Thiếu nữ 19 tuổi suýt chết vì chế độ ăn uống sai lầm mà nhiều người trẻ mắc phải: Bác sĩ cảnh báo "Nếu còn ăn uống thế này thì nhập viện dài dài, còn ảnh hưởng đến tính mạng"
Mới đây, ở Giang Tô (Trung Quốc), một cô gái 19 tuổi đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân chẳng phải ở đâu xa mà xuất phát từ chế độ ăn này!
Chế độ ăn uống dinh dưỡng là phần quan trọng để đảm bảo cho sức khỏe của trẻ. Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ hiện đại do quá bận rộn với cuộc sống hằng ngày đã quên mất việc quan tâm đến bữa ăn của trẻ mà lại để ăn theo sở thích của mình để rồi nhận lại những hậu quả đáng tiếc. Một minh chứng đáng buồn cho việc này chính là câu chuyện của cô gái Trung Quốc dưới đây:
Hồng Tô năm nay 19 tuổi sống ở Thường Châu, Giang Tô (Trung Quốc). Được biết, do dịch bệnh nên cô phải ở nhà tự cách ly. Trong những ngày ở nhà một mình, Hồng Tô chỉ ăn đồ ngọt để thỏa mãn niềm đam mê cũng như tâm hồn ăn uống của mình. Bởi vì cha mẹ sợ đồ ngọt có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nên đã cấm cản cô. Chính vì điều này đã gây ra tâm lý thèm ăn của cô gái.
Một hôm, qua thăm con gái, mẹ Hồng Tô phát hiện ra con mình bị ngất trong tình trạng gần như tắt thở, thân nhiệt chỉ còn 27.5 độ nên đã tức tốc đưa đến bệnh viện. May mắn thay, cô gái đã qua cơn nguy kịch.
Sau khi kiểm tra tổng quát, bác sĩ đưa ra kết luận do ăn quá nhiều đồ ngọt một lúc nên cô gái đã bị mắc bệnh nhiễm toan ceton (Tiểu đường loại 1).
Cảnh báo: Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và tương lai của trẻ
Giáo dục chế độ ăn uống cho trẻ từ sớm sẽ giúp trẻ ý thức được tầm quan trọng của các thói quen ăn uống tốt và biết quan tâm đến sức khỏe của bản thân.
Các nghiên cứu trong những năm gần đây phát hiện ra rằng một số bệnh mãn tính ở người lớn thường liên quan đến hành vi ăn uống kém khi còn trẻ như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, bệnh gút... Không chỉ vậy, một số loại ung thư cũng có liên quan đến chế độ ăn uống.
Do đó, thói quen ăn uống tốt, khoa học nên được rèn luyện từ tấm bé. Vì sức khỏe của trẻ, cha mẹ có bổn phận và trách nhiệm làm tốt công tác giáo dục chế độ ăn uống của trẻ và bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Những thói quen ăn uống sai lầm khiến trẻ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần
Trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ tại trường, cậu bé 12 tuổi ở Tây An (Trung Quốc) được chẩn đoán là bị gan nhiễm mỡ (cân nặng bình thường của một cậu bé 12 tuổi là 40 kg, trong khi cậu là 55 kg). Sau khi trò chuyện với cha mẹ cậu bé, bác sĩ kết luận tình trạng bệnh của cậu ngày một xấu đi chính là do sự nuông chiều con, thường cho cậu bé ăn thịt và đồ chiên rán.
Bên cạnh đó, cũng có một câu chuyện đáng buồn tương tự:
Tại Trùng Khánh (Trung Quốc), một cậu bé 14 tuổi đến bệnh viện kiểm tra cơ thể, bác sĩ phát hiện khớp ngón tay của cậu bị biến dạng liền hỏi cậu về thói quen ăn uống thường ngày. Cậu bé nói với bác sĩ rằng cậu thích uống trà sữa, ngày nào cũng uống ít nhất một cốc và ăn đồ đông lạnh.
Có một tin tức khủng khiếp vào năm ngoái rằng, cậu bé 15 tuổi uống quá nhiều nước ngọt khiến đồng tử mắt phải của em chuyển sang màu trắng, phải đưa ngón tay ra trước mắt mới phân biệt được và em gần như mù hoàn toàn.
Bác sĩ đau lòng cho biết: "Bản thân thủy tinh thể (nhãn cầu) trong suốt giống như lòng trắng trứng, vì thế một số loại đường mà chúng ta hấp thụ có thể khiến áp suất thẩm thấu quá mức làm cho thủy tinh thể trở nên đục".
Tất cả những câu chuyện trên đã nói lên một hiện thực rằng cha mẹ cần phải hành động ngay trước khi quá muộn và vấn đề thói quen ăn uống của trẻ là một chủ đề mà các bậc cha mẹ phải hết sức coi trọng.
Cha mẹ dù có nuông chiều thế nào cũng phải giữ "miệng" cho con cái
Do trẻ em thường thiếu kiểm soát trước những cám dỗ ăn uống, điều này đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm và giúp trẻ chú ý hơn đến hành vi ăn uống.
Hiện nay, nhịp sống ngày càng tăng tốc, công việc bận rộn, không có thời gian, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách đặt mua đồ ăn nhanh cho con em mình. Quả thực, cuộc sống hiện nay vô cùng tiện lợi và việc gọi món mang về không còn là điều gì mới mẻ.
Một cuộc điều tra cho thấy:
80% trẻ không thích ăn rau; 50% trẻ không thích uống sữa, ăn trứng; 85% không ăn ít dầu mỡ; 95% thích ăn thịt, sô-cô-la, đồ ngọt và 90% trẻ chỉ ăn một loại thực phẩm, ít hơn khuyến cáo 10 loại thực phẩm mỗi ngày.
Vì vậy, việc giáo dục chế độ dinh dưỡng cho trẻ là điều cấp thiết. Do đó, để con mình có được sức khỏe tốt, các bậc cha mẹ phải chú ý đến việc giáo dục chế độ dinh dưỡng cho con. Chúng ta có thể cố gắng bắt đầu từ những khía cạnh sau:
1. Cha mẹ nên tìm hiểu trước về chế độ ăn uống khoa học
- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ với chế độ ăn uống cân bằng giữa thịt và rau. Giữa các bữa ăn nên cho trẻ ăn một ít hoa quả, không để trẻ quá đói.
- Đảm bảo cung cấp đủ protein cho trẻ. Các nguồn cung cấp protein dồi dào: thịt, cá, sữa, đậu đỗ trái cây và rau quả.
- Nên nấu nhạt và cho trẻ uống nhiều nước đun sôi.
2. Giáo dục trẻ thông qua các hoạt động
Khi thể chất của trẻ dần được cải thiện, trẻ bắt đầu có biểu hiện thích ăn hơn.
Tại thời điểm này, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ trải nghiệm và nhận biết mùi vị của các loại thực phẩm khác nhau, hiểu được đặc tính của thực phẩm và nâng cao niềm yêu thích của trẻ đối với thực phẩm.
Cùng con đi chợ và nấu ăn. Trong những ngày nghỉ, hãy đưa trẻ đi khám phá thiên nhiên và tiếp xúc cũng như trồng các loại rau, cây, để con hiểu được quy luật sinh trưởng và chất dinh dưỡng của cây trồng. Một đứa trẻ được chứng kiến việc tạo ra thức ăn từ đầu sẽ có yếu tố cảm xúc mạnh mẽ đối với thức ăn.
3. Giúp trẻ chống lại sự cám dỗ của "đồ ăn vặt"
Ngay cả khi bạn giữ thói quen ăn uống lành mạnh ở nhà, sự cám dỗ của "đồ ăn vặt" đối với trẻ vẫn ở khắp mọi nơi.
Nhà văn Trương Lỗi đã từng nói trong cuốn sách "Giáo dục gia đình: Sức mạnh để con cái trưởng thành":
- Trước hết, cha mẹ đừng nhấn mạnh rằng những món ăn vặt này ngon như thế nào trước mặt con cái họ.
- Thứ hai, hãy nói chuyện một cách kiên nhẫn và nhẹ nhàng về những nhược điểm của "đồ ăn vặt" để giúp con chống lại sự cám dỗ và đánh giá chế độ ăn uống của chúng có lành mạnh hay không.
Cha mẹ nên giúp trẻ làm quen, thích nghi và thích một chế độ ăn uống lành mạnh ngay từ khi trẻ tiếp xúc với thức ăn.
Theo Aboluowang