất kép.
Sai lầm đó vẫn còn lặp lại, mất tiền vẫn chưa kết thúc. Tôi quay sang penny và nhận ra rằng việc mua nhầm, bán hớ còn diễn ra dễ dàng hơn so với bluechips. Mua thì rất dễ, bán thì rất khó, và mua được dễ nhất khi cổ phiếu đang ở đỉnh và bán được dễ nhất khi cổ phiếu ở đáy. Bài học đó đã hằn sâu vào trong não bộ của nhiều người, và bây giờ đến tôi cũng đã phải học bài học cay đắng đó.
Tôi rút ra các nguyên tắc để không phải "mất đơn, mất kép" như sau:
- Không bao giờ mua khi cảm thấy quá dễ mua và không bán nếu cảm thấy quá dễ bán.
- Phân tích lại cổ phiếu và công ty nếu đột nhiên có quá nhiều tin đồn hay lời dụ dỗ
- Không margin với những cổ phiếu trên.
- Sai lầm của quá khứ là bài học, nhưng nó có thể không đúng với hiện tại.
Lần mất tiền đó quả thật là điên tiết. Dù chọn lối chơi an toàn nhất, hiệu quả nhất có thể nhưng tôi lại coi nhẹ phần quan trọng nhất, đó là suy xét kỹ càng trước khi lao theo thông tin nào đó. Một công ty tốt, phòng thủ tốt cũng vẫn có thể rơi với vận tốc cao, làm chúng ta mất đơn, thiệt kép nếu cứ hoảng loạn.
Trí Thức Trẻ