Thích ứng với kỷ nguyên số
Các cơ quan báo chí phải thích ứng với một kỷ nguyên số với sự hiện diện ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực đời sống của trí tuệ nhân tạo.
- 25-02-2023Thủ tướng: Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, là nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số
- 11-11-2022Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền trong kỷ nguyên số
- 07-05-20223 thách thức lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt trong kỷ nguyên số
Giờ đi đâu người ta cũng nhắc tới trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Có thể thấy sự hồ hởi ở khắp nơi. Mọi người thấy thú vị khi chuyện trò với ChatGPT, với những kết quả thông minh đến bất ngờ và cả sự ngây ngô mà nó hồi đáp...
Nhìn từ "cơn sốt" ChatGPT
Trong lĩnh vực báo chí, đã có hàng loạt câu hỏi về cơ hội, thách thức và cả sự giận dữ cũng như những tác động của AI đối với hoạt động báo chí nói chung, việc làm của nhà báo nói riêng.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11-2022, hệ thống AI ChatGPT tạo ra một "cơn sốt" trên toàn cầu với hơn 100 triệu người dùng, khiến phỏng đoán lâu nay về thời điểm AI làm cho nhiều công việc của con người bị thay thế sẽ tới nhanh hơn.
ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, sinh ra bất kỳ cái gì từ các bài luận cho đến đơn xin việc, thơ và cả các câu chuyện giả tưởng. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn, được huấn luyện thông qua việc tải lên hệ thống hàng tỉ từ ngữ trong cuộc sống mỗi ngày trên mạng internet. Từ đó, nó phỏng đoán câu và từ ngữ theo các chuỗi nhất định.
Tuy nhiên, sự chính xác của các câu trả lời là điều bị đặt dấu hỏi. Các học giả ở Úc đã phát hiện những thí dụ cho thấy hệ thống này ngụy tạo nguồn tham khảo từ các website rồi trích dẫn câu nói giả mạo.
Nhưng việc AI có thể tạo ra thông tin sai lệch không phải là mối lo ngại duy nhất. Sẽ còn rất nhiều điều phải tính tới về tính pháp lý và vấn đề đạo đức, bao gồm cả quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP), việc thẩm định nội dung, kể cả nguy cơ phá vỡ những mô hình tài chính hiện tại của các tòa soạn.
Tuy rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu nhưng AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt.
Cuối tháng 2 vừa qua, trong một văn bản nội bộ, CEO của tập đoàn báo chí Đức Axel Springer là Mathias Doepfner đã thẳng thừng tuyên bố rằng các nhà báo đang có nguy cơ bị các hệ thống AI như ChatGPT thay thế. Theo ông, những công cụ AI như ChatGPT hứa hẹn "một cuộc cách mạng" về thông tin và sẽ sớm vượt con người về khả năng thu thập thông tin. Hiểu rõ về sự thay đổi này là điều tối quan trọng đối với tương lai của một cơ quan báo chí, Doepfner nói. "Chỉ những cơ quan tạo ra được nội dung gốc xuất sắc nhất mới có thể tồn tại".
Với việc ChatGPT có thể viết các bài luận, bài phát biểu, thậm chí cả các đoạn mã máy tính trong vòng vài giây, còn Midjourney và DALL-E 2 có thể tạo ra bất kỳ bức hình nào mà chúng ta có thể tưởng tượng ra, cũng dễ hiểu khi ai đó lo lắng rằng sự phát triển của AI - và việc ngày càng phụ thuộc vào nó - có thể khiến vị thế của báo chí vốn tồn tại hàng trăm năm qua trở nên lung lay.
AI giống như con dao hai lưỡi, có thể khiến các tòa soạn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm thay đổi cả mô hình kinh doanh đã tồn tại nhiều thập kỷ trong lĩnh vực quảng cáo digital.
Mối quan hệ giữa AI và báo chí đang được nhắc đến nhiều nhưng thực ra nó không phải chuyện gì mới mẻ và không phải toàn những điều tồi tệ. Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP hay tạp chí online nhỏ hơn như Worldcrunch đã sử dụng AI nhiều năm qua, sản xuất những bản tin tự động và đơn giản.
Giá trị cốt lõi của báo chí vẫn do chính con người - lực lượng nhà báo - tạo ra chứ không phải trí tuệ nhân tạo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Báo Người Lao Động ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để sản xuất podcast Ảnh: Tấn Thạnh
Chuyển đổi số: Con đường khó khăn
Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp việc nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian.
Dù vậy, ngay cả khi lượng nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên thì rõ ràng các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo. Những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả. Cho dù công việc của những nhà báo bằng xương bằng thịt chưa bị thách thức quá lớn thì các cơ quan báo chí vẫn phải thích ứng với một kỷ nguyên số với sự hiện diện ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực đời sống của AI.
Chuyển đổi số là con đường khó khăn vô cùng. Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới, phát triển ứng dụng mới nhưng những sản phẩm đó chẳng giúp ích gì nếu chúng ta không có tư duy mới, nếu không giải quyết những vấn đề văn hóa cốt lõi, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong tòa soạn thì chuyển đổi số không có tác dụng gì.
Chuyển đổi số đến từ con người chứ không phải công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí cho rằng chỉ cần mua một số máy móc, phần mềm là chúng ta chuyển đổi số xong. Đó không phải chuyển đổi số. Mua sắm thiết bị hay công nghệ không phải chuyện khó, khả năng thích nghi với tương lai digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua những thử thách.
Chuyển đổi số là tạo thêm giá trị tương tác với người dùng và khách hàng, là sự thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục viết bài như thế, chụp ảnh như thế, làm chương trình phát thanh truyền hình như thế thì không gọi là chuyển đổi số.
Chuyển đổi số phải tạo ra những sản phẩm mới, thậm chí là văn hóa mới trong tòa soạn. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy, phân cấp trong tòa soạn, mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm bên rìa mà thôi!
Ông NGUYỄN THANH LÂM, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:
Không làm mất đi bản thể
Chúng ta cùng thử suy nghĩ xem những điều này có phù hợp hay không: Liệu AI khiến chúng ta cảm thấy mình đang phí sức? Lực lượng tác nghiệp hằng ngày như thế nào để tạo ra những thứ giống giống nhau mà nếu mình không làm sẽ có người khác làm được?...
Chúng ta đang nói AI mang lại cơ hội cho báo chí. Đó là hãy dần dần gạt bỏ bớt những loại công đoạn, những loại lao động, những loại kỹ năng thuộc dạng cơ bản mà máy có thể làm như mình và tốt hơn mình. Đừng làm những việc thừa.
Trước những thay đổi của thế giới, chúng ta hay nghĩ phải học thêm, phải đào tạo, phải làm thêm việc này, việc kia; phải bỏ thêm tiền, tuyển thêm người... Rồi chúng ta ra thế giới thấy choáng ngợp trước sự vô tận của thế giới, mà quên mất thế giới bên trong của mình cũng rất vô tận. Trải nghiệm của chúng ta và cách chúng ta biến cái trải nghiệm đó thành cái của riêng mình. Các nhà báo nên kể được câu chuyện của mình. Đó là những bài báo rất có giá trị vì đó là câu chuyện đơn nhất, duy nhất, độc bản, không sao chép, không có AI nào ngụy tạo được. Đó có lẽ sẽ là xu hướng mới của báo chí. Các tòa soạn phải biết cái gì là giá trị cốt lõi của báo chí. Công nghệ chỉ là công cụ mà thôi.
Chúng ta hay nói về công nghệ nhưng chúng ta không làm ra công nghệ mà chỉ ứng dụng nói vào thực tiễn sản xuất báo chí. Vậy thì ứng dụng nó sao cho hiệu quả. Hãy làm những gì tốt nhất, gạt bỏ những thứ thừa thãi, không cần thiết, không tạo ra giá trị.
Công nghệ trao cho cơ quan báo chí quyền được lựa chọn nhưng đòi hỏi khả năng ứng dụng như thế nào cho hiệu quả, đặc biệt là những người ra quyết định và những người tác nghiệp - phải biết mình cần gì. Nhà báo phải có một phông nền kiến thức cũng như hệ giá trị bản thân tương đối vững vàng, để từ đó đưa ra quyết định tốt nhất cho mình và cho cả tương lai của cơ quan báo chí.
Ông LÂM ĐÌNH THẮNG, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM:
Phải tăng tốc chuyển đổi số
Hiện nay, đã có một số cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ AI nhằm giúp tăng lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng "Thư tòa soạn" (Newsletter) hay "Tin tuyển chọn từ ban biên tập" (Editors’ Picks). Một số cơ quan báo chí TP HCM không chỉ khai thác tốt dữ liệu người dùng mà còn chắt lọc tư liệu để cho ra đời những đề tài mới, không trùng lặp.
Xét theo chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", các cơ quan báo chí của TP HCM đã và đang đi đúng hướng. Chúng ta vừa ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ, vừa dịch chuyển theo hướng tạo ra những sản phẩm báo chí đa nền tảng, giàu bản sắc của một thành phố năng động và có nhiều đề tài gắn liền cuộc sống.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng thấy những băn khoăn: Liệu rằng trí AI có làm thui chột khả năng sáng tác của nhà báo? Đội ngũ nhà báo có phải bị tinh giản khi AI có thể thay thế rất nhanh nhiều phần việc mang tính nặng nhọc của nghề báo hay không?
Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc trong việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới để đi đến mô hình hoạt động tối ưu, hiệu quả hơn. Các cơ quan báo chí cần xác định hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, có những vấn đề mang tính cốt lõi, phải được giữ gìn, như tôn chỉ, mục đích, bản sắc và thái độ làm nghề chân chính của từng cơ quan báo chí, từng nhà báo.
Bên cạnh đó là vấn đề đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực. Để nắm bắt và sử dụng công nghệ hiệu quả, chúng ta cần làm mới về mặt nhận thức, kỹ năng, cũng như khả năng làm việc với dữ liệu và các ứng dụng công nghệ thông tin. Việc này cần thời gian trong khi nghề báo đang đòi hỏi sự thay đổi rất nhanh chóng. Các cơ quan báo chí cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, làm sao để chúng ta luôn có lực lượng những người làm báo tiên phong, sáng tạo, đổi mới.
V.Duẩn - P.Anh ghi
Người lao động