Từ việc bãi nhiệm 2 ĐBQH là doanh nhân: Cơ cấu nào hợp lý?
Cần coi việc có tới 2 ĐBQH đều là doanh nhân bị bãi miễn tư cách ĐBQH khóa XIII là bài học trong lựa chọn nhân sự khóa tới
- 08-03-2016Ông Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV
- 04-03-2016Cảnh giác với người ứng cử ĐBQH 'tự dưng về địa phương làm từ thiện'
- 27-02-2016Chủ tịch nước ứng cử ĐBQH, lấy ý kiến cử tri ở đâu?
- 27-02-2016Trăn trở việc tăng tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp
- 26-02-2016Ứng cử viên ĐBQH tuổi cao, sức yếu nên 'nhường' cho người trẻ?
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của 2 nữ doanh nhân, bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội khóa 13, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An; bà Châu Thị Thu Nga, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Trong đó bà Châu Thị Thu Nga bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Từ việc có tới 2 ĐBQH đều là doanh nhân bị bãi miễn tư cách ĐBQH, nhiều người cho rằng, đây cần coi là bài học trong việc lựa chọn nhân sự ĐBQH khóa tới, cần phải đặt chất lượng đại biểu lên trên hết. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, rút kinh nghiệm khóa XIII, có nhiều doanh nhân trong Quốc hội quá, có một số không thực sự gương mẫu nên Quốc hội phải bãi nhiệm 2 đại biểu là doanh nhân. Lần này, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nên lựa chọn những đại biểu thực sự có chất lượng, không nên quá quan trọng về số lượng. Theo đề xuất cơ cấu, thành phần ĐBQH thì số đại biểu khối doanh nghiệp dự kiến là 7, sau đó điều chỉnh có tăng thêm 1 doanh nhân ở khối doanh nghiệp Quảng Ninh, hiện tổng số đại biểu khối doanh nghiệp là 8 người.
“7 doanh nhân đó vào Quốc hội chắc chắn sẽ nói tiếng nói cho doanh nghiệp mà họ đại diện, nhưng họ phải hiểu và nói được tiếng nói của doanh nghiệp toàn quốc, của khối kinh tế tư nhân tín nhiệm họ. Nếu không sẽ không ai giới thiệu những người này ứng cử, tái cử”- ông Pha nói.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lại cho rằng, giờ tình hình trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, cần có cơ cấu thành phần ĐBQH khóa XIV một cách hợp lý. Tuy nhiên, trong cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội chỉ thấy khác so với các kỳ trước là tăng 15 ĐBQH chuyên trách, số lượng ĐBQH ở các cơ quan Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên không thay đổi so với khóa XIII.
8 ĐBQH là doanh nhân có thể hiện được vai trò đại diện?
Theo ông Nguyễn Túc, bây giờ dân làm chủ, những người quan trọng nhất là nông dân, công nhân, trí thức và doanh nhân. Tuy vậy, trong tỉ lệ bầu ĐBQH không nhiều, đa phần vẫn là cán bộ hành chính: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, Bộ Quốc phòng 15 đại biểu; Bộ Công an 3 đại biểu…. “Cần phải bàn kỹ lại cơ cấu này. Đại hội Đảng XII nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, nhưng cơ cấu bầu cử trong Quốc hội lại chưa rõ để họ nói tiếng nói của khối kinh tế tư nhân”- ông Nguyễn Túc đề nghị.
Ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc MTTQ cũng bày tỏ băn khoăn khi số lượng đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với số lượng như cơ cấu là quá ít. Theo ông Minh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, cơ cấu đại biểu là doanh nhân trong Quốc hội chưa thực sự phản ánh được mục tiêu này của Nghị quyết Đại hội Đảng. “Nếu chúng ta muốn đổi mới đất nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thì phải đưa doanh nhân vào Quốc hội nhiều hơn nữa”.
TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy Ban đoàn kết công giáo TP Hà Nội cho rằng, Quốc hội khóa XIII có 2 đại biểu bị bãi miễn tư cách ĐBQH đều liên quan đến doanh nhân. Rõ ràng điều này gây lo lắng cho ban bầu cử của khóa này, vậy đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp, Hiệp hội, doanh nhân ít hẳn đi. Trong khi đó 7 người thì 4 người là của doanh nghiệp Nhà nước, 3 người của Hiệp hội tư nhân, rõ ràng hạn chế hơn so với lần trước. Trong khi doanh nghiệp tư nhân đang có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp kinh tế của đất nước để hội nhập, về phía doanh nghiệp tư nhân và nhiều người cũng băn khoăn, liệu với số lượng ĐBQH như vậy có đại diện được tiếng nói của khối này không?.
“Tôi thì cho rằng không quan trọng số lượng, nhiều người cũng chưa chắc đã đại diện được nếu chất lượng đại biểu không cao. Nếu ít nhưng khối doanh nghiệp tư nhân thực sự chọn được những người xuất sắc, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của tất cả của các doanh nghiệp tư nhân, thì họ vẫn đại diện và phản ánh được tiếng nói của khối doanh nghiệp tư nhân. Thực tế trong Quốc hội có những người thể hiện được chính kiến của mình, không hoàn thành được trách nhiệm đại biểu mà cử tri đã tin tưởng giao phó. Cần những đại biểu thực sự có bản lĩnh, trí tuệ, trình bày được những vấn đề cử tri quan tâm thuyết phục trước Quốc hội”- ông Thông nói./.
VOV