Lần đầu tiên Trung ương giới thiệu một nữ đại biểu làm Chủ tịch Quốc hội
Sáng nay (28/3), tại phiên thảo luận về công tác nhiệm kỳ của Quốc hội (QH), đại biểu Nguyễn Văn Phúc đánh giá, QH khóa 13 đã kế tục được thành quả của 12 kỳ QH trước đó, lần đầu tiên BCH TƯ giới thiệu một nữ đại biểu làm Chủ tịch QH.
- 28-03-2016Tuần này, Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội
- 24-03-2016Quốc hội 13 bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng thì Quốc hội 14 làm gì?
- 23-03-2016Phút lặng cuối nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội
- 23-03-2016Chủ tịch Quốc hội: Tôi đã chuẩn bị người thay mình
Theo đó, mở đầu phần phát biểu của mình, ĐB Trương Thị Huệ (tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội.
Theo nữ ĐBQH này, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội ngắn gọn, khái quát được những kết quả và hạn chế của nhiệm kỳ. Hoạt động giám sát và chất vấn trong nhiệm kỳ tuy đã chú trọng song chất lượng vẫn còn hạn chế.
Theo bà Huệ, có những đoàn giám sát còn hình thức, xuống địa phương nghe phát biểu, trao đi đổi lại là xong. Trong khi đó, cử tri mong muốn sau mỗi cuộc giám sát phải chỉ ra được những vụ vi phạm pháp luật để làm gương. Vì vậy, bà kiến nghị tiếp tục đổi mới nội dung giám sát, yêu cầu cần có nội dung tầm vĩ mô, tránh việc cơ quan được giám sát tiếp tục làm sai.
Đối với hoạt động chất vấn, bà Huệ cho rằng, đây là hoạt động giám sát hiệu quả nhất được nhân dân theo dõi nhưng sau khi giám sát xong cần phải có quy trách nhiệm nhiệm rõ ràng.
“Có hàng ngàn câu chất vấn chưa rõ trách nhiệm về ai. Vẫn biết việc quy trách nhiệm là không dễ song đó là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ”, bà Huệ nói.
Cũng theo nữ ĐBQH này, Quốc hội cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá các đại biểu Quốc hội. "Hiện đại biểu Quốc hội hoạt động tích cực cũng như không hoạt động. Do đó, cần phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng để khuyến khích những người hoạt động tích cực", bà Huệ nêu ý kiến.
Cùng quan tâm đến công tác giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, ĐB Khúc Thị Duyên, tỉnh Thái Bình đánh giá, công tác giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, có nhiều hiệu quả, thu hút sự theo dõi của cử tri thể hiện ở 3 nội dung: lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn thành viên Chính phủ, lựa chọn nội dung giám sát có nhiều cuộc tương đối cụ thể, rõ nét. Tuy nhiên, công tác tổ chức giám sát hiệu quả chưa cao, nhiều nội dung chưa có chuyên môn sâu.
Theo nữ ĐBQH này, để công tác giám sát của Quốc hội có hiệu quả, Quốc hội nên chọn nội dung giám sát, không dàn trả để đi vào chuyên sâu, chi tiết, không nghe báo cáo.
“Trong các cuộc giám sát quan trọng nên có lãnh đạo Quốc hội làm trưởng đoàn giám sát để đưa ra kết luận hiệu quả hơn”, bà Duyên nêu ý kiến.
Mừng vì nhiều đoàn đến tham quan tòa nhà Quốc hội
Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận sáng nay, ĐB Nguyễn Văn Phúc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết ông tán thành với báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Theo đánh giá của ông Phúc, Quốc hội khóa XIII đã kế tục được thành quả của 12 kỳ Quốc hội trước đó và có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao hơn.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh còn nhắc đến việc nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách được trúng cử Ban chấp hành TW, Bộ Chính trị. Đây cũng là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giới thiệu một nữ đại biểu Quốc hội làm Chủ tịch Quốc hội.
“Tôi rất mừng vì thời gian qua nhiều đoàn nhân dân đến tham tòa nhà Quốc hội. Đây là một bước mới trong hoạt động dân chủ của Quốc hội", ông Phúc cho biết.
Đề cập đến các vấn đề quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Quốc hội đã ban hành những chính sách kịp thời để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
“Mong rằng Quốc hội khóa XIV sẽ khắc phục những hạn chế nhiệm kỳ trước tiếp tục nâng cao hiệu quả làm việc, từ đó cải cách mạnh mẽ, nâng cao tính thực tiễn, nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn kỹ thuật, đổi mới chất lượng đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách”, ông Phúc chia sẻ những kỳ vọng của ông về Quốc hội khóa mới.
Infonet