Thứ trưởng Bộ KHCN: Không nên quá lạc quan về khởi nghiệp ở Việt Nam, câu nói “nhiều startup ngáo giá” cũng có hàm ý nhất định
Statup trên thế giới khi tăng trưởng cao đều dựa trên sáng chế, ý tưởng mới, cũng như kết quả nhờ vào sự tích luỹ khoa học công nghệ, Thứ trưởng KHCN Bùi Thế Duy nói tại Vietnam Business Summit 2019 sáng 16/10. Ông cho rằng tại Việt Nam, statup chỉ đang “bắt chước, chưa có cái riêng”.
- 16-10-2019Tại sao Việt Nam lại bùng nổ các công ty khởi nghiệp công nghệ?
- 25-09-2019Báo Mỹ: Việt Nam vốn đã là một thị trường phát triển nhanh, có điều kiện phù hợp để khởi nghiệp phát triển, bất kể có chiến tranh thương mại hay không
- 03-09-2019Nhà đầu tư nước ngoài "tấp nập" rót vốn vào startup, Việt Nam có tiềm năng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng đây là thời điểm thuận tiện để nói về khoa học đổi mới sáng tạo. 15 năm trước, các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh dựa vào tài nguyên, sản phẩm riêng và lao động giá rẻ. Tuy nhiên, quy luật cho thấy khi nền kinh tế đạt ngưỡng trung bình, những yếu tố này sẽ không còn là lợi thế nữa.
“Nếu tiếp tục vòng luẩn quẩn cạnh tranh bằng sức lao động, tài nguyên, thì cả nền kinh tế sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông nói.Điều may mắn của Việt Nam, đang nằm trong 2 yếu tố: bối cảnh buộc phải chuyển đổi và xu hướng cách mạng 4.0. Những điều này khiến xã hội, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nhưng như đồng xu có 2 mặt, nó cũng đặt ra những vấn đề tiêu cực như nói quá nhiều mà không hiểu nhiều về công nghệ 4.0, nhiều người nhầm lẫn yếu tố ứng dụng công nghệ thông tin thuần tuý với 4.0 mà các nước hàng đầu đưa ra. Tuy nhiên, điều này cũng không cần quá đặt nặng, theo ông Duy.
Từ kinh nghiệm của các nước đã thoát bẫy thu nhập trung bình, ông nhấn mạnh cốt lõi nằm ở việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế dựa vào các ngành công nghiệp. Trong đó, Hàn Quốc là một điển hình với kỳ tích thoát “bẫy” chỉ trong 27 năm.
“5 con hổ châu Á đều từng ở trong thời điểm như Việt Nam hiện nay”, ông nói và cho biết yếu tố là ở việc những quốc gia này đã bắt kịp công nghệ.
“Quan điểm của tôi hơi khác với người lạc quan. Chúng ta cần bắt kịp công nghệ trước khi chuyển sang phát triển, tạo ra công nghệ. Không thể nhảy từ 2.0 lên 4.0 được. Nếu 95% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, trình độ công nghệ cơ bản là khoảng 2.0 – 3.0, phần nhiều là 2.5 thì nếu không bắt kịp sẽ không thể nói đến chuyển nhảy vọt”, ông nói.
Bên cạnh đó, nhìn nhận cuộc chơi ở góc độ “trên mặt đất” – theo cách gọi của ông Duy, top 20 công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế giá trị nhất toàn cầu về 4.0 đều đến từ các quốc gia như Mỹ, Hàn, Nhật, Trung Quốc, Canada – vốn có nhiều năm tích luỹ công nghệ, sở hữu nhiều viện, đại học chất lượng… chứ không phải là những nước có dân số đông, nhiều tiền.
“Samsung, LG… những công ty này đều dành rất nhiều năm để bắt kịp, tích luỹ công nghệ trước khi sáng tạo công nghệ, dẫn dắt thị trường”, ông nhận xét.
Việt Nam hiện đang ở nhóm sơ khởi nhưng tiệm cận với nhóm có tiềm năng cao, kể cả nhóm dẫn đầu. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang ở vị trí 42/129 nền kinh tế, tăng suốt kể từ năm 2015.
Năng lực này được ông Duy cho biết là đứng đầu so với các nước có cùng mức thu nhập. Dù là tin vui, nhưng Thứ trưởng KHCN cho rằng đấy cũng là nỗi buồn khi tiềm năng của Việt Nam thì có nhưng chưa thúc đẩy được mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
Do đó, ông cho rằng đã đến thời điểm Việt Nam có chiến lược để chuyển đổi: ban đầu là bắt chước, sau đó là phát triển công nghệ.
Tổng thể, đến giai đoạn hiện tại, trung tâm của đổi mới sáng tạo được đặt lên vai của các doanh nghiệp, lấy sự phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu. Nhưng ngược lại, những hạt nhân này cũng có trách nhiệm trở lại.
Nói thêm về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ông Duy cho biết hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp thuộc nhóm này. Tuy nhiên, statup của Việt Nam vẫn đang cách xa với các statup về khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới.
Ông cũng nói rằng trong giai đoạn hiện nay không nên quá lạc quan về khởi nghiệp ở Việt Nam. “Startup trên thế giới khi tăng trưởng cao đều dựa trên sáng chế, ý tưởng mới, là kết quả tích luỹ được về khoa học công nghệ. Nếu chúng ta không có đầu vào mà chỉ tập trung vào đầu ra thì dẫn đến câu nói của Shark Bình gần đây cũng có hàm ý nhất định: ‘Nhiều bạn ngáo giá’. Chúng ta bắt chước chứ chưa có cái riêng, chưa có bảo hộ tài sản. Bản chất của hệ sinh thái khởi nghiệp là phải sáng tạo, cần tích luỹ về tài sản trí tuệ”.