[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tôi mất tiền vì chơi chứng khoán như chơi bạc
Chọn các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, dự đoán biến động giá để đầu cơ trong ngắn hạn và tác giả đã thua lỗ. Bài học rút ra là mua và nắm giữ trong dài hạn là tốt nhất.
- 03-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] "Cá virus" kiếm ăn trên thị trường chứng khoán thế nào?
- 02-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tôi đã rút ra được những bài học như thế...
- 01-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN]: “Bún chả” có ngon không?
Hơn 90% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thua lỗ- đó là một sự thật đau lòng đã được một cơ quan nào đó thống kê hồi năm 2017. Mỗi khi thua lỗ, người ta thường kiếm cho mình cả tỷ lý do để trách bản thân để mất tiền.
Nhưng những bài học thua lỗ không khiến đám đông nhà đầu tư rời bỏ thị trường bởi một lý do đơn giản: Những cơ hội làm giàu nhanh lướt qua mắt họ. Đầy lúc, nhận định đúng nhưng nỗi sợ mất tiền khiến nhà đầu tư không đặt nổi lệnh mua để rồi nhìn cổ phiếu tăng bằng lần và cơ hội làm giàu qua đi. Nhiều lần để mất cơ hội là nhiều lần những nhà đầu tư đã nếm mùi đau trên thị trường đứng dậy, đầu tư tiếp mà không bỏ cuộc.
Câu chuyện của nhà đầu tư Nguyễn Thị Hằng trong bài viết Tôi mất tiền vì chơi chứng khoán như chơi bạc cho chúng ta một lý do không rời bỏ thị trường dù MẤT TIỀN. Kính mời quý độc giả đọc bài viết và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến cho ban biên tập chúng tôi vào email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Cuối năm 2006, đầu năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, tôi bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, khi đó VN Index đang chạm ở mức đỉnh, gần 1200. Cổ phiểu đầu tiên tôi theo dõi đó là cổ phiếu của công ty khoáng sản Bình Định (BMC), tôi theo dõi từ lúc giá cổ phiếu loanh quanh 50.000 đồng cho đến lúc giá lên tới trên 800.000 đồng mà tôi không mua, làm tôi rất tiếc. Nhưng điều đó cũng góp phần nhen nhóm cho tôi đầy hi vọng về việc làm giàu nhanh trên thị trường chứng khoán.
Tôi còn nhớ thời đó các đồng nghiệp ở cùng phòng thuộc một cơ quan nhà nước rủ nhau mua bán chứng khoán và đi đấu giá cổ phiếu. Một anh du học thạc sỹ ngành tài chính nhưng luôn tỏ ra thận trọng, tuy nhiên, cuối cùng cũng bỏ số tiền lớn vào chứng khoán do chị vợ xinh đẹp của anh phàn nàn sao anh học tài chính mà không đầu tư kiếm tiền. Một anh và một chị đồng nghiệp khác vốn hiền lành, chăm chỉ với công việc, không ưa mạo hiểm rủi ro, cũng góp vốn từ số tiền tiết kiệm (tương đương 10 tháng lương) để đi đấu giá cổ phiếu ILC. Sau khi lên sàn, cổ phiếu này giảm giá mạnh và anh đó đã trách chị là "anh đã bảo rồi, từ trước tới giờ chỉ có đầu tư vàng là tốt nhất". Anh thạc sỹ tài chính thì mất khá nhiều tiền, có lúc đổ lỗi cho việc sáng sớm hôm đem tiền đi đầu tư thì gặp một bà cô xin đi nhờ xe làm anh bị xúi quẩy. Tôi thì bị mất tiền nhưng luôn nghĩ là do tôi mệnh mộc không hợp với kim nên chơi chứng khoán bị lỗ.
Suốt nhiều năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tôi không tham gia thị trường, cho đến năm 2017 khi thị trường hồi phục mạnh mẽ. Lúc này, cảm giác sợ bị mất cơ hội nên tôi đem tiền đầu tư rải rác từ ngân hàng, chứng khoán, sắt thép, cơ điện lạnh. Lãi, lỗ đan xen và cuối cùng là lỗ mất 30% số vốn bỏ ra. Tôi ngừng đầu tư vì thấy mất niềm tin vào thị trường, cảm thấy thị trường mang tính đầu cơ và giống sòng bạc. Sau đó tôi nói chuyện với người bạn cũ và chủ đề câu chuyện lúc nào cũng xoay quanh chứng khoán, điều này làm tôi lại say mê chứng khoán và tiếp tục bỏ thêm tiền vào đầu tư, kết quả là tôi bị lỗ thêm 30%.
Có hai lý do mà tôi luôn nghĩ là tôi đầu tư bị lỗ:
(1) cứ khi nào tôi mua cổ phiếu thì cổ phiếu đó giảm, và lúc bán cổ phiếu đó đi thì giá nó lại tăng, vì vậy tôi nghĩ là tôi mệnh mộc không hợp với kim nên không hợp với chứng khoán;
(2) thị trường chứng khoán Việt Nam mang tính đầu cơ và bị thao túng, giống sòng bạc. Để kiểm chứng điều này, tôi chuyển sang tham gia thị trường chứng khoán ở nước ngoài, và đó là thị trường Úc. Tôi chọn mua các cổ phiếu penny thuộc lĩnh vực khai thác, sản xuất vàng và công nghệ ứng dụng trong y tế. Chiến lược của tôi là tận dụng mua bán T+0 để mua bán trong ngày, ăn chắc mặc bền, cứ có lãi dù ít cũng kết thúc giao dịch. Trong hai tháng đầu, chiến lược này có vẻ hiệu quả và tôi rất lạc quan về thị trường Úc, cho đến một ngày…
Sáng sớm hôm đó, cổ phiếu vàng mà tôi theo dõi giảm 20% vì ban giám đốc công ty thay đổi nhân sự, nghĩ là thông tin không quá nghiêm trọng và giá có thể phục hồi nên tôi mua vào. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá tiếp tục giảm và trong ngày hôm đó cổ phiếu mất xấp xỉ 55%, giá từ 24 cent xuống còn 11 cent. Lần này tôi giữ cổ phiếu hi vọng nó sẽ tăng, nhưng một tháng sau nó vẫn loanh quanh 10-11 cent, nên tôi đã bán ra. Một cổ phiếu công nghệ y tế khác mà tôi mua vào trong bối cảnh công ty này đang ở giai đoạn đánh giá và công bố kết quả thử nghiệm sản phẩm tại Úc và Mỹ. Lúc đó, trên diễn đàn chứng khoán Hotcopper của Úc, rất nhiều ý kiến lạc quan và hi vọng về cổ phiếu này và tôi hi vọng có thể lãi gấp đôi sau khi thông tin tích cực được công bố. Sáng hôm đó thông tin tích cực được công bố, thế nhưng cổ phiếu giảm mất 50% vì kết quả thử nghiệm ở Úc thì thành công cao nhưng kết quả thử nghiệm ở Mỹ thành công ở mức khiêm tốn. Vậy là hai cổ phiếu của tôi đều giảm trên 50% trong một ngày.
Lúc này, tôi suy nghĩ và nhận thấy thị trường Úc rất nhạy bén với thông tin, cũng đầy đầu cơ và có thao túng. Có cổ phiếu nhờ có bài báo đề cập tích cực đến sản phẩm của công ty mà trong một ngày giá cổ phiếu tăng trên 200% và trong ba ngày tăng gấp ba lần so với giá trước đó. Nhưng sau khi thông tin lắng xuống thì cổ phiếu lại giảm gấp ba lần. Rất nhiều nhà đầu cơ tham gia vào thị trường, một phần vì cho phép mua bán trong ngày. Nhìn vào số dư mua bán (depth) của cổ phiếu, nhất là thời điểm thị trường đóng và mở cửa, có lúc lượng dư mua rất nhiều đẩy giá closing lên cao, nhưng ngay khi thị trường closing thì lượng dư mua đó biến mất và giá trở về mức thấp hơn. Rõ ràng là thị trường nào cũng có yếu tố đầu cơ và thao túng trong khuôn khổ. Do đó, trong hai lý do tôi đổ lỗi cho việc thua lỗ chứng khoán thì tôi thừa nhận rằng: thứ nhất là, viện dẫn lý thuyết phong thủy, mộc và kim thì chỉ là để tự an ủi bản thân, nên tôi không xem xét đến nó nữa; thứ hai là, thị trường không phải là sòng bạc mà là cách mua bán cổ phiếu của tôi giống như chơi bạc.
Tôi dành ít thời gian đến sòng bạc để xem người ta chơi bạc thế nào. Lướt qua các trò chơi trên bàn như chơi bài (blackjack), chơi quay số (roulette) hay các trò chơi trên máy (slot machine), đa số người chơi bị mất tiền. Ở trò chơi quay số, sau khi bảng số dừng quay thì toàn bộ quân đặt cược trên bàn được nhân viên thu về, có người nói "all the money gone". Xong ở vòng quay mới, một số người đó vẫn tiếp tục đặt cược. Ở trò chơi trên máy, một phụ nữ nhét tờ 100$ vào máy và trong tích tắc số dư về 0, người này lại rút trong túi tờ 100$ nữa cho vào máy và trong tích tắc, số dư lại về 0. Lúc tôi rời đi thì thấy người đó lại rút từ trong túi ra tờ 100$ nữa, và một lúc lâu sau khi tôi đi xem các bàn khác thì thấy người đó vẫn chơi với máy đó. Tôi không hiểu tại sao người chơi liên tục bỏ tiền chơi mặc dù toàn bị thua lỗ. Cũng có thể họ chơi những lần khác và thắng mà tôi không chứng kiến…
Cờ bạc là trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game), là sự minh họa bằng toán học trong đó lãi/lỗ của người này bằng với lỗ/lãi của người chơi khác. Khác với cờ bạc, chứng khoán là sở hữu tài sản trong công ty và nó cho phép người nắm giữ có quyền đối với tài sản cũng như một phần lợi nhuận mà công ty đó tạo ra. Trở lại với việc chơi chứng khoán giống chơi bạc, tôi chọn các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, dự đoán biến động giá để đầu cơ trong ngắn hạn. Theo Thuyết Bước đi Ngẫu nhiên (Random Walk Theory) của tác giả Burton Malkiel, mọi biến động về giá trong ngắn hạn đều là ngẫu nhiên, do đó không thể dự đoán. Với Malkiel, chiến lược mua và nắm giữ trong dài hạn là tốt nhất. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc đầu tư giá trị của Warren Buffet, "Don’t be a day trader".
Trí Thức Trẻ