Thiếu vốn khiến nhiều DN "vay đại, vay nóng" qua lúc khó khăn
Giải pháp tháo hàng tồn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn là tăng cường bán hàng qua hệ thống truyền thông, internet nhưng họ vẫn cần tiền nhưng đi vay không được vì ngân hàng vẫn chưa định giá được hàng tồn.
- 25-05-2023Khó tìm doanh nghiệp vay vốn
- 18-09-2021Long An hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, trả nợ lương cho hàng ngàn công nhân
- 28-07-2021Bà Rịa-Vũng Tàu cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để phục hồi sản xuất
Lượng hàng ùn ứ chưa tìm được đầu ra, khiến nhiều DN phải cấp tốc tìm giải pháp giải quyết hàng trước cao điểm sản xuất cuối năm từ tháng 9 tới đây. Không có đơn hàng mới, hàng bán không chạy và tồn kho, nhiều DN đang áp dụng giải pháp công nghệ để đẩy hàng và thu hồi vốn.
Nỗi lo dọn sạch hàng tồn
Suốt 2 tháng qua, ông Huỳnh Công Tiến cùng ê kíp Phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Toàn Tiến - chuyên gia công các sản phẩm may mặc cho các thương hiệu lớn, phải chạy đôn chạy đáo bán hàng trên internet và dùng các kênh truyền thông để tiếp cận khách mới.
Theo ông Tiến, các DN xuất khẩu thiếu đơn hàng đồng nghĩa những đơn vị như Toàn Tiến cũng không có hàng để gia công. Hàng trăm công nhân cùng máy móc thiết bị không thể nằm không, cùng với lượng hàng gia công xuất khẩu trị giá hơn 50.000 USD tồn kho bị kéo dài từ thời điểm dịch đến nay, khiến công ty phải tìm mọi cách bán được hàng.
Ông Tiến cho biết, mỗi chiếc áo giá thành bán tại Mỹ khoảng 350 USD, (tương đương hơn 8 triệu đồng Việt Nam) nhưng hiện giảm giá còn 100 USD (tương đương hơn 2 triệu đồng), để bán ở thị trường nội địa nhưng cũng rất khó.
“Hiện tại tình hình công ty vô cùng căng thẳng vì hàng tồn kho rất nhiều, chi phí kho bãi, nhân công rất nặng nên buộc phải tháo hàng ra, sử dụng các hệ thống kinh doanh online, những kênh truyền thông. Tuy nhiên chi phí quảng cáo, bán hàng cao quá buộc DN phải vay tiền để chạy quảng cáo làm truyền thông để tháo hàng tồn. Đây cũng là tình hình chung của nhiều DN may mặc”, ông Huỳnh Công Tiến cho biết.
Nhiều DN đang thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, không được giải ngân và chuyển nợ xấu. DN gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5 - 2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%. Ngân hàng đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.
Từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều DN dệt may, da giày và cả thủy sản không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với DN dệt may, da giày.
Làm mọi cách biến hàng tồn thành tiền mặt
Qua khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), có tới 41,2% DN được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp. Hàng tồn kho gia tăng đồng nghĩa với tình trạng đọng vốn vào hàng hoá khiến DN không có tiền mặt để xoay trở. Các DN đang tìm mọi cách biến hàng tồn kho thành tiền, đồng thời vẫn phải sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động lượng hàng tồn tiếp tục gia tăng.
Trong khi lượng đơn hàng chủ động quá ít, các DN buộc phải gia tăng việc xuất hàng bị động, thông qua các giải pháp bán hàng qua mạng theo mô hình kéo khách hàng về nhà máy. Giải pháp tháo hàng tồn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn là tăng cường bán hàng qua hệ thống truyền thông, internet.
Ông Phan Vĩnh Phúc, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ đa phương tiện CMS - DN đang triển khai giải pháp cho hơn 20 DN cho biết, các DN cần tiền để giải quyết hàng tồn nhưng đi vay không được vì ngân hàng vẫn chưa định giá được hàng tồn.
“Dựa trên hàng tồn kho ngân hàng có thể cho DN vay 1/3 giá trị hàng tồn kho. Số tiền đó DN dùng làm chiến lược quảng bá để đẩy hàng tồn kho đi, bởi sau 3 năm qua lượng hàng tồn kho là rất khổng lồ”, ông Phúc phân tích.
Trao đổi thêm về vấn đề này, TS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện phát triển thị trường và Truyền thông Quốc tế cho rằng, vì quá lo lắng nên nhiều DN đang "vay đại, vay nóng", miễn sao là vay được tiền để cầm cự qua cơn khó khăn. Cách làm này sẽ làm tình hình khó càng thêm khó, vì thế DN cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, kể cả giảm dưới giá thành để bán được hàng, thu hồi vốn, duy trì và điều chỉnh sản xuất thời gian tới.
“Ngoài việc thông qua các gói tín dụng, DN cũng rất cần các chiến lược truyền thông, giảm giá, kích thích thị trường… Bởi bối cảnh xuất khẩu khó khăn nếu không có động thái thúc đẩy thị trường, DN sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tồn kho cũng như gặp khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới”, ông Sơn nêu giải pháp.
Tình hình xuất khẩu khó khăn khiến việc triển khai các giải pháp tiếp cận khách hàng, bán được hàng tồn kho mang tính quyết định với DN trước cao điểm sản xuất hàng cuối năm. Sự linh hoạt của hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc định giá hàng tồn có ý nghĩa vô cùng quan trọng để DN tận dụng tối đa các nguồn lực tài chính, triển khai các chiến dịch bán hàng, có doanh thu, vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.
VOV