Bốn giờ đàm đạo với “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ
Hiện nay có những bạn cái gì cũng tin trong khi có những bạn khác cái gì cũng không tin...
- 01-03-2013Tổng giám đốc Thái Hà Books hát rong
- 20-01-2013Vì sao CEO Thái Hà Books chân đất đi ăn xin?
Nhiều bạn trẻ tưởng mình biết về đạo Phật mà thực ra không phải vậy, nhiều người tự nhận mình là phật tử mà hiểu sai gần hết những lời dạy của đức Phật.
Tôi bay từ Hà Nội vào Tp.HCM tham gia tổ chức Tết Sách lần thứ 6, năm 2013. Sáng sớm Vũ và tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại. Vũ mời tôi qua 82 Bùi Thị Xuân, Quận 1 uống cà phê. Thế là tôi phi xe đến, quên cả ăn sáng.
Tôi chơi với Đặng Lê Nguyên Vũ từ lâu và chúng tôi luôn là những người bạn tốt của nhau, luôn lắng nghe, sẻ chia và đồng cảm. Dù ít gặp nhưng chúng tôi luôn hướng về nhau với những tình cảm chân thành và thẳng thắn nhất.
Từ trước đến nay tôi luôn nhìn Vũ như “vua cà phê”, người có công đưa cà phê Việt Nam lên tầm mới, người mang cà phê Việt Nam ra với thế giới, người mơ ước xuất khẩu được 20 tỷ đô la/năm cà phê ra nước ngoài. Nhiều học trò bảo tôi “Anh Đặng Lê Nguyên Vũ bạn thầy là người bán cà phê giỏi”. Tôi gật đầu và không nói gì thêm, bởi bạn này chưa biết nhiều về Vũ.
Sáng nay, chúng tôi nói nhiều về tâm và tinh thần Việt, về giáo lý nhà Phật với những gì chúng tôi đang hiểu. Vũ chưa nhận mình là phật tử nhưng những gì anh nói, hình như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của anh. Tôi mỉm cười từ đầu đến cuối buổi gặp khi nhìn cái đầu “trọc lốc” của anh – ít nhất phần này là giống người tu sĩ….
Tôi ngồi say sưa nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói về 2 chữ từ bi và trí tuệ. Không kinh sách mà rất đời thường. Vũ nói rằng, nếu áp dụng vào đời sống thì từ bi chính là yêu thương, là hài hòa. Mình cần biết hài hòa với nhau, với vũ trụ. Mình cần sống thuận theo quy luật của tự nhiên: thuận duyên, tùy pháp. Rằng trí tuệ trong kinh doanh và quản trị chính là sáng tạo và trách nhiệm. Vũ nói và khẳng định nhiều lần về việc sáng tạo thích nghi – thứ rất cần đối với các nhà lãnh đạo thế kỷ XXI này.
Đặng Lê Nguyên Vũ nói về chữ đạo, rằng đạo là đường. Muốn kiến tạo phải có đường. Tôi thích thú khi nghe Vũ phân tích về chuyện không làm mà làm, rằng mỗi chúng ta cần biết rất rõ mình đi đâu, về đâu. Nếu chúng ta thấy rõ con đường, biết rõ hướng đi thì chuyện đến đích là dĩ nhiên. Sợ nhất là lạc đường!
Tôi lặng người khi nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nhận xét rằng rất nhiều người đã hiểu sai đạo Phật, biến đạo Phật thành mê tín, dị đoan. Rằng hiện nay có những bạn cái gì cũng tin trong khi có những bạn khác cái gì cũng không tin. Nhiều bạn trẻ tưởng mình biết về đạo Phật mà thực ra không phải vậy, nhiều người tự nhận mình là phật tử mà hiểu sai gần hết những lời dạy của đức Phật.
Tôi bất ngờ bởi không thể tin một doanh nhân thành đạt, ngày đêm bận bịu túi bụi đến mức hình như… quên cả thở… mà biết sâu về Phật pháp đến thế. Thật lạ!
Tôi nghe Vũ phân tích về những loại giáo dục như: Nhà trường, xã hội, gia đình, tâm linh. Anh cũng nói rằng có thêm loại giáo dục nữa là tự uống cà phê để thức tỉnh, để luôn tỉnh, để không ngủ và không mê và si mê. Đúng là giáo dục về tâm linh chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ chưa hiểu mình là ai, chưa biết dựa vào đâu, chưa biết đến sứ mệnh của chính mình. Và trong xã hội hiện nay, thà ít người mà sáng, mà tỉnh thức, mà rõ đường để dẫn đường còn hơn là quá đông và hiểu sai, dẫn đường sai.
Chúng tôi trao đổi về việc khai sáng nhân văn, về việc tìm lại chính mình, về cách quay về nguồn cội, về hài hòa thân thế, về vững bền nhân sinh, về sáng tạo tường minh, về tâm thức thời đại. Mỗi vấn đề đưa ra bàn là có bao nhiêu ý, bao nhiêu tứ và biết bao câu chuyện với các ví dụ thực tế của mỗi chúng tôi mang ra kể kèm.
Sáng nay, tôi định đến thăm Vũ quãng 1 tiếng nhưng khi nhìn đồng hồ đã hơn 12h. Tôi giật mình vì mình còn một cuộc hẹn khác với một bữa ăn trưa! Bốn tiếng đồng hồ ngồi bàn về đạo và đời thật thú vị, khó mà viết ra được. Câu chuyện về Tết Sách và văn hóa đọc cũng như cà phê luôn song hành. Tôi thì nhớ đến khó quên 1 trong 4 loại sách mà Vũ phân nhóm là sách nhân bản, tâm hồn, đạo làm người. Mà đúng thật, nếu không có loại sách này thì cuộc đời sẽ đi về đâu.
Tôi gõ những dòng này và nhớ về một câu trong bài hịch đã được đọc trong lễ khai mạc Tết Sách tai Văn Miếu Quốc Tử Giám sáng 20/04 vừa qua “Người không đọc sách, người mê. Dân không đọc sách, dân si mất rồi”.
Quả thật rằng kinh sách quá quan trọng với mỗi người dân chúng ta chứ không chỉ là phật tử.
Theo Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng