MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề

20-10-2023 - 22:17 PM | Sống

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề

Chí Cường vừa xuất sắc trở thành Thủ khoa của ĐH Phòng cháy Chữa cháy với điểm tổng kết 8,61/10.

Chí Cường vừa xuất sắc trở thành Thủ khoa của ĐH Phòng cháy Chữa cháy với điểm tổng kết 8,61/10.

Nhắc đến khối ngành Công an hay Quân đội, người ta thường nghĩ ngay đến những sinh viên có tác phong nghiêm chỉnh, thân hình rắn rỏi do được đào tạo thời gian dài trong môi trường kỷ luật. Đó cũng chính là ấn tượng của nhiều người khi nhắc về Nguyễn Chí Cường (SN 2000, quê ở Đà Nẵng), nam sinh vừa trở thành thủ khoa Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Được biết, Chí Cường đã tốt nghiệp khoa Chỉ huy Chữa cháy với điểm số trung bình 8,61/10. Mới đây, anh chàng là một trong 96 thủ khoa được UBND thành phố Hà Nội tuyên dương, cũng là đại diện duy nhất của khối trường Công an. Sau khi tốt nghiệp, anh chàng đảm nhận nhiệm vụ Tiểu đội trưởng (người chỉ huy một xe chữa cháy) tại Công an quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng).

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề - Ảnh 1.

Chí Cường tốt nghiệp Thủ khoa ĐH Phòng cháy Chữa cháy với số điểm 8,61/10

Bí quyết trở thành thủ khoa ĐH Phòng cháy Chữa cháy

Nếu theo dõi Chí Cường trên mạng xã hội, có thể thấy anh chàng đam mê và tâm huyết với công việc khi thường xuyên chia sẻ những bài viết về nghề. Bố mẹ rất thấu hiểu con trai, đặc biệt bố của Cường là bộ đội nên dù biết nghề này vất vả, song gia đình vẫn rất ủng hộ con thi vào trường Phòng cháy Chữa cháy.

Nhớ về quãng thời gian đầu trở thành sinh viên, Chí Cường chia sẻ gặp không ít khó khăn khi tập làm quen dần trong môi trường đại học. Anh chàng sống trong ký túc xá cùng với 7 bạn học khác, từ nhiều địa phương như Thanh Hoá, Phú Thọ,… Sống trong môi trường tập thể đòi hỏi rất cao về sự kỷ luật, sinh hoạt theo giờ giấc nên những ngày đầu, Cường cảm thấy hơi gò bó và lạ lẫm.

Cường tâm sự: “Điểm khác giữa môi trường học tập của các trường Công an với trường ngoài là về yếu tố kỷ luật. Trường mình yêu cầu học viên cần trưởng thành nhanh hơn, rèn luyện khác với bên ngoài. Song về lâu dài, mình cũng sẽ xây dựng được lối sống lành mạnh và khoa học”.

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề - Ảnh 2.

Chí Cường được ba mẹ ủng hộ khi thi vào khoa Chỉ huy Chữa cháy

Điểm đặc biệt khi học ở trường PCCC, sinh viên được rèn luyện thể lực rất nhiều bởi công việc yêu cầu sức khỏe tốt, phải mặc đồ bảo hộ nặng. Trong những năm đầu, Chí Cường chủ yếu rèn luyện thể lực, học lý thuyết, mô phỏng và các môn liên quan nghiệp vụ cảnh sát.

Trong quá trình học tập, Cường được bầu làm lớp phó, tương đương vị trí trung đội phó phụ trách công tác học tập. Do đó, nam sinh phải liên tục học và nghiên cứu tài liệu để làm được đề cương cho lớp trước mỗi bài kiểm tra. Nhờ vậy, anh chàng nắm được kiến thức nhanh hơn, giúp hiểu bài sâu và nâng cao điểm số.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, anh chàng được phong hàm Trung uý, sớm hơn 1 năm so với thời hạn chuẩn. Cường cũng sở hữu nhiều thành tích đáng nể khác như được Bộ Công an tặng giấy khen có thành tích xuất sắc phong trào thi đua - học tập, đạt giải Nhất cá nhân Chuyên đề nghiên cứu khoa học cấp trường…

Mặc dù là thủ khoa đầu ra của trường ĐH Phòng cháy chữa cháy và có nhiều thành tích ấn tượng, song Cường khiêm tốn tự nhận “bản thân không có gì để flex”.

“Mình trở thành thủ khoa trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, nhưng không có nghĩa mình giỏi nhất chuyện chữa cháy. Bởi mình biết có nhiều đồng nghiệp rất giỏi sau bao năm công tác trong ngành và có kinh nghiệm thực tế tốt hơn. Mình nghĩ cần phải học hỏi thêm từ các anh chị, chứ nếu flex sẽ khiến bản thân dễ tự mãn, rồi cũng chỉ dừng ở mức đó thôi”, Cường chia sẻ.

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề - Ảnh 3.

Cường phải rèn luyện thể lực rất nhiều khi trở thành chiến sĩ PCCC

Điều sợ nhất khi trở thành chiến sĩ phòng cháy chữa cháy 

Trên mạng xã hội, mọi người thường biết đến công việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) với hình ảnh rất ngầu bởi các chiến sĩ sẵn sàng lao vào biển lửa, không quản ngại nguy hiểm của bản thân. Còn khi thực sự trở thành chiến sĩ PCCC, Cường càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả của nghề và luôn cố gắng học hỏi, sống có trách nhiệm hơn.

Ở vị trí tiểu đội trưởng, mỗi lần đến hiện trường, Cường phải đảm bảo sự an toàn cho các chiến sĩ, hướng dẫn anh em triển khai đội hình để nhanh chóng tiến hành dập lửa và cứu người.

Giống như nhiều đồng nghiệp khác, Cường cũng tâm sự bản thân sợ nhất mỗi khi nghe được thông tin cháy nhà dân. Khi nhận được tin không hay này, anh chàng phải cùng các anh em nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ.

Anh chàng chia sẻ thêm: “Việc thực hành PCCC ở trường và thực tế có nhiều điểm khác nhau. Có những thứ mình nghĩ đơn giản nhưng khi đến hiện trường lại phát sinh nhiều vấn đề. Điển hình như trang thiết bị PCCC ở mỗi nơi khác nhau. Ở mỗi địa phương lại có nhiều loại công trình như ở Hà Nội thì có nhiều toà nhà cùng với ngách, ngõ nhỏ, đường đi ngoằn nghèo hơn so với ở Đà Nẵng. Điều này đòi hỏi mình cần học hỏi thêm từ đồng nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm để hiểu hơn về thực tế công tác PCCC”.

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề - Ảnh 4.

Cường từng được Bộ Công an tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua - học tập

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi đi làm nhiệm vụ, Cường cho rằng là thời gian thực tập tại đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quận Hoàn Kiếm vào năm ngoái. Trong một lần tham gia chữa cháy, anh chàng di chuyển lên tầng 3 và cõng một cụ ông ra ngoài an toàn.

Ban đầu Cường định đưa ông bằng lối thang bộ nhưng vì có quá nhiều khói, nam sinh liền cõng nạn nhân theo lối ban công sang nhà bên cạnh, đi xuống bằng thang thoát hiểm. Khi xuống đến nơi an toàn, Cường nhận được lời cảm ơn của nạn nhân và người thân khi trên mặt còn bám đầy bụi than. Khoảnh khắc đó đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với chàng chiến sĩ trẻ.

Cường nhớ lại: “Mình không thể diễn ra được cảm giác hạnh phúc và xúc động ấy. Trước đó, nạn nhân cũng nói rất tin lính cứu hoả và điều đó tiếp thêm động lực cho mình rất nhiều".

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Cường cho biết sẽ tiếp tục cố gắng học hỏi để phát triển hơn nữa trong nghề. Đồng thời, anh chàng cũng hy vọng sẽ truyền tải được kiến thức PCCC sâu rộng hơn đến người dân.

Thủ khoa trường Phòng cháy Chữa cháy được UBND Hà Nội vinh danh: Thăng hàm sớm 1 năm, tâm sự điều sợ nhất khi làm nghề - Ảnh 5.

Cường đang công tác tại Công an quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Vân Anh

Phụ nữ mới

Trở lên trên