MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Thắng 99 trận vẫn có thể thua ở trận thứ 100

Nếu không "máu dồn lên não", chắc chẳng ai trong chúng ta thua lỗ. Vậy tại sao trên thị trường 90% người thua lỗ còn chỉ có 10% giành thắng lợi? Đó là vì con người có cảm xúc, và thứ cảm xúc đó một khi bị dồn nén quá mức thì chúng ta sẽ khó có thể giữ.

Đừng bao giờ tất tay, dù có tự tin mình luôn thắng! là bài học nhà đầu tư Đinh Thành Trung học được khi rơi từ đỉnh cao chiến thắng đến thua lỗ thảm thương.

Kính mời quý độc giả đọc bài Thắng 99 trận vẫn có thể thua ở trận thứ 100 và đừng quên chia sẻ câu chuyện mất tiền của mình qua emailhuongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn. Cuộc thi sẽ dừng nhận bài vào 31/1/2019.

***

Trong đầu tư chứng khoán, có một câu nói cứ đeo bám lấy tôi từ thuở mới bắt đầu. Đó là "Dù anh thắng 99 trận vẫn có thể thua ở trận thứ 100, và tổng kết lại là anh thua".

Đó là quãng thời gian tôi mất hết tất cả, không còn xu dính túi, thậm chí vay nợ. Điều đó cũng giống như anh chơi poker: có thể thắng đến cả triệu đô la, rồi chỉ cần máu lên đặt tất tay 1 ván cũng thua hết thành quả bao nhiêu năm. Nguyên tắc "liều ăn nhiều" chắc chắn là không đúng nếu áp dụng vào đầu tư chứng khoán.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều người thua lỗ như vậy. Điển hình là một nhà đầu tư trẻ tôi đã gặp 5 năm trước. Cậu là một người có khá nhiều vốn, do mới bán được mấy mảnh đất. Cậu chịu khó học hỏi kiến thức, lại đầu tư theo phong cách thận trọng và chắc chắn nên có lãi đều. Số lần đầu tư sai của cậu rất ít, và chủ yếu là có lãi. Được một thời gian, cậu khoe rằng vốn đã lên gần gấp đôi. Vậy mà chỉ một lần quyết định dùng đòn bẩy, cậu đã mất gần hết những gì tích lũy cả năm.

Vậy đó, nếu không "máu dồn lên não", chắc chẳng ai trong chúng ta thua lỗ. Vậy tại sao trên thị trường 90% người thua lỗ còn chỉ có 10% giành thắng lợi? Đó là vì con người có cảm xúc, và thứ cảm xúc đó một khi bị dồn nén quá mức thì chúng ta sẽ khó có thể kìm nén. Vô số nhà đầu tư lão luyện, rất nhiều trader dày dạn kinh nghiệm, đánh đâu thắng đó mà cũng có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng. Đến các nhà đầu tư huyền thoại như Buffett hay Soros cũng có lúc mắc sai lầm. Nhưng sai lầm của cao thủ khác với sai lầm của người bình thường. Những cao thủ cũng không bao giờ tất tay và họ luôn chừa lại đường lui cho chính mình.

Đáng tiếc rằng, vô số nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam không học theo phương châm đó, hoặc là bắt chước một cách nửa vời. Dù đã có vô số chiến thắng trước đó nhưng họ lại không biết cách bảo toàn thắng lợi. Điều đó biến cuộc đầu tư không khác gì một ván bạc, khi "cờ bạc ăn nhau về cuối".

Tôi có một anh bạn, nguyên tắc đầu tư của anh ấy vô cùng chắc chắn, đó là "rút gốc cái đã". Phương châm đầu tư này đã biền vốn của anh thành một pháo đài vững chắc, không bao giờ lỗ. Bỗng dưng đến một hôm không hiểu trời xui đất khiến thế nào anh lấy thêm tiền và còn dùng cả margin để dồn hết vào CII, và đã thua trắng khi cố chấp không chịu cắt lỗ.

Đến tôi, một người ưu tiên phòng thủ hơn tấn công mà vẫn phải chịu thua lỗ cay đắng khi không chịu bảo toàn vốn. Hồi mới đầu tư, tôi không dám chơi nhiều mà chỉ mỗi lần 200 đến 300 triệu một. Tôi không bao giờ muốn bỏ trứng vào cùng một giỏ, luôn có những khoản đầu tư khác như tiết kiệm, vàng, đôla. Tuy nhiên lãi từ những thứ kia không thể hấp dẫn bằng chứng khoán. Lần đầu tiên 200 triệu thành 400, tôi cất ngay 200 vốn đi và chơi tiếp. Lần thứ hai do mua được cổ phiếu tốt VIC tôi đã lãi thêm hơn trăm triệu, và vẫn duy trì cách bảo toàn vốn của mình. Tôi đã mơ về giấc mơ giàu nhanh, có vị thế cao hơn, nhưng đón chờ tôi không toàn màu hồng.

Một đàn anh đã từng có lời khuyên tôi rất đúng "máu thôi đừng máu quá". Và máu đến mức lãi liên tục hơn chục phi vụ mà dốc tất tay cả tỉ vào 1 ván thua duy nhất thì tổng kết lại tôi vẫn thua. Lúc đó, tôi đã nghiên cứu kỹ về PPC và nhận thấy rằng đây là một cổ phiếu đặc biệt. Lượng cổ phiếu giao dịch tương đối lớn, công ty tuy trong lĩnh vực cơ bản như năng lượng nhưng không vì thế mà không có sóng lớn. Với một cổ phiếu cơ bản như vậy thì giữ vẫn an toàn, tôi nghĩ vậy. Thêm nữa việc dự đoán giá đồng Yên, thứ ánh hưởng mạnh tới giá PPC cũng sẽ dễ hơn là đánh bạc ăn may vào các cổ phiếu thủy điện. Vậy là tôi đã chơi một ván bài liều tất tay vào PPC sau khi phân tích kỹ lưỡng rằng đồng Yên sẽ giảm giá, và kiểu gì thì giá PPC cũng tăng.

Tôi đã sai lầm nghiêm trọng. Tin tốt về một yếu tố không khiến giá cổ phiếu tăng, và thị trường chung lúc đó lại đón nhận hàng loạt tin xấu. Sức bán ồ ạt khiến tin tốt không thể kéo PPC đi lên. Thiên hạ bán tháo cổ phiếu này, tôi như ngồi trên đống lửa, nhưng vẫn cố chấp nghĩ rằng khi thị trường hồi thì PPC cũng đi lên theo, lại còn đang có dự doán tốt nữa. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược với suy nghĩ của tôi. Giá đồng yên có thể giảm, nhưng việc nó phản ánh ra sao vào giá cổ phiếu thì lại là chuyện khác. Có phải là các cổ phiếu có độ tương tác tốt với thông tin như các cổ phiếu trong S&P500 đâu mà đòi tăng ngay? Tôi cứ chờ đợi mãi, lúc cắt lỗ thì đã mất gần nửa số vốn.

Tôi tiếp tục làm một canh bạc nữa khi dồn hết vào một cổ phiếu gỗ, và lại tiếp tục nếm trái đắng. Chính sự nôn nóng, muốn gỡ lại những gì đã mất càng làm tôi dễ ra quyết định sai lầm hơn. Cuối cùng, tôi đã lỗ gần sạch số tiền đã dày công phòng thủ. Và kinh nghiệm cay đắng đó chính là: đừng bao giờ tất tay, dù có tự tin mình luôn thắng!

Đinh Thành Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên