MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Dương Trung Quốc: "Không lẽ tham nhũng nằm ở... nhà quê"

16-12-2015 - 16:54 PM | Xã hội

Ông Quốc cũng cho rằng, với con số 65 thông tin được người dân cung cấp qua đường dây nóng này trong năm ngoái là quá ít so với thực tiễn vấn nạn này.

Ông Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội
8 bài viết

Chống tham nhũng ở Việt Nam dễ nhất thế giới

Để người dân có thể phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định, Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã tiếp tục mở các đường dây nóng theo các số điện thoại: 080.48228, 0902.386.999 và 0125.698.6688.

Đánh giá về việc này, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, trước hết, ở đây sẽ có thêm một kênh thông tin để giúp người dân có thể phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng trong dịp Tết này.

"Đây cũng sẽ là phép thử xem có hiệu quả hay không, còn vấn đề còn lại là người dân tham gia đến đâu. Rõ ràng, nếu có hiệu quả thì nhiều người sẽ tham gia, nhưng không có hiệu quả người dân sẽ đứng ngoài. Do đó, có đường dây nóng này còn hơn không.

Điều quan trọng hơn là qua đây không chỉ để xem có nhiều, ít tham nhũng mà để thấy thực tế chúng ta chống tham nhũng như thế nào, hay như người xưa vẫn nói là đánh trận giả", ông Quốc nói.

Ông Quốc cũng cho rằng, với con số 65 thông tin được người dân cung cấp qua đường dây nóng này trong năm ngoái là quá ít so với thực tiễn vấn nạn này.

"Nhưng cũng còn hơn là không có. Tuy nhiên, chúng ta cần phải minh bạch thông tin, cho mọi người biết tính hiệu quả như thế nào, 65 thông tin này đã được xử lý như thế nào. Khi đó, người dân mới thấy tin được", ông Quốc nêu.

Vị ĐBQH này cũng đánh giá, việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh báo cáo qua tự kiểm tra không phát hiện trường hợp tham nhũng cho thấy năng lực của cơ quan phòng chống tham nhũng của địa phương.

"Ai cũng mong điều đó là sự thực, nhưng chắc chắn không phải là sự thực. Bởi vì, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những nơi lớn nhất, các đánh giá quan trọng, chính thức của các lãnh đạo cao nhất đều nói có. Vậy thì tham nhũng nằm ở đâu, không lẽ ở nhà quê.

Sự không trùng khít đó cho thấy chúng ta cần phải nghiêm túc trong việc này để tránh mất niềm tin của nhân dân", ông Quốc nhận xét.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Tham nhũng vấn đề được cả xã hội quan tâm, là quốc nạn. Đảng ta cũng nhìn nhận rõ tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa tới sự sống còn của chế độ ta và là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước. Quan điểm của Đảng là rõ ràng phòng, chống tham nhũng ở tất cả các cấp, không có vùng cấm, kiên quyết làm, không có nhân nhượng. Quan trọng là phương pháp, cách làm và cuối cùng là phải có hiệu quả. Chống được tham nhũng nhưng phải đảm bảo giữ gìn ổn định chính trị, xã hội để phát triển đất nước. Tập trung xử lý nghiêm, đến mức nào thì xử lý mức đấy, kể cả khai trừ ra khỏi Đảng". (Theo VOV)

Ông cũng bày tỏ, ông có may mắn được tham gia thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng khi thông qua vào năm 2005.

"Lần sửa đổi vào năm 2012, khi đánh giá về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng giữa cơn sốc của những Vinashin, Vinalines, tôi đã lỡ ví công cuộc chống tham nhũng như... đánh trận giả.

Nhưng giờ đây, cảm giác có khác, cả xã hội, cả hệ thống chính trị đều thực sự muốn đánh trận thật, nhưng có lẽ vì quen đánh trận giả nên khi lâm trận thật thì mới thấy là thật... khó (!?)

Dù có những bước tiến so với trước về hệ thống văn bản, những giải pháp cụ thể và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc... nhưng dường như vẫn chưa tạo được một thế trận chủ động, kết quả không rõ rệt.

Có nghĩa là chưa bền vững, nói cách khác lòng dân thực sự chưa được thuyết phục", ông Quốc chia sẻ.

Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.

Nhà sử học này cũng chia sẻ, khi Quốc hội khóa XI quyết định nâng cấp Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng đã có 8 năm tuổi thành một đạo luật thì thời điểm đó, mọi người đều tin tưởng với bộ luật này sẽ sớm thúc đẩy cuộc đấu tranh đến thành công.

"Khi đó, tôi có đưa ra một quan điểm rất lạc quan khi phát biểu rằng, về lý thuyết thì chống tham nhũng ở nước ta sẽ dễ nhất thế giới.

Lý lẽ của tôi là tham nhũng dường như là thuộc tính của bộ máy công quyền dù ở đâu và thời nào cũng vậy.

Cho nên việc phòng chống tham nhũng là công việc của muôn thuở, muôn nơi nhưng phải nắm chắc cái riêng của mỗi nước, mỗi thời mà đấu tranh mới có hiệu quả", ông Quốc nhấn mạnh.

"Trận cuối cùng"

Theo ông Quốc, chống tham nhũng cũng tựa như chống dịch bệnh, vì thế nếu khoanh được khu vực có khả năng phát sinh dịch bệnh thì đã thành công một nửa.

Tham nhũng ở đâu cũng gắn với tầng lớp có quyền lực (quan chức), nhờ quyền lực mà bòn rút được công quỹ (chiếm công vi tư), người không có quyền lực (dân thường) chỉ có thể ăn cắp hay ăn cướp chứ không thể tham nhũng được.

Cũng theo ông Quốc, cơ chế tổ chức nhân sự ở nước ta thì về căn bản, muốn là quan chức (công chức có quyền chức và quyền lực) thì phải là Đảng viên.

Như thế cũng có nghĩa là tham nhũng chỉ có nguy cơ đối với các Đảng viên có chức quyền.

"Về định lượng chỉ là một thiểu số không lớn, hiện Đảng có khoảng 4,5 triệu Đảng viên và chiếm rất nhỏ trong số 90 triệu dân, lại nằm trong một tổ chức chính trị luôn đề cao tính kỷ luật .

Rõ ràng về lý thuyết đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta dễ hơn các nước khác có thể chế chính trị đa đảng phải dùng các đảng, phái để giám sát, tố cáo lẫn nhau.

Do vậy, vấn đề đặt ra về lý thuyết là, chỉ cần Đảng thực sự quyết tâm thì sẽ khắc phục được. Hơn thế, nếu ý thức cuộc đấu tranh này là sự sống còn của Đảng thì làm sao không đấu tranh tiễu trừ triệt để được?!

Nhân dân luôn mong cuộc đấu tranh ấy thành công.

Một Đảng đã thể hiện được sự kiên cường, "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" trong chiến tranh cách mạng làm sao lại không thắng được trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Quốc nhấn mạnh.

Ông cũng bày tỏ thêm, khi các Đảng viên cất tiếng hát "Quốc tế ca" thì ca từ "Đấu tranh đây là trận cuối cùng" cần thấu hiểu rằng : phong kiến đế quốc không còn nữa, bảo vệ Tổ quốc thì đối với dân tộc ta không có trận nào là cuối cùng cả, giặc đến là đánh thôi.

"Chỉ có đấu tranh chống tham nhũng mới thực sự là " trận cuối cùng" trước là để bảo vệ Đảng, quyền lãnh đạo của Đảng...", ông Quốc khẳng định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

"Buồn, xấu hổ, nhục lắm. Tại sao nước mình là anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng nghìn năm, hàng trăm năm oanh liệt như thế mà vấn nạn tham nhũng đứng thứ hạng trên 100. Bê bối quá, không chấp nhận được". (Theo Tuổi trẻ)

Còn một thực tế nữa, theo ông Quốc là chừng nào chúng ta còn duy trì một bộ máy công chức nhiều và với mức thu nhập hợp pháp ít ỏi như hiện nay thì thói nhũng nhiễu dân và hà lạm của công (một biến thái của tham nhũng) sẽ không thể nào thanh toán được.

"Nạn "tham nhũng vặt" sẽ là môi trường hủy hoại những mối quan hệ xã hội và nguy hiểm hơn sự kéo dài sẽ làm suy thoái sự nhận thức về đạo lý và hệ thống giá trị xã hội", ông Quốc nêu rõ.

Vị này cũng cho hay, cách đây mười năm, ông cho rằng đối với vấn nạn tham nhũng không nên gắn phòng với chống cho dù người ta hay nhắc đến sự cần thiết như "phòng bệnh hơn chữ bệnh", "phòng cháy hơn chữa cháy"...

Với tệ nạn tham nhũng thì việc "phòng" (rào cản pháp luật và sự giám sát của xã hội) có thể vận dụng rất nhiều bộ luật khác (hình sự, dân sự, đất đai, ngân sách, tài chính, công chức v.v...). Chỉ nên có một bộ luật chống tham nhũng mà thôi.

"Những vấn đề phát sinh và gây bức xúc liên quan đến xử lý tham nhũng khi chúng ta thảo luận về bộ Luật hình sự như án tử hình, dùng tiền để thoát án tù... cho thấy những bất cập khó có thể triệt để trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng", ông Quốc nêu thêm.

ĐBQH đoàn quảng trị - ông Lê Như Tiến

Đã có một vài đã lần cảnh báo về chuyện cuối nhiệm kỳ, nhiều người có nói những từ như xế chiều, hoàng hôn nhiệm kỳ.... Thời kỳ này là thời kỳ nhạy cảm, dễ phát sinh ra suy nghĩ, tư duy không đúng đắn. Cuối nhiệm kỳ, thường có thể không làm nữa, nghĩ rằng là chẳng còn gì để mất, trước khi hạ cánh làm chuyến tàu vét cuối cùng. Đó chính là biểu hiện của tham nhũng vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Tôi muốn rung tiếng chuông cảnh báo để các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật người đứng đầu cần phải quan tâm đến thời điểm nhạy cảm là cuối nhiệm kỳ, cuối khoá làm việc. Trong thực tế đã có, có người đề bạt cấp tốc 50-60 người trong vòng 6 tháng; có người tranh thủ ký dự án khổng lồ mà hậu quả đến đâu không biết, những người sau phải gánh chịu. Đó là sự gấp rút chạy đua, gấp rút để tham nhũng.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức Trẻ/Soha

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên