Đại biểu Quốc hội: "Giảm cấp phó sẽ góp phần tinh giản biên chế"
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: "Giảm cấp phó cũng góp phần giảm biên chế trong thực tế".
- 23-11-2015“Không có vùng cấm trong tinh giản biên chế”
- 13-11-2015Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Khó tinh giản biên chế vì tuyển con ông cháu cha quá nhiều
- 13-11-2015Ai cũng lao động tiên tiến thì làm sao tinh giản biên chế?
- 02-11-2015Tinh giản biên chế “ra 2 vào 1”
- 03-09-2015Viên chức quản lý cũng thuộc diện tinh giản biên chế
Một giải pháp quan trọng để tinh giản biên chế là gắn quyền tuyển dụng với quyền sử dụng cán bộ công chức; có cơ chế sa thải người yếu kém dễ dàng hơn.
Không phải ngẫu nhiên, một lần nữa, câu chuyện tinh giản biên chế lại làm nóng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa qua. Vì sau hơn 10 năm, với nhiều văn bản từ trung ương đến địa phương, qua 3 lần tinh giản biên chế, số lượng biên chế không những giảm còn tăng thêm. Các biện pháp, giải pháp tinh giản biên chế tuy không thiếu nhưng luôn chậm trễ trong thực hiện
Theo tinh thần của Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về tinh giản biên chế, Chính phủ đặt quyết tâm trong giai đoạn 2015-2021, tinh giản biên chế tối thiểu là 10%. Có nghĩa mỗi năm, mỗi cơ quan đơn vị phải tinh giản tối thiểu đạt 1,5% biên chế.
Câu hỏi đặt ra là để đạt được mục tiêu này, những giải pháp hiện nay đã đúng hướng chưa và chúng ta cần lưu tâm thêm những giải pháp đột phá nào khác? Chúng tôi trao đổi với ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương- Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Lãnh đạo quyết tâm chắc chắn làm được
- Có một ĐBQH kể câu chuyện thực rằng hồi làm Vụ trưởng chỉ cần 2 Vụ phó để làm việc thì cấp trên khẳng định phải cần 4 Vụ phó. Theo ông câu chuyện này nói lên điều gì trong tinh giản biên chế?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Câu chuyện nghe khá khôi hài nhưng cũng liên quan đến việc Quốc hội thảo luận nhiều là lạm phát cấp phó. Chính vì vậy năm ngoái khi Quốc hội xem xét thông qua Luật Tổ chức Chính phủ cũng quy định cứng khung số lượng cấp phó.
Tôi cho rằng câu hỏi thú vị ở chỗ không chỉ là số lượng cấp phó mà nó liên quan tăng biên chế vì trong cơ quan, tổ chức nào đều có cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức đi theo như chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên thường…
Thực tế nhiều cơ quan không xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức nên số lượng cấp phó tăng, chuyên viên phần lớn tăng vì theo chiều hướng phụ trách công việc chuyên môn.
Tôi nghĩ giảm cấp phó cũng góp phần giảm biên chế trong thực tế.
- Giải pháp quan trọng trong tinh giản biên chế là yêu cầu phải giảm đầu mối. Nhưng xem ra yêu cầu này ít được các cơ quan, đơn vị lưu tâm?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi không thích dùng từ giảm đầu mối vì nó chỉ là cái hành động tương đối hẹp trong kiện toàn cơ quan, tổ chức. Kiện toàn rất rộng vì không chỉ liên quan đến bộ máy, chức năng nhiệm vụ mà còn liên quan đến vấn đề đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đúng là giảm đầu mối cũng chính là hoạt động kiện toàn bộ máy tổ chức, khi đó giảm đáng kể cơ cấu và số lượng, giúp thu gọn bộ máy và từ đó giảm biên chế. Đây là giải pháp mang ý nghĩa hết sức quan trọng, chúng ta nói rất nhiều nhưng chưa có sự quan tâm đến nơi đến chốn.
- Thực ra một số địa phương đã thực hiện khá tốt việc này như Quảng Ninh, Đà Nẵng và tiết kiệm được nhiều tỷ đồng mỗi năm mà công việc chạy tốt. Nhưng tại sao hiệu quả như vậy lại khó nhân rộng, thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ đây là việc làm rất tốt, rất đáng được nhân rộng. Nhưng tại sao không nhân rộng thì phụ thuộc nhiều vào ý thức trách nhiệm lãnh đạo ở nơi đó.
Với tư cách lãnh đạo địa phương, sở ngành, anh quyết tâm giảm bộ máy của mình cho hiệu quả, tiết kiệm thì hoàn toàn làm được. Với địa phương chưa làm được thì rõ ràng quyết tâm về mặt chính trị và hành động thực tế chưa đạt.
Tôi cho rằng nếu thực sự lãnh đạo quyết tâm ra tay hành động cụ thể thì hiệu quả chắc chắn hết sức rõ rệt, không chỉ trong tinh giản biên chế, trong tổ chức bộ máy nhà nước mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Ví dụ Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói, nếu lãnh đạo tỉnh ra đường thì xe quá tải sẽ chấm dứt. Tôi cho rằng hoàn toàn đúng. Không nhất thiết phải ra đường nhưng đó là hình tượng người ta nói sự quyết tâm của lãnh đạo để thực hiện công việc cụ thể thì chắc chắn đạt được hiệu quả.
Người sử dụng cán bộ phải có quyền tuyển dụng và sa thải
- Có cảm giác khó khăn nhất trong tinh giản biên chế là phải trả lời cho được câu hỏi tinh giản ai. Ông có đề xuất gì để tìm lời giải cho câu hỏi này, đặc biệt khi cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn đang loay hoay không tìm được con số bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả và đề án xác định vị trí việc làm chưa hoàn thiện?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Có mấy nguyên nhân: Phân công công việc không rõ mà cứ có việc là giao người này người kia. Việc tuyển dụng nhiều nơi có tiêu cực, nhận người thân quen vào làm, cộng với việc đánh giá cán bộ công chức vẫn hình thức thì đặt ra vấn đề tinh giản ai là rất khó.
Việc xây dựng vị trí việc làm rất quan trọng, chính là nền tảng giúp cho việc đánh giá cán bộ công chức hàng năm. Luật nói không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm thì nghỉ việc, nhưng cách làm như hiện nay thì tốt hết cả, không ai không hoàn thành nhiệm vụ.
Đôi khi sự hoàn thành nhiệm vụ đó còn phụ thuộc lãnh đạo giao việc cho người ta như thế nào. Vì có cơ quan, đơn vị công việc thuộc nhiều thẩm quyền nhưng không giao đồng đều để thực hiện hiệu quả, mà có trường hợp giao cho người thân quen hay tùy thuộc mối quan hệ.
- Nếu ông có thẩm quyền quyết định tinh giản biên chế thì sự nể nang tác động thế nào đến quyết định giảm ai?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Phải có thái độ công tâm, mà hơn ai hết người lãnh đạo biết chắc chắn người làm được việc và người nào không. Đôi khi cán bộ công chức có mặt mạnh này, mặt mạnh khác nên lãnh đạo phải biết khai thác mặt mạnh và khắc phục mặt yếu.
Việc nể nang khó tránh được, nhưng thực sự vì công việc thì phải có sự điều chỉnh, phân công, phân nhiệm để phát huy hiệu quả công việc.
- Trở lại với câu chuyện ban đầu thì ai là người có quyền thực sự trong tinh giản biên chế cũng là câu hỏi cần được sáng rõ, thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Thực ra bấy lâu nay, cơ quan tuyển dụng đôi khi không phải là cơ quan sử dụng cán bộ công chức. Người sử dụng không có quyền sa thải, cho thôi việc hay tương tự như thế. Chính vì vậy tinh giản rất khó.
Người lãnh đạo phải nắm rõ ai làm được việc, ai không làm được, ý thức trách nhiệm của cán bộ ra sao; phải được giao quyền tuyển dụng và sa thải, cho thôi việc rõ ràng với cơ chế dễ dàng hơn. Còn như hiện nay thì có thấy không làm được việc cũng chẳng có quyền gì đuổi vì người ta không vi phạm đến mức bị buộc thôi việc.
- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế. Trong yêu cầu tinh giản biên chế, vấn đề số lượng biên chế của các hội cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật về hội. Đây là dự án luật quan trọng và có những vấn đề mang tính quan điểm cần làm rõ.
Khi tham luận tại hội trường tôi nói rõ là hạn chế tối đa việc tham gia hội, tổ chức phi chính phủ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bài toán cần tính toán kỹ là số lượng biên chế cho hội đặc thù. Theo quan sát của tôi thì chúng ta có quá nhiều hội đặc thù nên cử cán bộ, công chức biệt phái, điều động sang hội chiếm số lượng đáng kể.
Đã đến lúc cần xem lại vấn đề mang tính quan điểm này, làm sao ngoại trừ các hội thuộc thành viên Mặt trận, còn lại để người ta tự làm mà không nên can thiệp sâu vào bộ máy; không nhất thiết hội nào cũng cử cán bộ công chức sang.
- Giải pháp nào theo ông có tính đột phá để cân đối giữa nhu cầu thực sự cần tăng biên chế và yêu cầu phải tinh giản để có được nền hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, trách nhiệm?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Đây là câu hỏi lớn khiến cá nhân tôi và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tôi cho rằng trong rất nhiều giải pháp thì một trong những giải pháp quan trọng là gắn quyền tuyển dụng và quyền sử dụng cán bộ công chức. Người sử dụng phải có quyền tuyển dụng, cho thôi việc, sa thải. Cán bộ công chức dù không vi phạm kỷ luật nhưng nếu không làm được việc thì phải có cơ chế sa thải được.
Thứ hai là không đẻ ra tổ chức mới phát sinh thêm biên chế mà cần kiện toàn bộ máy, tổ chức.
Cuối cùng là cần triệt để sử dụng cơ chế hợp đồng với hoạt động thời vụ, hết công việc là không được tiếp nhận.
Nếu làm được những việc đó sẽ giúp tinh giản biên chế tốt.
- Xin cảm ơn ông.