Người đứng đầu phải quyết liệt đổi mới để phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho rằng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước, người lãnh đạo phải có tư duy đổi mới quyết liệt, vì lợi ích chung.
- 22-01-2016Bên trong Trung tâm Chỉ huy bảo vệ Đại hội Đảng
- 22-01-2016Toàn văn tham luận do Đại tướng Trần Đại Quang trình bày tại Đại hội Đảng 12
- 22-01-2016Đại hội Đảng XII: Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới
- 22-01-2016Đại hội Đảng XII: Phải bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa
- 22-01-2016Người dân tin tưởng, kỳ vọng vào thành công của Đại hội Đảng
Bên lề Đại hội Đảng lần thứ XII sau hai ngày các đại biểu nghe các báo cáo tham luận, ông Trần Văn Nam đã trả lời báo chí một số nội dung mà các báo cáo đề cập về nhiều vấn đề của đất nước sau 30 năm đổi mới và trong thời gian tới.
Xin ông cho biết ý kiến về báo cáo tham luận vừa qua của các đại biểu tại Đại hội?
Các tham luận của đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, có nhiều căn cứ khoa học trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ. Chúng tôi cũng thu hoạch được rất nhiều điều bổ ích từ các tham luận.
Chẳng hạn vấn đề chúng ta chuẩn bị hội nhập như thế nào cũng là vấn đề đặt ra. Chúng ta nói nhiều rồi nhưng còn “lúng túng” từ cả phía các cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp. Từng ngành, từng cấp, thậm chí từng doanh nghiệp phải quyết tâm và nhanh hơn nữa, quyết liệt và chủ động hơn nữa để bước vào sân chơi hội nhập.
Nên chăng cần có sự phân cấp mạnh mẽ hơn để địa phương được tự chủ hơn. Từ kinh nghiệm của Bình Dương trong xây dựng các khu kinh tế để phát triển, đề nghị ông cho biết quan điểm về điều này?
Chúng tôi rất ủng hộ quan điểm này nhưng phải có cơ chế chặt chẽ, minh bạch. Trước mắt phải ưu tiên đầu tư hạ tầng hiện đại vào một số vùng động lực để có tính lan tỏa.
Về cơ sở hạ tầng của các địa phương, các vùng trong cả nước thời gian qua đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, không phải hạ tầng bây giờ tốt rồi thì cứ ngồi đấy mà hài lòng đâu. Chỉ vài ba năm nữa là hạ tầng bây giờ sẽ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển nữa.
Như vậy là cần phải có kinh phí để đầu tư hạ tầng. Mà kinh phí thì không phải là vấn đề trong tầm của địa phương. Tại Đại hội lần này cũng có đại biểu phát biểu về liên kết vùng để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trong đầu tư hạ tầng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển của một tỉnh mà là nhiều tỉnh trong một vùng. Đây không phải là kinh nghiệm của chúng ta mà nhiều nước trên thế giới đã làm rồi.
Điều này đặt ra thách thức, đòi hỏi gì đối với lãnh đạo các địa phương, thưa ông?
Trước hết, các địa phương phải vận dụng các quy định pháp luật hiện có để cùng với tình hình thực tế của địa phương mình có những quyết sách phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và đúng pháp luật. Trong quá trình đó, chúng ta có những đề xuất để điều chỉnh pháp luật hoặc xây dựng các quy định pháp luật mới để bảo đảm sự năng động đó không vi phạm luật.
Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận có những vấn đề sẽ phải được giải quyết bằng “ngoại lệ” nhưng sự chấp nhận này phải được đánh giá một cách khách quan, công minh thì các địa phương mới có thể mạnh dạn làm được.
Công cuộc đổi mới từ năm 1986 cũng bắt nguồn từ việc “xé rào” của một số địa phương và thực tiễn đã chứng minh những chủ trương đó là đúng đắn.
Đối với địa phương, sẽ có những giới hạn nhất định để địa phương được chủ động, tính toán. Các thế hệ lãnh đạo Bình Dương trước đây cũng rất quyết liệt và có những tư duy “xé rào”. Phải khẳng định như vậy, vì không có “xé rào” thì không có Bình Dương như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, sau này, khi các cơ quan Trung ương về thẩm tra, kiểm tra thì những chuyện đó ở Bình Dương là hợp lý, không mang yếu tố cá nhân.
Do những bất cập trong bộ máy Nhà nước (cồng kềnh, nhiều tầng nấc) nên khi một chủ trương đầu tư đưa ra làm theo đúng trình tự, thủ tục thì mất nhiều thời gian. Từ thực tiễn, Bình Dương có kinh nghiệm nào để có gỡ bỏ những rào cản đối với sự phát triển?
Trong quá trình làm việc, chúng tôi tận dụng tối đa, cố gắng để không vi phạm luật. Bộ máy phải linh hoạt, thông cảm với nhau, ngồi lại với nhau để xử lý và người lãnh đạo phải quyết. Việc đó cũng không đơn giản.
Ví dụ một dự án đầu tư chưa được Sở Xây dựng thẩm định thì người đứng đầu có dám ký không? Thế nên trước tình huống này, mình cần nghiên cứu để có thể quyết vì nếu không sẽ mất thời cơ.
Do đó, theo tôi, vai trò người đứng đầu cực kỳ quan trọng, người đó cần có sự quyết đoán dựa trên cơ sở trí tuệ và khoa học, từ lợi ích của tập thể chứ không phải là quyết đoán độc đoán, chủ quan.
Xin cảm ơn ông!
Báo Chính Phủ