MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không cải cách được tiền lương thì khó chống được tham nhũng

28-03-2016 - 10:07 AM | Xã hội

Bên cạnh nhiều vấn đề trăn trở và bức xúc, đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm đã nói về mối quan hệ giữa tiền lương và tham nhũng trong phát biểu tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội sáng 28-3.

Phát biểu tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội sáng 28-3, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đã nêu khó khăn đất nước đang phải đối mặt và đề nghị “Quốc hội và toàn thể bộ máy Nhà nước phải vận hành trơn tru, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình”.

Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng trong nhiệm kỳ này, có những người “làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm... thì làm sao xứng đáng đại diện cho cử tri”.

Năng lực yếu, đạo đức kém thì pháp luật tốt cũng vô nghĩa

Đại biểu Tâm cho hay: “Tại thời điểm chúng ta đang họp kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ, thì Tây Nguyên đang khát cháy. Đồng bằng Cửu Long vốn là vùng sông nước trù phú mênh mang, nay đang phải đối mặt với nạn xâm nhập mặn chưa từng có, làm cho mía cháy, lúa khô, dân khát… bởi tác động của biến đổi khí hậu và sự tác động có chủ ý của con người ở một số quốc gia phía thượng nguồn”.

“Ngoài Biển Đông, tàu thuyền của ngư dân vẫn luôn bị đe dọa, bị khủng bố bởi sự xua đuổi, đâm húc ác nghiệt của âm mưu bành trướng… Tôi cảm nhận rằng những thử thách, khó khăn của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ”.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, ông Tâm cho rằng “5 năm là một quãng thời gian vừa ngắn, lại vừa dài.

Ngắn, là khi chúng ta mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực, nhưng Quốc hội mà cụ thể là từng đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng hết được những gởi gắm, mong muốn, kỳ vọng, yêu cầu của cử tri.

Dài, là khi những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, trong chính sách được cử tri nêu hoài, nêu mãi, kỳ họp sau nối tiếp kỳ họp trước, mà chưa được giải quyết rốt ráo khiến cử tri thất vọng, nản lòng, còn đại biểu thì có cảm giác lực bất tòng tâm”.

Theo đại biểu Tâm, “một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do thể chế quyết định. Hiến pháp là nền móng của thể chế. Chúng ta đã có một bản Hiến pháp tốt. Quốc hội cũng đã chứng tỏ nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế. Nhưng, thể chế tốt hay không thì không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách, pháp luật, mà còn chủ yếu phụ thuộc vào con người thực hiện”.

“Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng, nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gần đây là các ví dụ điển hình” - ông nói.

“Nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy” - ông Tâm kiến nghị. Và phân tích: “Một bộ máy còn những chỗ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì bộ máy ấy vẫn sẽ còn tình trạng “dẫm chân” lên nhau, khó đạt hiệu năng, hiệu quả cao nhất.

Một hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giảm được biên chế, thì sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền”.


Ông Huỳnh Nghĩa

Ông Huỳnh Nghĩa

“Vấn đề bức xúc là không ai chịu trách nhiệm”

Cũng như nhiều đại biểu khác, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013, đồng thời với việc đổi mới khá mạnh mẽ trong hoạt động.

Tuy vậy, đại biểu Nghĩa cũng thẳng thắn chỉ ra: “Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng chưa thực hiện hết thực quyền mà pháp luật quy định, hoạt động của Quốc hội vẫn còn hạn chế, chưa thật sự cải tiến, đổi mới mạnh mẽ. Mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, còn lúng túng, không chặt chẽ”.

“Đặc biệt, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa khoa học. Một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, hay Quốc hội thông qua rồi dư luận không chấp nhận, phải sửa lại. Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm?”

Ông Nghĩa đề nghị “Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi, thì làm luật để làm gì?”.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, ông Nghĩa nhận xét: “Đây là cách làm mới, để người giữ trọng trách phải không ngừng tự hoàn thiện mình, nhưng việc này nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng, bởi vì quy trình quá rối rắm.

Việc quy định 3 mức: Tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ?”

“Tôi đề nghị chỉ nên quy định hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo bước ngoặc đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó, quyền lực của Quốc hội được nâng lên, nhân dân càng tin tưởng” - ông Nghĩa tha thiết.

Theo Lê Kiên

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên