MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tinh giản biên chế: “Có đồng chí trong cả một khoá không làm được gì“

16-05-2015 - 08:52 AM | Xã hội

“Đông nhưng ít người làm việc lấy đây ra mạnh, có phải đánh giặc đâu mà cần quân đông. Tôi nghĩ trên cơ sở phải dám nhìn vào sự thật, thấy được hạn chế đó”

Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong đó, nhấn mạnh việc có các biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc…

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 39 đã đề cập đến 2 vấn đề quan trọng là tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Đây là hai khâu quan trọng, có tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn làm thế nào để thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả.

Ông Phạm Thế Duyệt

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, công tác cán bộ rất dễ, cơ bản có làm hay không. “Tôi nói thế vì sao?. Không phải lấy tôi để nói, nhưng tôi đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội nhưng chỉ cần một đồng chí giúp việc. Tôi cũng đã từng làm Thường trực Bộ Chính trị, cũng chỉ có một đồng chí Thư ký giúp việc. Làm việc phải bằng các cơ quan của Đảng và cái đầu của mình. Còn bây giờ, có chỗ tôi thấy bộ phận giúp việc toàn nhân 4-5 lần. Vì thế để tinh giản, thì đơn giản là giảm bớt các bộ phận này đi. Muốn như thế phải chọn người cho đúng, chọn những người đủ tâm, đủ tầm, biết làm và dám làm. Có bảo anh em viết hộ báo cáo cũng phải là ý của mình, chứ không phải là người ta viết để mình đọc, như thế thì không cần nhiều cán bộ”- ông Phạm Thế Duyệt nói.

Ông Phạm Thế Duyệt cho biết, kể cả lúc ông còn đương chức và kể cả bây giờ, ông vẫn thường nói, tổ chức của ta đông nhưng không mạnh, nhiều nhưng vẫn là ít, có nhưng vẫn là không.

“Đông nhưng ít người làm việc lấy đây ra mạnh, có phải đánh giặc đâu mà cần quân đông. Ở một Ban, một Bộ có rất nhiều người nhưng số để làm việc lại ít. Có đồng chí trong cả một khóa không làm được gì. Tôi nghĩ trên cơ sở phải dám nhìn vào sự thật, thấy hạn chế đó, đối chiếu lại có phải trước đây ít việc không?”- ông Duyệt đề xuất.

Giảm biên chế không phải là tính cộng hay trừ

Theo ông Phạm Thế Duyệt, việc giảm hay không giảm biên chế phải tùy vào từng lĩnh vực, vấn đề cụ thể. “Lựa chọn đúng người phụ trách, đúng người làm việc, là tự nhiên không thể có chuyện như đại biểu Quốc hội từng có ý kiến ở Quốc hội rằng nhiều nơi có tư tưởng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ mới đến trí tuệ”. Nếu chọn đúng thì chắc chắn không phải đến mức như vậy”.

Ông Phạm Thế Duyệt rằng, một cách sâu sắc nhất hãy học Bác Hồ trong công tác cán bộ, biết phát huy cả quần chúng ngoài Đảng, lớp chuẩn bị cho Đảng sẽ gánh vác tiếp nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, UBND, HĐND khóa tới. Xem xét để làm tốt nhân sự cũng là một cách giảm biên chế hiệu quả.

Theo ông Phạm Thế Duyệt, giảm biên chế không phải là tính cộng hay trừ mà giảm biên chế phải từ cụ thể công việc, thợ mộc không thể bắt đi xây nhà, thợ nề không thể làm cơ khí… thì sẽ đâu ra đó. Cùng với đó phải có chính sách đúng đắn cho cán bộ. Khi đề ra những chính sách đúng đắn thì sẽ không có tình trạng đưa về đông con ông cháu cha, người không làm được việc…

“Tôi muốn nói thêm rằng, đừng để để có tình trạng những người được cấu tạo vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư có cũng được, không có cũng được. Tuyệt đối không nên có việc này. Những người đã vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì phải sắc sảo, hành động, dân tin, những người mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, chính trị rất rõ, toàn tâm toàn ý cho vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Không phải vào để có vị trí”- ông Duyệt nhấn mạnh.

>>>Tinh giản biên chế: Tránh tình trạng "ăn theo, nói leo"

Theo Minh Hòa

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên