ĐBQH Trần Ngọc Vinh: "Chỉ nên tử tế với những người tử tế!"
Gửi gắm tới các ĐBQH khóa 14, có đại biểu nhắn nhủ: “hãy sống tử tế”. Ông Trần Ngọc Vinh cho rằng ở đây có hàm ý và "chỉ nên tử tế với những người tử tế".
- 28-03-2016Đại biểu Dương Trung Quốc: Lời chúc nhau "làm người tử tế" rất đáng suy ngẫm
- 28-03-2016Đại biểu “mượn lời Thủ tướng” để chúc Quốc hội khóa 13
- 26-03-2020Thủ tướng nói lời chia tay và chúc làm người tử tế
- 25-03-2016Bí thư, Chủ tịch địa phương không ứng cử ĐBQH: Nên hay không?
Bên hành lang Quốc hội sáng 28/3, ông Trần Ngọc Vinh - ĐBQH TP. Hải Phòng – Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã chia sẻ những tâm tư sau nhiệm kỳ 5 năm làm đại biểu Quốc hội.
Buổi đầu bao giờ cũng ngây thơ…
Có ĐBQH than rằng, 5 năm trước khi bước chân vào nghị trường, làm ĐBQH thấy mình ngây thơ lắm nhưng 5 năm sau mọi việc đã khác… Ông có chung cảm nhận như vậy không?
Bất kể lĩnh vực gì, buổi đầu bao giờ cũng ngây thơ, sau này chai lỳ đi. Riêng ĐBQH, càng hoạt động lâu càng có kinh nghiệm, nhưng phải chịu khó học hỏi, chịu khó đọc, chịu khó đi thực tế nghe dân. Nếu chỉ đọc thì lý luận trên trời mất rồi. Giờ phải nghe dân, kể cả chỗ bia hơi xem các giới họ nói sao.
Tại sao các văn bản đều có quy định hết rồi nhưng trên hoạt động, trên thực tế yếu như thế?Chẳng qua do tổ chức thực tế và chưa xử lý nghiêm những nơi chưa làm chuẩn. Ví dụ nhà ở Lê Trực, chỗ Ba Vì, có phải con kiến đâu, làm hàng năm, xe pháo đi lại ầm ầm làm sao không biết, biết thừa chứ nhưng có xử lý đâu. Ở mình còn có cái phạt để cho tồn tại.
Thứ 3, rất nhiều nguồn thu vô lý, vỉa hè thì cho gửi ô tô, xe máy, bán hàng, rồi trích lại một phần thôi. Cái này là pháp luật chưa nghiêm. Muốn nghiêm thì phải tính từ trên tính xuống, còn nếu làm ở dưới thì chỉ làm được phần ngọn thôi.
Có nhận xét rằng, các ĐBQH phát biểu còn “vuốt ve” quá, nhiều ĐB không dám nói, không dám đeo bám tới cùng sự việc. Ông có nhận thấy điều này khi nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII sắp kết thúc?
Cái này thuộc về bản lĩnh của con người, có người rất muốn nói nhưng do điều kiện hoàn cảnh. Có thể là do sợ đến công tác, hai là vì "bát cơm manh áo" nên người ta chưa nói chứ không phải không biết.
Nói thế chứ vẫn có những người sẵn sàng nói kể cả biết thiệt hại đến mình. Cái này do bản lĩnh mỗi ĐBQH. Nhưng góp ý gì thì góp ý, cũng phải mang tính xây dựng, không nên oán thán, kêu ca.
Nhìn lại 5 năm làm ĐBQH của mình, ông có đánh giá ra sao khi nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua và nhiệm kỳ tới nhiều ĐBQH sẽ không còn tiếp tục cương vị của mình, trong khi còn nhiều việc “nợ dân, nợ nước”?
Cũng như nhiều ĐBQH khác tôi đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, nhưng cũng chung cảm nhận là báo cáo còn chung chung quá. Từ sáng tới giờ nghe nhiều nhận xét trên nghị trường về báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội có đại biểu ghé tai tôi bảo là sao nhiều “tả cảnh, đánh giá thực trạng thế". Tôi thì cũng cho là như vậy.
Nhiệm kỳ tới nhiều ĐBQH nhiều kinh nghiệm, sức khoẻ tốt, có bản lĩnh, trình độ, được nhân dân tín nhiệm nhưng do quy định về buổi buộc phải nghỉ.
Sắp tới 2/3 đại biểu hết tuổi phải nghỉ, 2/3 người mới sẽ vào thì ít nhất phải 2-4 năm nữa mới có kinh nghiệm, rồi làm đại biểu 5 năm lại nghỉ. Trong khi ở nhiều nước, nghị sĩ được hoạt động suốt đời.
Tôi cho rằng, chất lượng ĐBQH phải là hàng đầu, nếu cứ áp dụng cứng nhắc như cán bộ hành chính thì không nên, gây lãng phí nguồn lực chất lượng cao.
"Tôi chỉ nhận thang điểm trung bình"
Như ông nói tức là cần phải tăng ĐBQH chuyên trách trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội?
Việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là cần thiết nhưng chọn được ĐBQH chuyên trách chất lượng lại là một vấn đề. Kể cả ĐBQH chuyên trách ở Trung ương bây giờ, chúng ta có dám đánh giá bao nhiêu % chất lượng là tốt không? Trung ương có một bộ phận tốt nhưng cũng có một bộ phận chưa tốt, tôi cho rằng, nên làm một cuộc khảo sát thì mới đánh giá được. Rồi trong số này ai dám nói thẳng, nói thật, dám nói trên nghị trường?
Nếu tự đánh giá mình, ông cho mình thang điểm bao nhiêu?
Tôi tự cho mình rất yếu. Tôi cố gắng phấn đấu điểm trung bình thôi. Vì sao ư? Vì tôi chưa nói hết được tiếng nói của cử tri, chưa nói được một số vấn đề còn bất cập.
Một là do thời lượng, hai là kể cả các lần chất vấn cũng chưa đến cùng được vì thời gian chỉ cho phép thế thôi. Tôi thấy thế là mình chưa làm tròn trách nhiệm.
Thêm nữa, một ĐBQH thì tất cả các lĩnh vực đều phải biết, trình độ của mình biết đến 1-2 lĩnh vực thôi, làm sao mà giỏi được cả, trong khi Quốc hội là bàn tổng hợp bàn về kinh tế xã hội, luật pháp, đời sống xã hội rồi cả hôn nhân gia đình, trẻ em.
Gửi gắm tới các ĐBQH nhiệm kỳ XIV, có ĐBQH nhắn nhủ: “hãy sống tử tế”. Ông có đồng tình với điều nhắn nhủ này?
Tôi thấy lời vị ĐBQH nói có hai hàm ý. Một là mọi người đang tử tế đấy chứ, nhưng tử tế ở mức nào. Đối với một số người, bảo tôi tử tế nhưng người khác lại bảo tôi chưa tử tế. Có người nên tử tế với nhau nhưng có người cũng không nên tử tế. Chỉ nên tử tế với những người tử tế!
Cảm ơn ông!
Infonet